CÁC DẤU HIỆU GỢI Ý BỆNH THẬN TIẾT NIỆU
Bệnh thận tiết niệu cũng khá đa dạng với nhiều triệu chứng khác nhau, tùy theo từng nguyên nhân, tính chất và diễn biến lâm sàng có thể giúp thầy thuốc chản đoán bệnh. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu gợi ý bệnh thận tiết niệu.
1. Đau
Đau là một trong các triệu chứng thường gặp nhất, có thể đau ở nhiều vị trí khác nhau vì hệ tiết niệu cũng bao gồm nhiều cơ quan từ thận, niệu quản, bàng quan, niệu đạo.
- Cơn đau quặn thận
Đây chính là cơn đau điển hình mà ai từng bị cũng sợ tái mặt, đau thường có đặc điểm:
Khởi phát đột ngột sau vận động mạnh, hoặc sau chấn thương vùng thắt lưng, hoặc cả khi nghỉ ngơi
Vị trí đau: Thường đau vùng thắt lưng lan ra phía trước xuống bàng quang và cơ quan sinh dục ngoài. Có thể đau 1 hoặc 2 bên
Tính chất: Đau dữ dội thành từng cơn, có thể kéo dài khoảng 20-30 phút, có thể kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày. Không có tư thế giảm đau
Nguyên nhân: Thường do sỏi thận, sỏi tiết niệu, lao thận(các tổ chức hoại tử rơi xuống gây tắc niệu quản), lao niệu quản, các nguyên nhân khác như u vùng bể thận, u ổ bụng chèn ép…
- Đau âm ỉ vùng thắt lưng
Triệu chứng này cũng khá thường gặp, đau không thành cơn mà cứ nặng tức, âm ỉ vùng thắt lưng
Thường gặp trong một số bệnh thận 2 bên như viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, viêm tấy tổ chức quanh thận….
Nếu viêm mủ quanh thận có thể đau kèm theo nóng, đỏ phù nề vùng hố thắt lưng
- Đau ở các điểm niệu quản
Thường do sỏi niệu quản, viêm niệu quản, lao niệu quản và thường liên quan với các quá trình bệnh lý ở thận và bàng quang
Bệnh nhân sẽ tháy đau ở các điểm niệu quản trên, giữa, dưới.
- Đau ở vùng bàng quang
Triệu chứng này cũng khá thường gặp, có thể do sỏi bàng quang, viêm bàng quang, lao bàng quang, bệnh lý của tiền liệt tuyến
Đau vùng bàng quang thường kèm các triệu chứng rối loạn bài niệu như tiểu buốt, tiểu rắt
- Đau do trào ngược nước tiểu bàng quang niệu quản
Thường gặp ở trẻ em do suy yếu cơ thắt chỗ niệu quản đổ vào bàng quang, thường là bẩm sinh.
Bệnh nhân thường đau vùng hố thắt lưng 1 hoặc 2 bên khi rặn tiểu, đau mất đi khi tiểu xong.
2. Rối loạn bài niệu
Các triệu chứng này khá thường gặp và gợi ý bệnh đường tiết niệu rõ ràng
- Tiểu dắt
Là tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ đi tiểu được rất ít
Nguyên nhân do bệnh lý bàng quang, tiền liệt tuyến, niệu đạo, niệu quản hoặc ở thận gây kích thích mót đái. Đôi khi là hậu quả của các bệnh lý cơ quan lân cận của cơ quan sinh dục nữ
- Tiểu buốt
Là tình trạng khi tiểu tới cuối bãi thì thấy buốt ở vùng hạ vi lan ra cơ quan sinh dục ngoài. Thường kèm theo tiểu rắt
Nguyên nhân có thể do viêm bàng quang, lao bàng quang, viêm niệu đạo do vi khuẩn, lậu, sỏi bàng quang.
- Tiểu khó
Là tình trạng phải rặn mới tiểu được, nước tiểu chảy chậm không thành tia, có khi tiểu ngắt quãng.
Nguyên nhân thường do có cản trở ở vùng cổ bàng quang như u vùng cổ bàng quang, u tuyến tiền liệt, hoặc cản trở ở niệu đạo như chít hẹp niệu đao do viêm, chấn thương
- Bí tiểu
Là tình trạng không đi tiểu được mặc dù trong bàng quang vẫn nhiều nước tiểu, thấy có cầu bàng quang. Khi thống tiểu thì có nhiều nước tiểu và cầu bàng quang xẹp xuống
- Tiểu không tự chủ
Đây là hiện tượng nước tiểu chủ động chảy ra, ngoài ý muốn của bệnh nhân
Có thể do nguyên nhân tại bàng quang, tủy sống, hoặc do bí đái kéo dài khiến bàng quang không còn khả năng co giãn….
- Tiểu đêm
Bệnh nhân tiểu nhiều lần trong đêm, kéo dài nhiều tháng. Thường là biểu hiện của giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận gặp trong viêm thận bể thận mạn, suy thận mạn, viêm thận kẽ mạn, tuổi cao…
3. Một số triệu chứng khác
- Phù:
Phù thận thường xuất hiện ở mi mắt trước, cảm giác nặng mắt rồi mới phù toàn thân. Tính chất là phù mềm, trắng, ấn lõm và tăng lên khi ăn mặn, giảm khi ăn nhạt
Thường gặp ở các bệnh cầu thận, hội chứng thận hư
- Thay đổi số lượng nước tiểu:
Vô niệu: nước tiểu <100ml/24h. Thường do suy thận cấp, đợt tiến triển suy thận mạn, giai đoạn cuối suy thận mạn
Thiểu niệu: Lượng nước tiểu 100ml<V< 500ml/24h thường do sinh lý hoặc bệnh lý ngoài thận, bệnh lý của thận
Đa niệu: tiểu quá nhiều lượng nước tiểu >2000ml/24h. Có thể do uống quá nhiều nước, giai đoạn hồi phục của 1 số bệnh nhiễm trùng, hoặc do bệnh nội tiết, bệnh thận…
Bệnh thận tiết niệu có khá nhiều triệu chứng khác nhau tùy theo từng người, khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường cần đến khám ngay để chẩn đoán bệnh sớm nhất.