BỆNH U LYMPHO HODGKIN ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO ?
U lympho Hodgkin hay còn gọi là ung thư hạch Hodgkin, là một bệnh lý ác tính bắt ngưồn từ sự phát triển bất thường của các tế bào lympho thuộc hạch bạch huyết (các tuyến bạch huyết) - là một phần của hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng và loại bỏ các chất thải trong cơ thể. U lympho Hodgkin thường ảnh hưởng đến tuyến bạch huyết, các tế bào bạch cầu, gan và lá lách… khiến cơ thể người bệnh gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vậy làm thế nào để chẩn đoán bệnh u lympho Hodgkin giúp người bệnh được kịp thời điều trị.
Để chẩn đoán bệnh u lympho Hodgkin, cần khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh và thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nhất định để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Thăm khám lâm sàng
Triệu chứng toàn thân: Ngứa, mệt mỏi, sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thìch được nguyên nhân.
Người bệnh có hạch to: Chiếm khoảng 70%, thường gặp tại vùng cổ, nách, bẹn, trung thất, ổ bụng.
Gan hoặc lách to: Một số người bệnh có thể có gan hoặc lách to nhưng ìt khi to nhiều
Khối u trung thất: Hay gặp nhưng hầu hết không có biểu hiện lâm sàng.
Một số trường hợp biểu hiện ban đầu ngoài hạch như: Da, đường tiêu hóa, não…
Ở giai đoạn muộn của bệnh: Thường xuất hiện các biểu hiện chèn ép, xâm lấn của tổ chức
Có thể có thiếu máu, nhiễm khuẩn hoặc xuất huyết.
Chỉ định cận lâm sàng trong chẩn đoán u lympho Hogkin
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra công thức máu, đánh giá chức năng gan và thận. Không có xét nghiệm đặc hiệu cho u lympho Hodgkin, nhưng những bất thường trong công thức máu, như thiếu máu không rõ nguyên nhân hoặc số lượng hồng cầu thấp, đôi khi gặp ở người mắc bệnh u lympho Hodgkin.
Sinh thiết
Mọi cơ quan, vùng mô nghi ngờ thâm nhiễm bởi tổn thương u lympho Hogkin đều có thể là lựa chọn cho vị trí sinh thiết chẩn đoán. Sinh thiết mở là phương pháp được khuyến cáo thực hiện, để thực hiện sinh thiết chuẩn cho bệnh u lympho Hodgkin, phẫu thuật viên phải rạch qua da và bóc toàn bộ hạch bạch huyết hoặc một phần của khối hạch bạch huyết. Trong khi, xét nghiệm tế bào chọc hút kim nhỏ được sử dụng chủ yếu với ý nghĩa trong thăm dò đánh giá giai đoạn bệnh hoặc xác định bằng chứng tái phát.
Sinh thiết hạch ngoại vi: Ưu tiên lựa chọn hạch lớn nhất, có thể tiếp cận được thuận lợi và an toàn nhất. Những hạch nghi ngờ có kích thước nhỏ hoặc hạch bẹn (rất thường gặp do nguyên nhân viêm mạn tính ở vùng sinh dục ngoài hoặc chi dưới) chỉ được lựa chọn khi không còn vị trí nào khả dĩ khác hoặc có đặc điểm gợi ý rõ rằng trên lâm sàng.
Sinh thiết tuỷ xương: Thường sử dụng trong bilan đánh giá giai đoạn bệnh, tuy nhiên, cũng có thể mang lại thông tin có giá trị cho chẩn đoán xác định bệnh, đặc biệt trong những tình huống có biến đổi bất thường trong công thức máu ngoại vi.
Sinh thiết kim hoặc chọc hút kim nhỏ: Là một lựa chọn ít xâm nhập có thể đặt ra với những khối tổn thương sau phúc mạc và mạc treo, bên cạnh sinh thiết qua nội soi hoặc mổ mở.
Sinh thiết cho hình ảnh tổn thương đa dạng tế bào, có gặp tế bào Reed-Sternberg hoặc các biến thể.
X-Quang
X-Quang tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể bằng cách sử dụng một lượng nhỏ tia bức xạ. Ví dụ, chụp X-quang ngực sẽ cho thấy các hạch bạch huyết trong trung thất có phì đại hay không. Nếu trung thất chiếm một phần ba hoặc hơn chiều rộng của khoang ngực thì được coi là “trung thất lớn”. Nó có thể gây ho hoặc khó thở do chèn ép làm hẹp đường thở.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT có thể đo được kích thước của khối u. Đôi khi, người ta bơm thuốc cản quang trước khi chụp giúp khảo sát hình ảnh chi tiết hơn. Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc uống dưới dạng viên nang. Nếu thấy các hạch bạch huyết ở vùng ngực hoặc bụng phì đại trên phim CT scan thì đó có thể là một dấu hiệu của ung thư. Ngoài ra, xét nghiệm này sẽ giúp khảo sát các cơ quan liên quan khác như phổi, gan, hoặc lách.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI có thể đo được kích thước của khối u. Xét nghiệm này có thể được sử dụng để thay thế hoặc phối hợp với chụp CT trong chẩn đoán hoặc trong quá trình chăm sóc theo dõi để kiểm tra di căn.
Chụp xạ hình cắt lớp positron (PET)
Với độ nhạy tốt hơn trong việc phát hiện các tổn thương bị bỏ sót bởi các thăm dò hình ảnh khác và phân biệt hạch ác tính/lành tính với giá trị chẩn đoán xấp xỉ 95%. PET-CT hiện nay được xem như một tiêu chuẩn vàng trong đánh giá giai đoạn và theo dõi bệnh nhân u lympho Hogkin (Hệ thống đánh giá đáp ứng Lugano).
Từ những phương pháp chẩn đoán bệnh u lympho Hogkin trên sẽ giúp ích rất nhiều trong tiên lượng và đánh giá phân loại giai đoạn của bệnh, từ đó việc điều trị và chăm sóc người bệnh sẽ tốt hơn.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282