BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA SỎI TIẾT NIỆU
Sỏi tiết niệu là một bệnh lý thường gặp, nhất là ở nam giới. Sỏi không chỉ gây các cơn đau quặn thận, gây rối loạn tiểu tiện mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, triệt để. Cùng tìm hiểu các biến chứng nguy hiểm của sỏi tiết niệu.
1. Cơ chế gây tổn thương hệ tiết niệu
Sỏi hệ tiết niệu có thể thể nằm ở thận, niệu quản, niệu đạo hoặc bàng quang. Khi sỏi di chuyển có thể gây tổn thương hệ tiết niệu theo các cơ chế sau:
• Cơ chế tắc nghẽn
Sỏi gây ứ tắc (bể thận, niệu quản, niệu đạo). Tuỳ theo kích thước và hình thể sỏi có thể gây nên ứ tắc hoàn toàn hay không hoàn toàn, làm cho nhu mô thận giãn mỏng dần, dung tích đài bể thận tăng lên, nhu mô thận bị teo đét, xơ hoá và thận dần bị mất chức năng.
Nếu sỏi ở đài thận, gây nghẽn cục bộ tại thận, sẽ dẫn đến ứ niệu, giãn từng nhóm đài gây mất chức năng từng phần của thận.
Niệu quản trên sỏi cũng bị giãn mất nhu động và xơ hoá niệu quản. Trong trường hợp sỏi ở hai bên hệ tiết niệu, bệnh nhân có thể bị suy thận cấp do sỏi.
Thường khi sỏi gây tắc nghẽn sẽ gây lên cơn đau quặn thận, gây các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu khó.
• Cơ chế cọ sát
Sỏi thận, sỏi niệu quản nhất là sỏi cứng, gai góc có thể gây cọ sát, làm rách xước niêm mạc đài bể thận, niệu quản gây chảy máu trong hệ tiết niệu. Thương tổn tổ chức một mặt tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu phát triển, mặt khác làm cho quá trình phát triển xơ hoá ở nhu mô thận và ở thành ống dẫn niệu.
Kết quả cuối cùng làm hẹp dần đường dẫn niệu, làm nặng thêm tình trạng bế tắc.
• Cơ chế nhiễm khuẩn
Sự tắc nghẽn đường niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn niệu, nhiễm khuẩn niệu gây phù nề, chợt loét niêm mạc đài bể thận, dần dẫn đến xơ hoá tổ chức khe thận, chèn ép mạch máu và ống thận.
Sản phẩm của quá trình viêm như xác vi khuẩn, xác bạch cầu, tế bào biểu mô đài bể thận kết tinh lại tạo thành nhân sỏi.
2. Biến chứng của sỏi tiết niệu
Tùy theo vị trí, kích thước, hình dáng của sỏi mà gây nhiều biến chứng khác nhau:
- Giãn đài bể thận và thận ứ niệu: Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.
- Sỏi gây nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết.
- Sỏi gây tình trạng viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận, huyết áp cao.
- Sỏi gây suy thận: thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của sỏi.
- Sỏi gây ra viêm loét và xơ hoá tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ dong y gia truyền Thọ Xuân Đường, khu tập thể thủy sản, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời gian làm việc: 8h - 17h30 từ thứ Ba đến Chủ Nhật, nghỉ thứ Hai.
Hotline: 0943986986 hoặc 0943406995