CHỮA ĐỘNG KINH BẰNG NAM Y
Động kinh là bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của người bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao tương ứng với việc tăng tỷ lệ các bệnh thực thể hệ thần kinh trung ương cũng như sự áp lực ngày càng lớn của môi trường xã hội. Đa số bệnh nhân phải sống chung với bệnh và điều trị bằng thuốc cắt cơn động kinh, gần đây điều trị động kinh bằng Nam Y là xu hướng được nhiều người lựa chọn bởi những hiệu quả không ngờ từ những phương pháp dùng thuốc, châm cứu.
1. Định nghĩa
Bệnh động kinh (Epilepsy) là sự rối loạn chức năng thần kinh trung ương theo từng cơn do sự phóng điện đột ngột và quá mức của vỏ não hoặc qua qua vỏ não của các neuron.
Cơn động kinh có đặc tính: Xuất hiện đột ngột và tự lui, trong cơn có rối loạn chức năng thần kinh trung ương (não), đặc biệt là những rối loạn về tri thức, vận động, cảm giác, giác quan. Thời gian mỗi cơn động kinh có thể kéo dài ngắn từ vài giây đến vài phút, tái đi tái lại có tính định hình (cơn sau giống cơn trước), thường thấy mất ý thức trong cơn.
2. Nguyên nhân
Bệnh động kinh thường không rõ nguyên nhân (Cryptogenic epilepsy), căn nguyên ẩn không phát hiện.
Động kinh nguyên phát (Idiopathical epilepsy) cơn động kinh xảy ra mà không có tổn thương thực thể khu trú tại não và có yếu tố di truyền, loại này chiếm khoảng >50% trường hợp bệnh. Thường xuất hiện dưới 20 tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Trẻ phát triển tâm lý, tri thức, vận động của trẻ bình thường cho tới lúc xuất hiện cơn động kinh, có thể biểu hiện lâm sàng bằng các cơn vắng ý thức, cơn giật cơ, cơn co giật toàn thân.
Động kinh có nguyên nhân (Symptomatic epilepsy) là do các tổn thương thực thể tại não (tiến triển hay di chứng) hay có yếu tố di truyền.
- Di truyền: Tính di truyền của bệnh động kinh đã được biết rõ, và được khẳng định bởi cha mẹ của người bị bệnh động kinh (trừ trường hợp do tổn thương tại não) có một số biến đổi đặc biệt trên điện não đồ.
- Chấn thương sọ não: Được chia thành: Sớm (xuất hiện cơn động kinh trong 7 ngày kể từ khi bị chấn thương) và muộn (sau 7 ngày). Ngoài ra cơn động kinh còn có thể diễn ra trong vài phút đến một vài giờ sau chấn thương được gọi là động kinh “ngay lập tức”.
- Bệnh như viêm màng não, viêm não, kén sán não.
- Tai biến mạch máu não làm tổn thương hệ thần kinh trung ương: Là nguyên nhân hàng đầu của bệnh động kinh ở người lớn tuổi có tăng huyết áp và xơ vữa động mạch.
- U não, ung thư di căn não: Đặc biệt là vị trí khối u nằm ở trên lều tiểu não hoặc ở hố sọ sau.
- Loạn sản thần kinh - ngoại bì, xơ cứng não củ Bourneville, bệnh Alzheimer.
- Bại não (do tai biến sản khoa): Khoảng 20% của các cơn động kinh ở trẻ em bị bại não.
- Rối loạn phát triển: Như chứng tự kỷ và hội chứng Down có thể có động kinh kèm theo.
- Ngoài những nguyên nhân tại não còn có những nguyên nhân toàn thân ảnh hưởng đến não như: Rối loạn tuần hoàn, nhiễm độc, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, thiếu Oxy não, sốc phản vệ, hội chứng cai nghiện, cảm nóng, tăng thân nhiệt.
3. Dịch tễ
Có khoảng 65 triệu người trên thế giới mắc bệnh động kinh, chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển (khoảng gần 80%). Đa số động kinh xảy ra ở trẻ em (khoảng 50% ở trẻ dưới 10 tuổi và 75% ở người dưới 20 tuổi) do nguyên phát, chấn thương sản khoa, viêm não, loạn sản não, chấn thương sọ não ở tuổi nhỏ. Tỷ lệ mắc động kinh ở người lớn thường ít hơn bởi những nguyên nhân u não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, nghiện rượu, nghiện ma túy, xơ cứng mạch máu não, u não. Tỉ lệ tử vong do động kinh ngày càng gia tăng. Khoảng 10% - 25% bệnh nhân mắc bệnh động kinh có yếu tố gia đình (cha, mẹ mắc động kinh).
4. Triệu chứng
a. Động kinh cơn lớn: Gồm những triệu chứng chính của cơn động kinh toàn thể, đặc hiệu với những cơn co giật đi kèm với mất tri thức:
• Những hiện tượng trước cơn:
- Tiền triệu: Đôi khi xuất hiện từ một vài giờ hoặc một vài ngày trước khi cơn xảy ra. Tiền triệu bao gồm đau nửa đầu, đau dây thần kinh, dị cảm, rối loạn tiêu hóa, run, hồi hộp đánh trống ngực, thay đổi tính nết, trầm cảm.
- Tiền chứng: Những biểu hiện tại chỗ xuất hiện ngay trước khi cơn động kinh toàn thể xảy ra.
+ Tiền chứng vận động: Máy mắt, nghiến răng, có những động tác nhanh ở chi.
+ Tiền chứng cảm giác: Cảm giác kiến bò, cảm giác gió thổi qua buốt toàn thân, cảm giác rát bỏng.
+ Tiền chứng giác quan: Thị giác (hoa mắt, ám điểm lập lòe, ánh sáng có màu, ảo giác thị giác), thính giác (ù tai, nghe thấy tiếng chuông hoặc tiếng nói), khứu giác (ngửi thấy mùi khét, mùi trứng thối), vị giác (đắng miệng).
+ Tiền chứng tạng: Nấc, hồi hộp (tim đập nhanh, đau ngực), nôn, buồn nôn.
+ Tiền chứng tâm thần: Lo âu, cáu giận, hồi ức, mơ ngủ.
• Cơn co cứng - co giật
- Pha co cứng: Bắt đầu bởi một tiếng kêu khàn đặc biệt. Ngay sau đó bệnh nhân ngã xuống bất tỉnh. Trong khi ngã bệnh nhân không có khả năng tránh chướng ngại vật và có thể bị thương do ngã. Tứ chi duỗi thẳng cứng, lồng ngực và cơ hoành bất động trong thì thở ra hết sức. Bệnh nhân bị ngừng thở trong vài giây kèm theo ngạt thở và tím tái. Hai hàm răng cắn chặt, nghiến răng, hai mắt lộn tròng (nhãn cầu xoay ngược lên trên). Pha này kéo dài trung bình khoảng 30 giây.
- Pha co giật: Bệnh nhân bị kích động bởi những động tác giật đột ngột, theo nhịp. Động tác giật này ngày càng mạnh hơn và thưa hơn, đồng bộ giữa các bộ phận khác nhau của cơ thể, lưỡi thè ra ngoài thành từng đợt, trong khi hai hàm răng cắn chặt, do đó bệnh nhân có thể tự cắn vào lưỡi mình. Các cơ bám da mặt cũng tham gia co giật (mặt bệnh nhân nhăn nhó), thường tăng tiết nước bọt (sùi bọt mép), các cơ vòng giãn ra nên bệnh nhân thường hay đại tiểu tiện không tự chủ. Pha này kéo dài trung bình từ 2 – 3 phút và kết thúc bởi động tác giãn cơ đột ngột, kèm theo một tiếng thở dài sâu và bọt mép sùi ra nhiều (do tăng tiết nước bọt và có thể lẫn máu do cắn vào lưỡi, môi, niêm mạc má trong).
- Pha bất tỉnh: Bệnh nhân nằm bất động, cơ giãn ra, không cảm nhận và mất tri thức, thở rống lên. Tím tái giảm dần, bệnh nhân có vẻ như ngủ say. Pha này có thể kéo dài một vài phút đến một vài giờ và tri thức trở lại dần dần nhanh hoặc chậm. Bệnh nhân thường mệt rã rời, tâm trí u ám và không nhớ gì về cơn động kinh của mình.
- Pha sau cơn kịch phát: Sau cơn động kinh thường thấy bệnh nhân có rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan, rối loạn tâm thần, buồn nôn.
Những trường hợp liệt nửa người thoáng qua sau cơn động kinh được gọi là liệt Todd.
Động kinh hay xảy ra ban đêm, mới đầu thưa thớt sau tần số ngày càng giày hơn. Rượu là yếu tố thuận làm cơn động kinh dễ xảy ra.
b. Động kinh cơn nhỏ: Gồm tập hợp những triệu chứng nhẹ của cơn động kinh toàn thể, chủ yếu thấy ở trẻ em và đặc biệt là những cơn này chỉ diễn ra trong vài giây nhưng có thể bị tái đi tái lại nhiều lần trong ngày.
- Cơn động kinh vắng ý thức: Mất tri thức trong thời gian ngắn (5 – 30 giây), trong thời gian này bệnh nhân ngừng mọi hành động, trong khi những hoạt động tự động vẫn tiếp tục (đi bộ, nuốt…Trong cơn bệnh nhân không còn bất kỳ tri thức nào, và không nhớ được gì về cơn bệnh, ngay cả những người xung quanh cũng không để ý đến. Cơn vắng ý thức bắt đầu đột ngột mà không có tiền chứng nào. Bệnh nhân không bị co giật và không ngã.
- Cơn động kinh giật cơ: Cơn xảy ra rõ nét bởi co cơ một phần, đồng bộ bị mất hoặc không bị mất tri thức.
- Cơn động kinh mất trương lực cơ hoặc mất vận động: Đặc hiệu bởi mất đột ngột trương lực cơ trong thời gian ngắn làm cơ thể bệnh nhân có thể mềm yếu và ngã xuống.
- Động kinh dày cơn: Có những cơn vắng ý thức xảy ra rất mau tới trên 100 lần trong ngày (còn gọi là bệnh Friedmann) có khả năng do những rối loạn thần kinh thực vật, những rối loạn hết khi trẻ đến tuổi dậy thì.
c. Động kinh cục bộ
- Cơn động kinh Bravais – Jackson: Là những cơn vận động bệnh lý đặc hiệu bởi những động tác rung giật một bên, bắt đầu ở cẳng chân hay cánh tay tùy vào vị trí của ổ động kinh nằm ở trên cao hay thấp trong thùy trán lên của vỏ bán cầu đại não bên đối xứng.Thông thường trong những cơn động kinh Bravais – Jackson bệnh nhân không bị mất ý thức, nhưng khi cơn co giật lan rộng, thể hiện hoạt động phóng xung thần kinh của Neuron lan rộng, thì có thể dẫn đến động kinh toàn thể, và lúc đó bệnh nhân bị mất tri thức. Vị trí bắt đầu của cơn co cơ thường không đổi và căn cứ vào đó để định khu được ổ sinh động kinh trên vỏ não. Ổ động kinh cục bộ này chủ yếu là do tổn thương não khu trú (sẹo sau chấn thương, u não, u mạch máu não). Trong thời gian động kinh diễn ra, có những hiện tượng giảm sút: Bệnh nhân không có khả năng thực hiện các động tác theo ý muốn, ở đoạn chi hoặc thân thể bị giật. Sau cơn động kinh các phần đó sẽ bị liệt trong một thời gian nhất định.
- Cơn động kinh cảm giác: Những cơn động kinh cảm giác có đặc điểm là bệnh nhân có những cảm giác không khách quan, rối loạn cảm giác ở các chi, hoặc mặt (kiến bò, tê cứng). Các rối loạn này có thể khu trú hoặc lan rộng dần. Cơn động kinh cảm giác là biểu hiện của kích thích ở hồi đỉnh lên của não (vùng cảm giác vỏ não). Sau cơn, vùng bị tác động thường bị giảm cảm giác.
- Cơn động kinh tâm thần, giác quan: Cơn động kinh đặc hiệu bởi những biểu hiện giác quan cơ bản hoặc phức tạp (ảo giác) với nhận thức bị biến đổi hoặc không khách quan.
+ Rối loạn thị giác: Hoa mắt, nhìn thu nhỏ hay phóng to, thấy chớp sáng (ổ kích thích ở thùy chẩm), ảo giác thị giác với những hình ảnh không thật (ổ kích thích ở thùy thái dương).
+ Rối loạn thính giác: Từ ảo giác âm thanh cơ bản hoặc tiếng ù tai tới ảo giác nghe thấy tiếng nói hay tiếng nhạc (ổ kích thích ở thùy thái dương).
+ Rối loạn khứu giác: Ngửi thấy mùi khó chịu.
+ Rối loạn tiền đình: Biểu hiện bởi những cơn chóng mặt, cảm giác mình được nâng cao lên hay hạ xuống thấp nhanh (ổ kích thích ở thùy thái dương).
+ Các rối loạn thần kinh thực vật: Đau bụng (hiếm gặp).
Sau khi hết cơn, có thể thấy bệnh nhân bị suy giảm về giác quan. Khi xảy ra mất tri thức thì bệnh nhân có thể kể lại những biểu hiện tâm thần - giác quan xảy ra trước khi mất tri thức.
- Cơn tương đương tâm thần vận động: Gồm những cơn kịch phát tự động hoặc những rối loạn hành vi mà bệnh nhân không nhớ được. Người ta cho rằng những cơn này là do một ổ sinh động kinh ở thùy thái dương của não, với những biến đổi khu trú về điện não đồ, đôi khi rất rõ trong giấc ngủ.
d. Trạng thái động kinh: Là tình trạng bị cơn động kinh kéo dài hoặc nhiều cơn động kinh liên tiếp nối nhau trong thời gian ngắn, tạo nên một trạng thái động kinh bền vững, trong thời gian này tri thức của bệnh nhân không lúc nào trở về hoàn toàn, hoặc có thể hôn mê. Thân nhiệt tăng nhanh, mạch nhanh và các cơn co cơ sẽ gây nhiễm toan. Trạng thái này có thể kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Bệnh nhân có thể tử vong do phù não, trụy tim mạch hoặc phù phổi cấp. Trạng thái động kinh có thể xảy ra do ngừng đột ngột hoặc thay đổi đột ngột thuốc chống động kinh đang sử dụng khi điều trị cho những bệnh nhân có cơn mau, hoặc do một bệnh mạch máu não, do nhiễm độc rượu, do rối loạn chuyển hóa, do nhiễm khuẩn hoặc khối u.
e. Những thể động kinh hiếm gặp:
- Cơn động kinh liên tục Kojevnikov: Là một thể hiếm gặp của cơn động kinh vận động cục bộ, đặc hiệu bởi những cơn giật cơ không ngừng, ở một bên, thường khu trú ở bàn tay hoặc ở mặt, không có rối loạn tri thức kèm theo. Ổ động kinh thể này nằm ngay dưới lớp vỏ đại não và kích thích vùng vỏ não vận động ở bên trên.
- Cơn động kinh co giật cơ trẻ em Unverright – Lundborg: Những cơn động kinh toàn thể có giật nhiều cơ, với sự suy giảm tâm thần tiến triển, trên điện não đồ có nhiều song nhọn nổi lên trên những nhịp sóng chậm dần. Đây là bệnh mang tính gia đình và xuất hiện trước tuổi dậy thì.
- Cơn động kinh co cứng cơ: Một thể động kinh toàn thể, có đặc điểm của những cơn rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng 10 giây, với tri thức u ám và co cứng cơ, đặc biệt là những cơ giữ tư thế làm cho bệnh nhân giữ nguyên thân người ở tư thế ưỡn và tứ chi ở tư thế gấp.
- Hội chứng West (co cứng trẻ em): Thấy ở trẻ còn bú từ 3 đến 9 tháng tuổi bình thường hoặc có u não từ trước, biểu hiện bởi những cơn co cơ làm cho các chi và thân người bị cứng trong tư thế gấp. Trên điện não đồ thấy dấu hiệu loạn nhịp cao thế (có những sóng nhọn và sóng chậm rất dễ thay đổi).
- Hội chứng Lennox – Gastaut: Khởi phát ở trẻ từ 2 – 7 tuổi, biểu hiện lâm sàng bởi những cơn vắng ý thức, những cơn co cơ hoặc giật cơ. Trên điện não đồ có những sóng gai nhọn, chậm, tràn lan.
- Cơn động kinh co giật: Một thể động kinh toàn thể riêng của trẻ em, trong đó có những cơn kéo dài trong vài phút với đặc điểm mất tri thức, phóng xung thần kinh thực vật và co cơ 2 bên, phân bố ít nhiều trên toàn cơ thể.
- Cơn động kinh xoay nhãn cầu: Chỉ biểu hiện bởi lệch phối hợp đầu và mắt.
f. Co giật ở trẻ em: Xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi là biểu hiện của bẩm tố động kinh tự nhiên, với biểu hiện đạt mức tối đa ở lứa tuổi này và sau đó giảm nhanh. Co giật ở trẻ em là dấu hiệu của bệnh động kinh biểu hiện về sau chỉ là những biểu hiện rất hiếm.
5. Cận lâm sàng
a. Điện não đồ (EEG): Điện não đồ để chẩn đoán chính xác bệnh động kinh. Vì không thể ghi được điện não ngay trong cơn, và vì giữa các cơn điện não đồ có thể bình thường, nên người ta dùng biện pháp gây phát cơn. Người ta có thể thấy những biến đổi điện não đồ như sau:
- Động kinh cơn lớn: Trong lúc có cơn, có hàng loạt những sóng nhỏ, nhanh, lan tràn, đồng bộ với biên độ cao (tần số 15 – 50 sóng/giây), thời kỳ sau cơn kịch phát có những sóng chậm. Giữa những cơn có thể thấy phóng xung ở hai bên bán cầu đại não, đồng bộ và đối xứng, tự phát hoặc sau khi thở nhanh sâu hay kích thích bằng ánh sáng cách quãng. Nếu điện não đồ bình thưỡng cũng không loại trừ chẩn đoán động kinh.
- Động kinh cơn nhỏ: Trong lúc có cơn thấy có những phức hợp sóng, nhọn ở lúc đầu và lúc cuối, đồng bộ cả hai bên (tần số 3 – 4 sóng/giây).
- Động kinh Bravais – Jackson: Có thể thấy phóng xung một bên tại chỗ. Có giá trị chẩn đoán định khu tổn thương.
b. Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp CT – scanner: Có thể phát hiện ra những tổn thương trong não có thể gây ra cơn động kinh như xuất huyết, nhồi máu não, u não…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Có thể phát hiện ra những tổn thương trong não có thể gây ra cơn động kinh như xuất huyết, nhồi máu não, u não… như CT nhưng cụ thể hơn nhiều.
- Cộng hưởng từ chức năng (fMRI): Thay đổi lưu lượng máu xảy ra khi các phần cụ thể của não bộ đang làm việc. Chỉ định fMRI trước khi phẫu thuật để xác định chính xác vị trí của các chức năng quan trọng, để bác sĩ phẫu thuật không làm tổn thương những vị trí đó trong khi điều trị.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ liều thấp tiêm vào tĩnh mạch để giúp hình dung ra các khu vực hoạt động của não và phát hiện những bất thường.
- Phát xạ cắt lớp vi tính (SPECT): Nếu đã làm MRI và EEG mà không xác định vị trí tổn thương trong não, nơi phát sinh các cơn động kinh.
6. Chữa động kinh bằng Nam Y
Động kinh thuộc chứng “kinh phong”, “kinh giản”, “điên giản” theo y học cổ truyền liên quan đến sự rối loạn công năng của các tạng tâm, tỳ, can, thận làm mất cân bằng âm dương gây khí nghịch, đàm trệ, hỏa viêm, phong động, che lấp thanh khiếu. Khi can thận âm suy yếu, không kiềm được dương, dương vượng lên sinh ra nhiệt. Nhiệt sinh cực phong gây can phong nội động, hoặc do nhiệt thịnh sinh đàm, do ăn uống thất điều, ăn quá nhiều đồ béo ngọt làm tổn thương tỳ vị làm đàm trọc tụ lại. Hay tình chí uất kết hoặc lao lực quá độ làm khí nghịch lên. Can phong kết hợp với đàm nhiễu lên gây bế trở kinh lạc, che lấp tâm khiếu gây ra bệnh. Hoặc do tiên thiên bất túc, bẩm tố âm hư nhất là ở trẻ nhỏ. Điều trị cơn động kinh bằng thuốc Tây trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan thận (theo y học cổ truyền can chủ cân, thận chủ cốt tủy thông với não liên quan trực tiếp đến các bệnh).
Dựa vào những lý luận y học cổ truyền trên, kết hợp với cơ chế bệnh sinh, căn nguyên gây bệnh của y học hiện đại, Nam Y đã nghiên cứu và ứng dụng điều trị động kinh một cách tối ưu. Để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả Nam Y dùng những chẩn đoán về lâm sàng, cận lâm sàng của y học hiện đại làm gốc, dùng tứ chẩn của y học cổ truyền để đưa ra bát cương (âm, dương, hàn, nhiệt, biểu, lý, hư, thực) của khí, huyết, tạng, phủ. Ngoài ra còn có những phương pháp chẩn đoán riêng của Nam Y như chẩn đoán kinh lạc thông qua các tỉnh huyệt bằng máy móc hiện đại, xác lập tình trạng bệnh theo quy luật sinh học.
Những nguyên tắc điều trị động kinh theo Nam Y bao gồm:
- Làm sạch nội môi, đào thải các chất cặn bã, gây độc cho cơ thể mà y học cổ truyền gọi là Đàm (sản vật bệnh lý).
- Dùng các vị thuốc có tính tác dụng trấn kinh, an thần, bình can tức phong, trừ đàm để chữa, các cơn động kinh sẽ thưa dần, giảm các triệu chứng nặng nề và tiến tới ổn định.
- Bổ khí huyết, âm dương điều chỉnh công năng tạng phủ trên những người bệnh có bẩm tố bất túc, hoặc bệnh lâu ngày dẫn đến hư nhược. Việc kết hợp bổ tả (tiêu bản đồng trị) giúp bệnh nhân cắt cơn động kinh và hạn chế tái phát.
- Thần châm, đây là thế mạnh trong điều trị động kinh bằng Nam Y. Ứng dụng Thần châm là dùng các kim có kích thước nhỏ châm vào các huyệt tại chỗ và toàn thân theo phác đồ cụ thể trên từng bệnh nhân tác dụng tăng tuần hoàn não, huy động nguồn năng lượng nội sinh để sửa chữa và phục hồi các tổn thương thần kinh, do đó cắt cơn động kinh hiệu quả.
- Dùng Nam dược và thần châm để điều trị căn nguyên gây động kinh như: U não, tai biến mạch máu não, sán não, nhiễm độc, nhiễm khuẩn…
- Tư vấn cho bệnh nhân chế độ ăn thanh đạm, hạn chế các chất kích thích, cay nóng như tiêu, ớt, thịt và mỡ động vật… Không nên uống rượu, cà phê, thuốc lá, thuốc phiện…
- Tư vấn cho bệnh nhân cách sinh hoạt điều độ, không lao lực quá sức, tránh căng thẳng stress để hạn chế các yếu tố thuận lợi xảy ra cơn động kinh.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, luyện yoga hay thiền cũng là phương pháp hữu hiệu trong việc nâng cao thể trạng, điều hòa tinh – khí – thần.
7. Kết quả điều trị
Phòng khám Thọ Xuân Đường là cơ sở chữa bệnh Nam y đã chữa khỏi cho hàng ngàn bệnh nhân động kinh. Dưới đây là những bệnh nhân cụ thể đã được điều trị khỏi:
- Trường hợp cháu Nguyễn Thảo V (8 tuổi – Nghệ An): Từ năm 2013, cháu xuất hiện cơn động kinh kéo dài khoảng 3-5 phút. Chu kỳ xuất hiện cơn co giật khoảng 3 tháng một lần. Điều trị tại phòng khám Thọ Xuân Đường năm đầu cháu đã giảm thời gian lên cơn động kinh và tần số phát bệnh còn 1 – 2 lần trong năm. Trong một năm trở lại đây cháu không còn bị tái phát lần nào, mọi sinh hoạt đều bình thường.
- Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Đ (17 tuổi, Chương Mỹ - Hà Nội): Cách đây một năm, bệnh nhân đột nhiên xuất hiện cơn động kinh co cứng toàn thân, sùi bọt mép kèm theo nôn nhiều sau đó ngất xỉu, mỗi cơn kéo dài khoảng vài phút. Các cơn thường xuyên tái phát, đặc biệt là khi cháu học tập căng thẳng, đã điều trị thuốc tây 3 tháng mà không thuyên giảm. Vào tháng 10/2014, bệnh nhân đến phòng khám và điều trị tại phòng khám Thọ Xuân Đường với phác đồ dùng thuốc viên hoàn, thuốc sắc và châm cứu. Sau điều trị liên tục 5 tháng bệnh nhân đã thưa dần các cơn động kinh, sức khỏe dần dần cũng tốt lên, sinh hoạt và học tập bình thường.
- Trường hợp bệnh nhân Lê Văn P (58 tuổi – Bắc Giang): Từ năm 2012 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, di chứng yếu nửa người trái, động kinh với tần số 3 tháng lên một cơn kéo dài 3 – 5 phút. Tháng 6/2014 bệnh nhân đến phòng khám tại Thọ Xuân Đường khám và điều trị, sau 4 tháng điều trị kết hợp cả di chứng liệt và động kinh bằng thuốc Nam và châm cứu bệnh nhân đã cắt được động kinh, tình trạng yếu nửa người cũng được cải thiện. Đến nay bệnh nhân không còn bị tái phát nữa, sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường.
- Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Hà (21 tuổi – Thanh Trì, Hà Nội): Bệnh nhân bị động kinh từ năm 7 tuổi, thường xuyên bị lên cơn động kinh, tần số xuất hiện cơn mỗi tháng 2 – 3 lần, ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất và học tập. Bệnh nhân tìm đến phòng khám Thọ Xuân Đường từ tháng 3/2012 và kiên trì điều trị liên tục trong vòng 1 năm, với kết quả điều trị rất tốt, các cơn động kinh thưa dần rồi ổn định hẳn. Cho đến nay bệnh nhân không còn tái phát nữa, tăng cân và khỏe mạnh hơn rất nhiều, đã lấy chồng và sinh con, mọi sinh hoạt đều bình thường, bệnh nhân vẫn kiểm tra tổng thể tại phòng khám Thọ Xuân Đường định kỳ hàng tháng.
Còn rất nhiều bệnh nhân động kinh khác chữa khỏi đã gửi cho phòng khám Thọ Xuân Đường những cảm tưởng, những lời cảm ơn, nhưng vì bí mật nhân thân nên chúng tôi chỉ đưa ra một số trường hợp tiêu biểu.
8. Kết luận
Với nhiều năm kinh nghiệm chữa bệnh, Nam Y đã chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền và y học hiện đại để có được phương pháp chữa bệnh hiệu quả, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Tiến Sĩ – Lương Y: Phùng Tuấn Giang