XƠ CỨNG BÌ VỚI PHỤ NỮ CÓ THAI
Bệnh nhân xơ cứng bì có thể mang thai được không? Phụ nữ mang thai mắc bệnh xơ cứng bì cần phải chú ý điều gì? Đây chính là những câu hỏi mà nhiều phụ nữ mắc bệnh xơ cứng bì trong độ tuổi sinh đẻ thắc mắc.
Xơ cứng bì đặc biệt là thể tiến triển (xơ cứng bì hệ thống) thường có tổn thương toàn thân: Da, khớp, tim, phổi, thận… Nếu bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị không đúng phương pháp sẽ có những biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng.
1. Ảnh hưởng của bệnh xơ cứng bì trên phụ nữ có thai
Bệnh nhân mắc bệnh xơ cứng bì hệ thống thường có những biểu hiện sau:
Xơ cứng bì khu trú có tổn thương da khu trú dạng mảng, dải, hình nhẫn hoặc viêm mạc cơ. Xơ cứng bì khu trú thường không có tổn thương nội tạng hoặc toàn thân kèm theo.
Xơ cứng bì hệ thống:
- Da: Toàn bộ da sậm màu, xơ cứng, chủ yếu ở vùng mặt và bàn tay, các ngón tay.
- Cơ, xương, khớp: Viêm màng khớp, viêm gân, viêm bao hoạt dịch khớp, có thể có xơ hóa xương và cơ.
- Thực quản: Teo niêm mạc thực quản, dày thành và xơ hóa các tiểu động mạch thực quản. Niêm mạc thực quản có thể bị loét, chít hẹp lại, có thể kèm theo hội chứng Barrett. Bệnh nhân thường thấy khó nuốt do giảm vận động 2/3 dưới thực quản.
- Phổi: Bệnh nhân có biểu hiện khó thở do rối loạn vận động hô hấp, rối loạn sự trao đổi khí tại phế nang và phổi bị xơ hóa kẽ lan tỏa (trên xquang thấy hình ảnh phổi giống tổ ong).
- Tim: Bệnh nhân thường có rối loạn nhịp tim, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, do tổn thương xơ hóa cơ tim, viêm ngoại tâm mạc.
- Thận: Hoại tử cầu thận dạng tơ huyết, tổn thương này dẫn đến suy thận và có thể kèm theo tăng huyết áp ác tính.
- Đôi khi có kèm theo một số bệnh tự miễn như: Viêm tuyến giáp mạn Hashimoto, viêm gan tự miễn, hội chứng Seriögren…
Những tổn thương tại nội tạng (tim, phổi, thận…) trên làm bệnh nhân không đủ sức khỏe để mang thai, thậm chí còn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và thai nhi khi bệnh đang tiến triển nặng nề, đặc biệt là trường hợp có tăng huyết áp kịch phát do biến chứng bệnh xơ cứng bì tại thận.
Khi mắc bệnh xơ cứng bì, bệnh nhân cần điều trị tích cực. Y học hiện đại thường điều trị bệnh xơ cứng bì bằng các loại thuốc như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc giãn mạch trực tiếp… Y học cổ truyền sử dụng các vị thuốc hành khí hoạt huyết để điều trị. Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
2. Phụ nữ mắc xơ cứng bì có thể mang thai không?
Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc bệnh xơ cứng bì bị xảy thai, thai chết lưu, sinh non chiếm 1/3 các trường hợp đã công bố, thường gặp ở các bệnh nhân mắc xơ cứng bì hệ thống.
Trước đây, phụ nữ mắc xơ cứng bì được khuyến cáo không nên mang thai. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây và sự hiểu biết về bệnh, tiến bộ trong điều trị cho thấy trên thực tế có nhiều phụ nữ mắc xơ cứng bì vẫn có thể mang thai và sinh đẻ an toàn và các em bé đều khoẻ mạnh. Tuy nhiên, để được điều đó, bệnh nhân cần phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ trong quá trình bị bệnh cũng như trong thai kỳ.
3. Phụ nữ mang thai bị xơ cứng bì cần phải chú ý điều gì?
Phụ nữ mắc bệnh xơ cứng bì không nên có thai ngay. Khi phát hiện ra bệ xơ cứng bì, trước hết, bệnh nhân nên điều trị tích cực để bệnh không tiến triển nặng nề, vì 3 – 5 năm đầu là thời gian bệnh nhân có nguy cơ cao nhất bị các tổn thương các cơ quan nội tạng. Bởi vậy, trong giai đoạn này, phụ nữ mắc xơ cứng bì không nên mang thai.
Sau khi điều trị bệnh ổn định, tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân cải thiện tốt, không có tổn thương nội tạng nặng nề, không phải dùng thuốc điều trị bệnh thì có thể mang thai. Tuy nhiên, có một số trường hợp phụ nữ mắc xơ cứng bì khi mang thai sẽ làm bệnh nặng hơn. Vì vậy, khi mang thai, bệnh nhân xơ cứng bì cần được sự theo dõi một cách chặt chẽ và thường xuyên của thầy thuốc.
Trong thai kỳ, bệnh nhân xơ cứng bì cần đi khám thai thường xuyên, cũng như kiểm tra sức khỏe tổng quát (đo huyết áp, chức năng tim, phổi, gan, thận…). Tránh các yếu tố nguy cơ (stress, nhiễm khuẩn, lao lực quá sức…) làm bệnh tái phát và tiến triển nặng hơn. Khi có biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chế độ ăn uống, sinh hoạt mà bác sĩ tư vấn để có một thai kỳ khỏe mạnh, sinh con an toàn và kiểm soát bệnh xơ cứng bì bền vững.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)