BỆNH HỌC LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG
Loét dạ dày tá tràng là một căn bệnh khá thường gặp, không chỉ ở nam giới uống nhiều rượu bia mà ở cả nữ giới, thậm chí trẻ em cũng có thể mắc bệnh. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh loét dạ dày tá tràng một cách hiệu quả nhất!
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Do di truyền: bệnh thường gặp ở những người cùng huyết thống, tuy chưa tìm được gen xác định
- Yếu tố tâm lý: stress, căng thẳng, mệt mỏi chính là nguyên nhân khiến bệnh xảy ra và điều trị khó triệt để.
- Rối loan vận động: tình trạng đói no thất thường ảnh hưởng đến sự tiết dịch của dạ dày. Ngược lại trong loét dạ dày sự làm vơi dạ dày quá chậm, gây ứ trệ acid ở dạ dày.
- Thuốc lá: là yếu tố nguy cơ gây nên các ổ loét, khiến xuất hiện các ổ loét mới và làm chậm sự lành sẹo.
- Sử dụng các thuốc gây hại cho dạ dày: corticoid, các thuốc giảm đau chống viêm và nhiều thuốc khác. Các thuốc này có thể ăn mòn dạ dày, làm tổn thương nội mạc dạ dày và gây tình trạng viêm loét nặng hơn.
- Do vi khuẩn HP: Vi khuẩn gây tổn thương viêm mạn tính, dần dần gây ra loét. Theo thống kê 90% loét dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP.
2. Triệu chứng lâm sàng bệnh viêm loét dạ dày
• Đau bụng
Có thể đau vùng thượng vị, lan ra sau lưng hoặc đau khắp bụng. Tùy từng bệnh nhân mà vị trí đau khác nhau.
Thời gian đau có thể liên hệ với bữa ăn, đau nhiều sau ăn trưa và tối hơn. Nếu do loét tá tràng thường đau nhiều khi đói, giữa các cơn đau không có triệu chứng gì đặc biệt.
Tính chất đau: đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ, có thể đau kiểu bỏng rát. Đau giảm khi uống thuốc hoặc ăn thức ăn dịu, ăn cũng có thể làm đau tăng.
Đau có thể kéo dài thành từng đợt, khoảng 2-8 tuần.
• Các triệu chứng khác:
Rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, đầy hơi
Ăn uống kém, chán ăn, ăn không ngon
Ợ hơi, ợ chua
Nôn, buồn nôn
Một số bệnh nhân không xuất hiện các triệu chứng gì đặc biệt.
3. Cận lâm sàng
Nội soi: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng. Cho thấy hình ảnh niêm mạc dạ dày, hình ảnh các tổn thương viêm loét của dạ dày.
Lấy dịch xét nghiệm.
Chụp phim dạ dày barite có thể thấy được hình ảnh viêm loét của dạ dày. Cho thấy hình ảnh ổ đọng thuốc thường nằm theo trục của môn vị ở trên 2 mặt, hoặc hình ảnh hành tá tràng bị biến dạng nhiều.
4. Biến chứng của viêm loét dạ dày
- Chảy máu: thường gặp nhất, chiếm 15-20% tổng số bệnh nhân. Biến chứng thường xảy ra trong đợt loét tiến triển hoặc cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
- Thủng dạ dày: loét sâu dạ dày hay tá tràng có thể gây thủng, đây là biến chứng khá thường gặp, chiếm khoảng 6%. Loét mặt trước hoặc bờ cong nhỏ thì thủng vào khoang phúc mạc lớn, loét mặt sau thì thủng vào cơ quan kế cận hoặc hậu cung mạc nối.
- Loét xuyên thấu dính vào cơ quan kế cận thường là tụy, mạc nối nhỏ, đường mật, gan, mạc nối lớn, mạc treo đại tràng thường do loét mặt sau hoặc loét bờ cong lớn. Các vết loét này thường đau dữ dội, ít đáp ứng với điều trị.
- Hẹp môn vị: thường gặp nhất khi ổ loét nằm gần môn vị. Có thể do loét ở dạ dày hoặc tá tràng, hoặc phản ứng co thắt môn vị.
- Ung thư hóa: tỉ lệ loét do ung thư hóa rất thấp, thời gian thường kéo dài. Hay gặp nhất là viêm mạn hang vị nhất là thể teo, thường đưa đến ung thư hóa nhiều hơn, còn loét tá tràng rất hiếm khi ung thư hóa.
5. Điều trị
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi: nghỉ ngơi, thư giãn, tránh stress căng thẳng. Kiêng rượu bia, thuốc lá, các đồ ăn cay nóng
Thuốc điều trị nội khoa:
- Thuốc kháng toan: Một số thuốc như hydroxide nhôm và magiee, trigel, phosphalugel…
- Thuốc kháng tiết: giảm tiết acid dịch vị qua nhiều cơ chế khác nhau như thuốc kháng thụ thể H2, kháng choline, kháng gastrine, kháng bơm proton.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: muối bismuth, Biogastrone, Sucralfate, Prostaglandine E2
- Thuốc diệt vi khuẩn HP
+ Các kháng sinh nhóm beta lactam: Peniciline, Ampiciline, Amoxiciline, Nhóm cephalosporin
+ Nhóm macrolid: Azithromycin, clarithromycin, Erythromycin
+ Nhóm Quinolon và nhóm imidazole: Metronidazole, Tinidazole, Secnidazole
+ Nhóm Bisthmus: như trymo, Denol, Peptobismol
- Thuốc đông y: Tùy vào thể bệnh mà có phương thuốc phù hợp
Điều trị ngoại khoa: Cắt 2/3 dạ dày được chỉ định sau khi điều trị tích cực 6 tuần mà ổ loét không thay đổi, hoặc có loạn sản. Nói chung chỉ định điều trị ngoại khoa rất hạn chế.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe mời quý vị liên hệ nhà thuốc Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282