BIẾN CHỨNG HÔN MÊ TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Hôn mê ở bệnh nhân đái tháo đường là hậu quả của những biến chứng cấp tính, có liên quan đến mức đường huyết (tăng hoặc hạ đường huyết), nhiễm toan Ceton, nhiễm toan Acid Lactic. Những biến chứng trên nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
A. Hôn mê do nhiễm toan Ceton
Hôn mê do nhiễm toan Ceton còn gọi là hôn mê do tăng đường huyết có nhiễm toan Ceton. Căn nguyên là do thiếu insuline, hay gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1 khi ngừng dùng insuline hoặc khi bị stress, nhiễm khuẩn…
Thiếu insuline hoàn toàn gây ra:
- Tăng đường huyết do tăng tạo Glucose ở gan và giảm sử dụng Glucose ở mô. Do vượt quá khả năng tái hấp thu của ống thận nên xuất hiện đường niệu, tăng lượng nước tiểu do thẩm thấu và dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải.
- Nhiễm Acid chuyển hóa do tăng bài tiết Hormone tăng trưởng và Glucagon và các Lipase tăng phân giải mỡ tạo ra nhiều Acid béo tự do, tăng tạo Ceton ở gan (sản phẩm chuyển hóa dở dang từ mỡ để tạo năng lượng) (tăng Ceton huyết và Ceton niệu). Nhiễm Acid chuyển hóa có thể được bù bằng tăng thông khí. Tình trạng nôn càng làm tăng sự mất nước và rối loạn điện giải.
1. Triệu chứng
Hôn mê do nhiễm toan Ceton thường có các tiền triệu sau: Chán ăn, tiểu nhiều, uống nhiều, nhược cơ, buồn nôn, nếu nôn diễn biến trong 24 – 48h có thể dẫn đến trạng thái hôn mê. Bệnh nhân bị mất nước, nhịp tim nhanh, hơi thở có mùi Ceton (mùi hoa quả), thường có nhịp thở Kussmaul (nhanh, sâu và đều). Thân nhiệt thấp, ngay cả khi bị nhiễm khuẩn.
2. Xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Đường huyết tăng cao >17mmol/l, Ceton huyết, pH máu động mạch thấp (<7,2), dự trữ kiềm (nồng độ Bicarbonat) giảm, Clo huyết giảm, thường có tăng Kali huyết tương đối (thực tế là thiếu Kali). Bạch cầu thường tăng.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đường niệu và Ceton niệu cao. Phương pháp phát hiện nhanh Ceton niệu (phản ứng với Nitroprussiat Natri) chỉ phát hiện được Acid Acetoacetic và Aceton chứ không phát hiện được Acid β hydroxyl butyric.
3. Phòng bệnh
Biện pháp để phòng ngừa biến chứng trên đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1 là kiểm soát đường huyết bằng liệu pháp thiên nhiên (chế độ ăn, dùng thuốc, khí công, dưỡng sinh), luôn kiểm tra đường huyết và định lượng insuline huyết để sử dụng insuline cho hợp lý.
B. Hôn mê do tăng đường huyết có tăng áp lực thẩm thấu
Thể hôn mê do đường huyết tăng cao này có kèm theo mất nước và tăng áp lực thẩm thấu của huyết tương. Thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi hoặc bệnh nhân chưa được chẩn đoán đái tháo đường không uống đủ nước để bù lượng nước bị mất. Hôn mê dễ xuất hiện hơn trong những trường hợp có kèm theo viêm phổi, dùng thuốc (Corticoid, lợi tiểu), say nắng nóng, bỏng hoặc phẫu thuật.
Thiếu insuline (tương đối) gây giảm dung nạp Glucose ở mô và tăng Glucagon kích thích tạo Glucose ở gan. Tăng đường huyết dẫn đến đường niệu, rối loạn nước và điện giải. Trung bình lượng nước bị mất khoảng 10 lít. Mất nước làm giảm thể tích tuần hoàn và có thể gây suy thận, làm giảm đào thải Glucose, các ion khác. Kết quả là đường huyết và áp lực thẩm thấu tăng cao. Các triệu chứng thần kinh và hôn mê chủ yếu là do mất nước tế bào thần kinh trung ương.
1. Triệu chứng
Mệt mỏi, tiểu nhiều, uống nhiều, sau đó hôn mê sâu dần. Tình trạng tri giác của bệnh nhân ngày càng giảm, mất nước nặng, có tổn thương não lan tỏa hoặc khu trú, đôi khi có co giật, không có nhịp thở Kussmaul.
2. Cận lâm sàng
- Đường huyết tăng rất cao > 33 mmol/l.
- Natri huyết: Bình thường hoặc giảm ở các thể nhẹ. Vượt quá 140 mmol/l ở các thể nặng (độ thẩm thấu > 350 mOsm/kg).
- Nitơ huyết thường tăng.
- Ceton huyết và dự trữ kiềm: Bình thường hoặc tăng nhẹ.
3. Biến chứng
Tắc động mạch, tĩnh mạch. Tiêu cơ vân. Nhiễm khuẩn cơ hội. Phù não. Khi hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu thì tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.
C. Hôn mê do nhiễm Acid lactic
Hôn mê do nhiễm Acid lactic gồm có 2 type do căn nguyên gây ra khác nhau:
- Type A: Sản xuất ra quá nhiều Lactic: khi mô bị thiếu Oxy hoặc thiếu máu, nhất là trong trường hợp shock. Trong các trường hợp này, Lactat và Pyruvat tăng đồng thời và tỷ số Lactat/Pyruvat không bị thay đổi.
- Type B: Giảm khả năng đào thải Lactat trong suy gan và có thể trong suy thận. Tỷ số Lactat/Pyruvat tăng. Kiểu nhiễm Acid này gặp ở một số bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng thuốc hạ đường huyết nhóm Biguanide, Leucemi và ung thư tiến triển, ngộ độc Salicylat, quá liều Epinephrine nitroprussiat, Glucagon cũng có thể gây ra rối loạn chuyển hóa kiểu này. Hai type này thường hay bị phối hợp với nhau.
1. Triệu chứng
Hôn mê do nhiễm Acid lactic ở bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng Phenformin hay gặp ở người già, người nghiện rượu hoặc người bị mắc bệnh gan hoặc bệnh thận. Khởi phát bằng các tiền triệu đau có co cứng cơ, đau bụng và ngực, tăng thông khí (hơi thở không có mùi hoa quả) và tiến tới hôn mê, huyết áp động mạch bình thường. Không có xanh tím.
2. Cận lâm sàng
- pH máu động mạch < 7.
- Lactat huyết tăng (>10- 20 mmol/l).
- Khoảng trống anion tăng (>30 mmoI/l) khi không bị nhiễm toan Ceton và Ure huyết không cao.
3. Tiên lượng
Tỷ lệ tử vong là 30 - 50%.
D. Hôn mê do hạ đường huyết
Hôn mê do hạ đường huyết là loại hôn mê hay gặp nhất ở người bị đái tháo đường. Tai biến hạ đường huyết có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường bằng insuline do dùng sai (quá liều), khi nhu cầu insuline giảm đột ngột trong khi không thay đổi liều, khi ăn muộn hoặc bỏ bữa hoặc sau gắng sức thể lực bất thường.
Triệu chứng:
Các dấu hiệu hạ đường huyết đột ngột ở bệnh nhân điều trị bằng insuline thông thường là các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật (nhịp tim nhanh, hồi hộp, đổ nhiều mồ hôi, run, buồn nôn, đói). Thường không có triệu chứng trên ở những bệnh nhân cao tuổi hoặc được điều trị chỉ bằng insuline có tác dụng kéo dài. Hạ đường huyết xảy ra từ từ và có biểu hiện như lú lẫn tâm thần, song thị, buồn ngủ tiến dẫn tới hôn mê, co giật, tăng trương lực cơ lan tỏa, cứng hàm, dấu hiệu Babinski có ở cả hai bên. Hạ đường huyết do các thuốc hạ đường huyết (Sulfonylure) rất nặng nếu có suy thận hoặc ở người cao tuổi.
Bệnh nhân tiểu đường cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, kết hợp với điều trị đúng phương pháp sẽ giảm thiểu được nguy cơ hôn mê do hạ đường huyết, tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan ceton hay acid lactic.
Tiến sĩ – Lương y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282