ĐỘNG KINH CỤC BỘ THÙY CHẨM LÀ GÌ, NHẬN BIẾT RA SAO ?
Động kinh cục bộ xảy ra khi có sự phóng điện đột ngột bất thường, quá mức và đồng thời của một nhóm các neuron thần kinh tại một vùng khu trú của não bộ với biểu hiện lâm sàng là các cơn co giật hay rối loạn tâm thần, vận động. Trong đó, động kinh cục bộ thùy chẩm là một dạng động kinh hiếm gặp nhưng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh, đặc biệt là gây suy giảm thị lực nghiêm trọng. Vậy động kinh cục bộ thùy chẩm là gì, nhận biết triệu chứng bệnh ra sao, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Thùy chẩm đóng vai trò chức năng gì?
Não bộ là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của cơ thể và được chia thành 5 phần với các vai trò khác nhau: thùy trước trán, thùy trán, thùy đỉnh, thùy thái dương, thùy chẩm. Trong đó, thùy chẩm nằm ở gần phía sau của hộp sọ, là trung tâm xử lý hình ảnh chính của não với các nhiệm vụ:
- Lập bản đồ thế giới hình ảnh, giúp ích cho cả lý luận không gian và trí nhớ hình ảnh. Hầu hết thị giác liên quan đến một số loại trí nhớ, vì việc quét trường thị giác yêu cầu nhớ lại điều đã nhìn thấy chỉ một giây trước.
- Xác định thuộc tính màu của các mục trong trường trực quan.
- Đánh giá khoảng cách, kích thước và độ sâu của mọi vật.
- Nhận biết các kích thích thị giác, các khuôn mặt và đồ vật đặc biệt quen thuộc.
- Truyền thông tin thị giác đến các vùng não khác để các thùy não đó có thể mã hóa ký ức. Đồng thời gán ý nghĩa, tạo ra các phản ứng ngôn ngữ và vận động phù hợp.
- Liên tục phản hồi thông tin từ thế giới xung quanh.
- Nhận dữ liệu hình ảnh thô từ các cảm biến tri giác trong võng mạc của mắt.
- Phát triển năng khiếu thẩm mỹ trong nghệ thuật hình họa.
Bất cứ tổn thương hay bệnh lý nào liên quan tới thùy chẩm đều gây ảnh hưởng tới thị giác của người bệnh.
Động kinh thùy chẩm là gì?
Động kinh cục bộ thùy chẩm là một dạng rối loạn thần kinh phát sinh do hoạt động điện quá mức tại vùng thùy chẩm của não. Bệnh chỉ chiếm khoảng 5 – 10% trong tất cả các trường động kinh, nhưng tỉ lệ mắc cao ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ từ 5 – 7 tuổi. Bởi lẽ thùy chẩm nắm giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát thị lực, do đó động kinh xuất phát vị trí này thường gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, có thể gây mù lòa vĩnh viễn kèm những cơn co giật, co cứng toàn thân hoặc cục bộ trong khoảng 2-3 phút.
Nguyên nhân gây bệnh động kinh cục bộ thùy chẩm
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh động kinh cục bộ thùy chẩm, trong đó phổ biến nhất là:
Tiền sử gia đình: Gia đình có người thân mắc bệnh động kinh cục bộ thùy chẩm hoặc các loại động kinh khác.
Dị tật bẩm sinh: Những người mắc các dị tật não bẩm sinh hoặc có khối u trong não có thể gây động kinh cục bộ thùy chẩm.
Viêm, nhiễm ký sinh trùng.
Tiền sản giật hoặc sản giật: Ở phụ nữ có thai nếu bị tiền sản giật hay sản giật có thể gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy, máu, chất dinh dưỡng cho thai nhi dẫn đến khả năng cao mắc bệnh động kinh.
Mắc bệnh tự miễn: Bệnh Celiac một bệnh tự miễn của đường tiêu hóa có thể khiến cơ thể không hấp thu được Gluten.
Rối loạn quá trình trao đổi chất hoặc rối loạn ty lạp thể.
Nhận biết triệu chứng bệnh động kinh thùy chẩm như thế nào?
Thùy chẩm có trách nhiệm xử lý những thông tin hình ảnh, vì vậy mọi hoạt động điện bất thường xảy ra trong khu vực này sẽ gây ảnh hưởng tới thị giác với nhiều triệu chứng khác nhau như:
Xuất hiện ảo giác: Khi bắt đầu lên cơn động kinh cục bộ thùy chẩm người bệnh thường nhìn thấy ánh đèn nhấp nháy nhanh, chậm khác nhau hoặc những mẫu hình tròn nhiều màu sắc kéo dài vài giây đến vài phút.
Suy giảm thị lực: Thị lực giảm sút nghiêm trọng, nhìn mờ, nhòe, giảm khả năng nhìn xa, mất thị lực một phần hoặc mù lòa hoàn toàn.
Xuất hiện cơn co giật, co cứng toàn thân hoặc cục bộ kéo dài trong khoảng 2 – 3 phút.
Hiện tượng pallinopsia: Sau khi nhìn chằm chằm vào một vật nào đó thì khi nhìn đi chỗ khác sẽ có một hình ảnh mơ hồ vẫn còn trong trường thị giác.
Đau mắt: Đau mắt và có những chuyển động rung giật mắt tự phát, nháy mắt liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần.
Đau đầu: Đau đầu dữ dội xảy ra trong hoặc sau một cơn động kinh.
Buồn nôn: Trẻ em có thể bị buồn nôn, ói mửa.
Động kinh thùy chẩm có thể lan sang vùng phía trước gây ra các triệu chứng của động kinh thùy thái dương, động kinh thùy trán hoặc thùy đỉnh.
Động kinh cục bộ thùy chẩm cũng tương tự như các dạng động kinh khác, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn co giật và cải thiện thị lực hiệu quả.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282