TỔNG QUAN VỀ BỆNH XƠ GAN
Xơ gan là một bệnh mạn tính gây thương tổn nặng lan tỏa ở các thùy gan. Đặc điểm tổn thương là mô xơ phát triển mạnh, đồng thời cấu trúc các tiểu thùy và mạch máu của gan bị đảo lộn một các không hồi phục được.
I. Nguyên nhân bệnh xơ gan
- Do rượu: là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới xơ gan. Thường do uống số lượng rượu nhiều trong 1 thời gian dài ( khoảng 300ml/ngày trong 10 năm).
- Do nhiễm khuẩn, nhiễm virus, kí sinh trùng: viêm gan virus A, B, C, D, E, sán gan (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán máng), amip gan…
- Xơ gan do thiểu dưỡng: ăn quá thiếu chất đạm, thiếu vitamin, thiếu các chất hướng mỡ như cholin, lexithin, methionin gây tình trạng gan nhiễm mỡ, sau đó dấn đến xơ gan.
- Xơ gan do thuốc và hóa chất: hầu hết mọi thuốc uống đều chuyển hóa tại gan nên gan rất dễ bị tổn thương. Các thuốc gây hại gan gồm có: các kháng sinh Rifamycin, INH, các clopromazin, …các hóa chất như dioxin, aflatoxin…
- Xơ gan thứ phát do tắc mật không hoàn toàn kéo dài, thường kèm theo viêm nhiễm khuẩn đường mật: viêm đường mật tái phát, hẹp đường mật, ứ mật…
- Xơ gan do tắc mạch: viêm tắc tĩnh mạch trên gan (hội chứng budd chiari), suy tim phải…
- Xơ gan tự miễn
- Xơ gan lách to kiểu Banti: do Banti mô tả năm 1894 bắt nguồn từ lách to không rõ nguyên nhân và nếu cắt lách khi gan chưa xơ hoặc xơ nhẹ thì sẽ cắt đứt được sự tiến triển của xơ gan.
- Xơ gan do rối loạn chuyển hóa kim loại: sắt, đồng (bệnh Wilson)… và 1 số nguyên nhân ít gặp khác.
II. Cơ chế bệnh sinh xơ gan
Các yếu tố gây hại như rượu bia, thuốc, hóa chất, virus… tác động lâu dài tới gan, dần dần nhu mô gan bị hoại tử, gan phản ứng lại bằng cách tăng cường tái sinh tế bào và tăng sinh các sợi xơ. Tổ chức xơ tạo nên những vách xơ nối khoảng cửa với các vùng trung tâm của tiểu thùy gan, chia cắt các tiểu thùy. Các cục, hòn tân tạo do các tế bào gan tái sinh gây ra sự chèn ép, ngăn cản làm rối loạn sự lưu thông của tĩnh mạch cửa dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Các xoang tồn tại ở chu vi các cục tái tạo thành mao quản, dẫn tắt tĩnh mạch vào thẳng tĩnh mạch gan, tạo ra những đường rò bên trong, làm cho tế bào gan còn hoạt động bị thiếu máu tĩnh mạch cửa. Khi cấu trúc của hệ thống mạch máu ở gan bị đảo lộn như vậy thì chức năng và nuôi dưỡng tế bào gan ngày càng giảm, tình trạng hoại tử và xơ hóa ngày càng tăng. Quá trình này cứ tiếp diễn cho đến khi bệnh nhân tử vong vì các biến chứng tăng áp tĩnh mạch cửa và suy gan.
III. Triệu chứng bệnh xơ gan
1. Giai đoạn còn bù:
• Triệu chứng lâm sàng
- Cơ năng: có một số triệu chứng như ăn kém ngon miệng, đầy bụng chậm tiêu, cảm thấy nặng tức vùng thượng vị hoặc vùng hạ sườn phải, suy giảm tình dục, nữ có thể rối loạn kinh nguyệt.
- Thực thể:
+ Khám thấy gan to quá bờ sườn, mật độ chắc, bờ sắc, ấn không đau.
+ Lách to quá bờ sườn.
+ Sao mạch ở vùng ngực, bụng, lưng, mẩn đỏ ở lòng bàn tay (lòng bàn tay son).
+ Móng tay khô trắng.
+ Ở nam giới: teo tinh hoàn, vú to.
• Triệu chứng cận lâm sàng
- Rối loạn hóa sinh:
+Men gan ALT, AST tăng cao, xơ gan rượu thì GGT cũng tăng.
+ Điện di protein: Albumin giảm, gama globulin tăng, tỉ lệ A/G<1
- Xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể virus: nếu bị viêm gan A, B, C, D, E
- Siêu âm: thấy hình ảnh thay đổi kích thước gan, gan thường to, bờ không đều, cấu trúc nhô mô không đồng nhất, âm vang nhu mô gan thô.
- Soi ổ bụng và sinh thiết: cho thấy hình ảnh gan xơ.
2. Giai đoạn mất bù
• Triệu chứng lâm sàng:
- Hội chứng suy giảm chức năng gan:
+ Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, bụng chướng, chậm tiêu, sợ mỡ
+ Vàng da, vàng mắt, có thể ngứa, nước tiểu đậm màu
+ Lông tóc dễ rụng, móng tay khum, ngón tay dùi trống
+ Gầy sút cân, thiếu máu
+ Sao mạch ngực, bụng, lòng bàn tay son, môi đỏ
+ Vú lớn, teo tinh hoàn, rối loạn kinh nguyệt
+ Xuất huyết: chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Hội chứng tăng áp tĩnh mạch cửa:
+ Lách to quá bờ sườn, có khi to đến rốn. Lúc đầu mềm sau trở nên cứng chắc.
+ Tuần hoàn bàng hệ kiểu cửa chủ ở vùng thượng vị và 2 bên mạn sườn, vùng hạ vị và 2 bên hố chậu, quanh rốn.
+ Cổ trướng: bụng chướng căng, cổ trướng thể tự do do tăng áp tĩnh mạch cửa và giảm áp lực keo máu, giảm sức bền thành mạch…
+ Trĩ kèm theo, thường do tăng áp tĩnh mạch mạc treo tràng dưới, biểu hiện đi ngoài ra máu tươi.
• Triệu chứng cận lâm sàng
- Rối loạn hóa sinh:
+ Bilirubin máy tăng cao trong các đợt tiến triển.
+Men gan ALT, AST tăng cao, xơ gan rượu thì GGT cũng tăng.
+ Điện di protein: Albumin giảm, gama globulin tăng, tỉ lệ A/G<1. Tỉ lệ prothombin giảm.
+ Rối loạn điện giải: Các ion như Na+, K+ bị rối loạn.
- Xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể virus: nếu bị viêm gan A, B, C, D, E .
- Siêu âm: Hình ảnh gan kích thước nhỏ, mật độ không đều, bờ không đều, nhiều nốt đậm âm, có hình ảnh giãn tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch lách, tái lập tĩnh mạch rốn, thuyên tắc tĩnh mạch cửa.
- Nội soi ổ bụng: giãn tĩnh mạch phúc mạc, tĩnh mạch rốn
- Nội soi dạ dày: giãn tĩnh mạch phình vị.
- Sinh thiết: tiêu chuẩn vàng chuẩn đoán xơ gan.
IV. Chẩn đoán
- Chẩn đoán xác định: dựa vào lâm sàng (hội chứng suy chức năng gan, tăng áp tĩnh mạch cửa…) và các cận lâm sàng: xét nghiệm máu, siêu âm, sinh thiết.
- Chẩn đoán phân biệt: Ung thư gan, U ác tính ổ bụng, Lao màng bụng…
V. Điều trị
1. Giải quyết nguyên nhân
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh như do rượu bia, do virus, vi khuẩn… mà có biện pháp xử lí riêng. Tuy nhiên cách này chỉ hiệu quả khi xơ gan ở giai đoạn sớm, xơ gan còn bù.
2. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi
- Nghỉ ngơi thích hợp, không làm việc lao động nặng.
- Ăn nhạt, đủ calo, bổ sung vitamin. Khi có dấu hiệu tiền hôn mê gan thì hạn chế đạm trong khẩu phần ăn.
- Bỏ rượu, bia, thuốc lá, các chất có gas, kích thích…
3. Điều trị triệu chứng
- Cổ trướng:
+ Dùng các thuốc lợi tiểu như kháng Aldosteron, lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu đông y.
+ Chọc tháo dịch ổ dụng: khi phù to, chướng căng khiến bệnh nhân khó chịu, khó thở…
- Điều trị tăng áp tĩnh mạch cửa:
+ Thuốc chẹn giao cảm: propanolon, nadolol có tác dụng giảm áp lực cửa, giảm cung lượng tim.
+ Nối thông cửa chủ: làm giảm nhanh triệu chứng nhưng có nguy cơ gây bệnh não gan và hay tái phát.
- Điều trị suy gan: không có thuốc đặc hiệu, chỉ hỗ trợ
+ Thuốc chuyển hóa mỡ: Cholin, Methionin, inositol…
+ Các vitamin B, C, A, D, acid folic
+ Truyền dịch: Với bệnh nhân prothrombin giảm, lâm sàng có xuất huyết thì truyền máu cùng nhóm hoặc truyền khối tiểu cầu. Với bệnh nhân giảm protein thì truyền thêm đạm gan.
- Điều trị khi có giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: tùy mức độ lựa chọn các phương pháp:
+ Dùng thuốc co mạch: Vasopressine, somatostatin
+ Tiêm xơ cầm máu, thắt tĩnh mạch qua nội soi
+ Phẫu thuật đặt típ
- Điều trị biến chứng khác: tùy theo biến chứng như nhiễm trùng dịch cổ trướng, hội chứng gan thận, hội chứng não gan… mà xử lí.
VI. Phòng bệnh
- Tiêm phòng vacxin viêm gan B, A
- Kiêng rượu, bia, tránh lạm dụng thuốc, hóa chất
- Phòng và điều trị suy dinh dưỡng.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)