CÁC LOẠI VIRUS GÂY VIÊM GAN
Viêm gan virus là một căn bệnh khá phổ biến ở nước ta, do tỉ lệ nhiễm bệnh cao, các biện pháp phòng tránh bệnh chưa thực sự hiệu quả. Chính vì vậy virus gây viêm gan vẫn tiếp tục hoành hành và gây hai cho sức khỏe mọi người. Cùng tìm hiểu các loại virus gây viêm gan!
1. Virus viêm gan A
Virus viêm gan A thường gặp ở trẻ và lứa tuổi lao động, đặc biệt ở các khu vực đói nghèo, có thiên tai lụt lội.
• Đặc điểm sinh học
Virus viêm gan A thuộc họ Picornaviridae, thuộc nhóm Piconavirus, là virus nhỏ, hình khối đa diện (hoặc hình cầu) đường kính 27 nm, ARN một sợi đơn gồm 7480 nucleotit. Trọng lượng phân tử 2,5 triệu dalton, capxit đối xứng hình hộp với 20 mặt là tam giác đều nên hình thể giống hình cầu. Virus không có bao ngoài (virus trần).
• Khả năng gây bệnh
- Đường lây bệnh là đường phân - miệng thường là do nước uống và thực phẩm bị ô nhiễm. Tỷ lệ chết khoảng 2%.
- Thời gian ủ bệnh từ 15- 45 ngày, trung bình 30 ngày.
- Triệu chứng: Phần lớn các trường hợp nhiễm HAV không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh tự khỏi. Các triệu chứng sốt, chán ăn, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi không không rõ nguyên nhân kéo dài 3 - 6 ngày, có các rối loạn về men gan, tăng transaminase và tăng bilirubin. Tiếp theo là giai đoạn hoàng đản (vàng da) kéo dài vài ba tuần khỏi hoàn toàn trong vòng 8 - 12 tuần không chuyển thành mạn tính, không có tình trạng người lành mang virus. Thể viêm gan tối cấp rất ít. Trong các trường hợp nặng tế bào gan bị huỷ hoại nhiều, dẫn đến tử vong (1/ 1000- 1/ 10.000 người bệnh).
• Chẩn đoán
Hay dùng nhất là xét nghiệm anti-HAV trong máu
• Phòng bệnh
- Vệ sinh môi trường sống, dùng nước sạch, ăn chín uống sôi và xử lý phân đúng quy trình, không được sử dụng phân tươi để bón cây hay cho cá ăn.
- Tiêm phòng vacxin: an toàn và hiệu quả cao.
2. Virus viêm gan B
Đây là loại virus thường gặp nhất, tỉ lệ mắc bệnh do virus viêm gan B ở Việt Nam rất cao.
• Đặc điểm sinh học
Virus Viêm gan B thuộc họ Hepadnaviridae, nhóm Hepadnavirus. Axit nhân là ADN, trọng lượng phân tử 2.000.000 dalton, kích thước 42 nanomet. Vỏ là Lipoprotein, ở ngoài có các kháng nguyên bề mặt HBs. Bên trong là lớp nucleocapxit , bao quanh ADN có các kháng nguyên HBc và Hbe
• Khả năng lây bệnh
- Đường lây bệnh: lây qua đường máu (tiêm truyền, truyền máu, tiếp xúc máu có virus viêm gan B…); lây qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang thai nhi.
- Triệu chứng: tùy theo thể bệnh mà có thể không có triệu chứng tới triệu chứng rầm rộ:
o 10% viêm gan cấp với tỉ lệ 1% trong đó tử vong, các triệu chứng rầm rộ
o 90% không có triệu chứng, là người lành mang bệnh nhưng vẫn có khả năng lây truyền bệnh
o 10% chuyển sang viêm gan mạn tính
• Xét nghiệm virus viêm gan B
- Xét nghiệm kháng nguyên: HBsAg; HbeAg
- Xét nghiệm kháng thể: anti HBs, anti HBc, anti Hbe
- Định lượng virus: HBV-DNA
Ngoài ra còn nhiều phương pháp khác để chẩn đoán bệnh.
• Phòng bệnh
- Tiêm vacxin: có hiệu quả tốt
- Khử trùng các dụng cụ y tế, tránh dùng chung đồ dùng với người khác như bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
- Kiểm tra chặt chẽ an toàn truyền máu
- Xét nghiệm và kiểm tra định kỳ cho phụ nữ mang thai, tiêm vacxin cho trẻ đầy đủ.
3. Virus viêm gan C
Đây là bệnh ít gặp nhưng thường xuất hiện triệu chứng rầm rộ, tiên lượng nặng.
• Đặc điểm sinh học
Virus viêm gan C thuộc họ Togaviridae, lõi ARN, có kích thước 50-60 nanomet với chuỗi ARN đơn, có vỏ lipoprotein bao bọc . Hiện nay đã xác định được 12 genotyp khác nhau của HCV và xếp vào các typ I, II, III, IV, V, và VI khác nhau về phân bố dịch tễ học và độc lực gây bệnh. Các týp II của HCV có tần suất chuyển sang xơ gan cao hơn.
• Khả năng gây bệnh
- Đường lây truyền: truyền máu, tiêm chích chung, tiêm truyền, nội soi, sinh thiết… Có thể lây qua đường tình dục
• Triệu chứng
Ủ bệnh 30-120 ngày, có 2 thể:
- Viêm gan cấp: có thể không có triệu chứng hoặc xuất hiện một số biểu hiện như men gan tăng, hoàng đản, rối loạn tiêu hóa.
- Viêm gan mạn: 50-70% chuyển sang viêm gan mạn, men gan tăng liên tục trên 6 tháng cùng các biểu hiện lâm sàng. Thường tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
• Chẩn đoán
Xét nghiệm máu anti – HCV và các kĩ thuật khác
• Phòng bệnh
- Khử trùng các dụng cụ y tế, tránh dùng chung đồ dùng với người khác như bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
- Kiểm tra chặt chẽ an toàn truyền máu
- Vacxin: đang được nghiên cứu
4. Virus viêm gan D
Là loại virus ít gặp, chỉ xuất hiện ở bệnh nhân nhiễm viêm gan B
• Đặc điểm sinh học
Virus viêm gan D hình cầu, đường kính 35- 37 nanomet chứa kháng nguyên Delta và ARN rất nhỏ, có bao ngoài cấu tạo bằng kháng nguyên bề mặt HBsAg của HBV. Kháng nguyên Delta là kháng nguyên hoà tan có thể tách khỏi ARN. Tác nhân Delta phải dựa vào sự có mặt của HBV mới phát triển được.
• Khả năng gây bệnh
- Đường lây truyền: truyền máu và các lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con, có thể qua đường tình dục.
- Triệu chứng: Thường xảy ra đồng thời với viêm gan B, làm nặng thêm tình trạng viêm gan. Tỉ lệ chuyển sang viêm gan mạn khoảng 5%. Những bệnh nhân viêm gan B mạn tính bội nhiễm virus viêm gan D thường dễ chuyển sang xơ gan, ung thư gan
• Chẩn đoán
Xét nghiệm anti HDV
• Phòng bệnh
Tương tự phòng bệnh viêm gan B
5. Virus viêm gan E
Cũng là loại virus ít gặp
• Đặc điểm sinh học
Thuộc họ Calvirus, không có vỏ bọc, kích thước 32-34 nanomet, acid nhân ARN có 76000 nucleotit.
• Khả năng gây bệnh
- Đường lây: qua đường tiêu hóa
- Triệu chứng: Thường xuất hiện đột ngột với tình trạng ứ mật, các biểu hiện của viêm gan cấp. Tỉ lệ mắc bệnh ở phụ nữ mang thai tăng cao hơn người bình thường. Tỉ lệ tử vong 1-2%
- Phòng bệnh: tương tự phòng virus viêm gan A
Như vậy có tới 5 loại virus viêm gan và loại nào cũng có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe. Vì vậy cần nắm rõ đường lây truyền của từng loại và có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943986986 hoặc 0943406995