MẤT NGỦ Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Mất ngủ là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, sự rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đối với người cao tuổi, tình trạng rối loạn giấc ngủ chủ yếu là ngủ ít, mất ngủ. Bệnh nhân thường xuyên khó vào giấc, ngủ không sâu giấc, hay tỉnh giấc giữa chừng, hay mơ ngủ, thường có cảm giác mệt mỏi hoặc ngủ gà vào ngày hôm sau.
1. Giấc ngủ bình thường
Giấc ngủ bình thường bao gồm 3 phần chính:
- Giấc ngủ yên tĩnh: Giấc ngủ yên tĩnh còn được gọi là giấc ngủ sâu, được chia thành 4 giai đoạn, càng về sau giấc ngủ càng sâu.
- Giấc ngủ nhanh còn được gọi là giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement). Giấc ngủ xảy ra ngay sau khi nhắm mắt, có cảm giác ngủ rồi nhưng não còn tỉnh táo, đồng tử hoạt động nhanh. Đa số các giấc mơ đều xảy ra ở giấc ngủ nhanh (REM)
- Thời kì hoạt động ngắn khoảng 1 – 2 phút.
Trong thời gian ngủ mỗi đêm có khoảng 4 – 5 giấc ngủ yên tĩnh xen kẽ với 4 – 5 giấc ngủ nhanh (REM), cứ khoảng 2 giờ thì có 1 – 2 phút xảy ra hiện tượng hoạt động ngắn, thường xảy ra nhiều hơn vào cuối giấc ngủ.
2. Tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi
Mỗi người, tùy vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe khác nhau mà nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Một người bình thường khỏe mạnh, trong ngày không có cảm giác mệt mỏi gì cần ngủ 3 – 4 giờ/đêm, tuy nhiên đa số cần ngủ nhiều hơn từ 6 – 8 giờ/đêm. Tuổi càng cao, thời gian ngủ càng ngắn hơn. Do đó mà tình trạng mất ngủ tăng dần theo độ tuổi. Theo thống kê trên các nghiên cứu, hiện nay có khoảng 10 – 20% người trưởng thành bị mất ngủ do nhiều nguyên nhân; còn người cao tuổi, tỉ lệ mất ngủ tăng lên đến trên 50%. Đa phần những người bị mất ngủ thường mắc một hoặc nhiều bệnh lý khác hoặc có những vấn đề về thần kinh, tâm thần.
Khái niệm về mất ngủ đến nay vẫn chưa được thống nhất.
Một số định nghĩa về mất ngủ:
- Mất ngủ là triệu chứng bao gồm các biểu hiện chủ yếu như: Khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, hay tỉnh giấc giữa chừng, khó ngủ lại sau khi bị tỉnh.
- Mất ngủ là triệu chứng bao gồm các biểu hiện chủ yếu như: Khó vào giấc, khó duy trì giấc ngủ, hay tỉnh giấc giữa chừng, khó ngủ lại sau khi bị tỉnh, là hậu quả của các hoạt động ban ngày.
- Mất ngủ là biểu hiện rối loạn về thời lượng, chất lượng giấc ngủ; tình trạng này kéo dài ít nhất từ 6 tháng trở lên.
- Mất ngủ phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng và những biểu hiện khác nhau của mỗi cá thể. Có 2 loại mất ngủ đó là: Mất ngủ nguyên phát và mất ngủ thứ phát.
Mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng mất ngủ cần được chữa trị càng sớm càng tốt. Để điều trị hiệu quả, cần phải xác định được nguyên nhân gây mất ngủ (nguyên phát hay thứ phát).
Khi thăm khám cho bệnh nhân mất ngủ, thầy thuốc cần phải nắm được các thông tin về tình trạng giấc ngủ cũng như các vấn đề tâm lý khác của người bệnh (tốt nhất là từ những người ngủ cùng hoặc chăm sóc thường xuyên cho bệnh nhân) như: Thời gian đi ngủ, thói quen trước khi ngủ, tiền sử bệnh tật, các loại thuốc đang sử dụng, thói quen ăn uống… và chỉ định thêm các số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác như: Điện não đồ, điện tâm đồ, đo nhịp thở lúc ngủ.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)