TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN ĐỘNG KINH THÙY THÁI DƯƠNG
Động kinh là tình trạng bệnh lý mạn tính của não với biểu hiện lâm sàng là các cơn co giật hay rối loạn tâm thần, vận động. Động kinh có thể do tổn thương não ở nhiều vị trí khác nhau nhưng nguy hiểm nhất vẫn là động kinh thùy thái dương vì nó gây rối loạn chức năng tâm thần, vận động, cảm giác, giác quan, ý thức… mà thông qua đó có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho bản thân người bệnh và mọi người xung quanh.
1. Động kinh thùy thái dương là gì?
Thùy thái dương là một thùy lớn trong cấu trúc não, đây là vùng não có vai trò quan trọng với các yếu tố cảm giác, cảm xúc và việc lưu trữ ký ức.
Động kinh thùy thái dương xảy ra khi một nhóm tế bào thần kinh nằm trong thùy phóng điện đột ngột, bất thường và quá mức mà gây ra những thay đổi về vận động, ý thức, tư duy, cảm xúc, cảm giác và trí nhớ của người bệnh.
Động kinh thùy thái dương thường do tổn thương các tế bào thần kinh ở thùy thái dương gây ra như: dị tật não bẩm sinh, bị ngạt khi sinh, u não, viêm màng não, chấn thương sọ não, sốt cao co giật nhiều lần… Bệnh khởi phát ở tuổi thanh thiếu niên, thường ở những người có tiền sử sốt cao co giật hoặc trong gia đình có người bị động kinh.
2. Các kiểu cơn động kinh thùy thái dương
Động kinh thùy thái dương bao gồm các kiểu cơn:
- Cơn vắng ý thức
- Cơn tâm thần giác quan
- Cơn tâm thần vận động.
• Cơn vắng ý thức:
Thường gặp ở người lớn, người bệnh có những động tác không theo ý muốn trong khoảng 1 phút: đang làm việc hoặc nói chuyện bỗng nhiên vẻ mặt ngơ ngác, chép miệng, gãi đầu, xoa mặt... Bệnh nhân không nhớ gì trong cơn, khi tỉnh lại thì lại tiếp tục công việc, nói chuyện.
• Cơn động kinh tâm thần giác quan:
Xuất hiện cảm giác vui mừng, sợ sệt vô cớ, tự nhiên lại thấy xa lạ với những gì thân thuộc và có cảm giác như đã trải qua rồi với những thứ xa lạ. Người bệnh hay có ảo giác như ảo thính, khứu và vị giác.
• Cơn tâm thần vận động:
Có các hành động không ý thức như: chép miệng, gãi đầu, nhai tóp tép… hoặc phức tạp hơn như gấp quần áo chăn màn, sắp xếp đồ dùng dụng cụ… Khi cơn xảy ra mọi hành động của bệnh nhân đều vô thức có thể đột ngột chạy vùng về phía trước bất kể phía trước có nguy hiểm gì, tấn công tàn nhẫn đâm, chém, đánh đập người khác nên gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Cơn kéo dài vài phút hoặc hơn, sau cơn bệnh nhân không nhớ mình đã làm gì.
3. Các triệu chứng của động kinh thùy thái dương
Biểu hiện lâm sàng của cơn động kinh thùy thái dương rất đa dạng bao gồm:
• Triệu chứng cơ năng:
- Cảm nhận về giác quan: Cảm giác các cảnh tượng, sự việc đã xảy ra trong quá khứ nhưng không nhớ lúc nào.
- Rối loạn ngôn ngữ: Nói sai trật tự câu, nói nhầm hai mặt của vấn đề.
- Có ảo giác về thính giác như tiếng nhạc chuông điện thoại hoặc có tiếng ai đó, rối loạn nghe như thấy tiếng ồn, tiếng ù…
- Ảo giác vị giác: cảm giác có vị tanh như sắt trong miệng.
- Ảo giác khứu giác.
- Miệng nhai tóp tép, lục đồ, mân mê đồ, nét mặt đờ đẫn, tái nhợt.
- Cơn có thể chuyển sang toàn thể hóa và hoặc cơn cục bộ phức tạp. Khi đó sẽ có những biểu hiện: Tê, ngứa ran người, cảm giác kiến bò. Đau bụng, buồn nôn, mạch nhanh, co thắt cơ, mắt trợn, đầu cúi ngửa không kiểm soát…
• Những triệu chứng thực thể của cơn động kinh thùy thái dương:
- Biểu hiện của hệ thần kinh thực vật: thường bắt đầu đầu tiên và có thể gặp những triệu chứng dưới đây theo thứ tự giảm dần:
- Những vận động tự động: Nhai, gãi đầu, gãi mũi, xát quần áo vào người, rối loạn trương lực cơ, rối loạn ngôn ngữ (nói thiếu từ, nói những từ vô nghĩa), ngôn từ tự động (hét, giả tiếng động vật, nhại từ…), có thể kèm hoạt động phức tạp như đi lại.
- Mất những tiếp xúc đơn giản nhất gặp trong khoảng 50% cơn động kinh thùy thái dương.
4. Chẩn đoán động kinh thùy thái dương
Để chẩn đoán xác định động kinh cần dựa vào lâm sàng và điện não:
• Lâm sàng
Lâm sàng dựa vào triệu chứng của bệnh nhân và người chứng kiến mô tả.
• Điện não
Đặc điểm của điện não trong cơn động kinh thuỳ thái dương:
- Sóng nhanh biên độ thấp xuất hiện trước cơn một vài giây.
- Trong cơn động kinh vùng thái dương có sóng delta, theta biên độ lớn (từ 1-2 phút) không có gai nhọn.
- Khi hết cơn hay giữa các cơn thấy gai nhọn-sóng chậm 4-6chu kì/giây ở vùng thái dương trước hoặc sóng chậm hình cao nguyên xen kẽ nhịp bình thường.
Ngoài ra, để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh có thể dựa vào khai thác bệnh sử hoặc sử dụng thêm CT-Scanner, MRI, hoặc một số xét nghiệm đặc hiệu khác.
Bác sĩ: Lê Thanh Xuân (Thọ Xuân Đường)