THỰC PHẨM LÀM THUỐC CHO NGƯỜI HEN SUYỄN
Có một số thực phẩm có thể làm khởi phát cơn hen, nhất là những thực phẩm gây dị ứng. Ngược lại, cũng có một số thực phẩm có ích, có thể dùng làm thuốc cho bệnh nhân hen suyễn.
1. Một số thực phẩm có tác dụng tốt cho người bị hen
• Củ gừng
Từ xa xưa, đông y đã biết dùng gừng để chống nôn (chỉ ẩu). Gừng có hoạt chất chính yếu có giá trị chữa bệnh là gingerol, chất này tạo ra vị đặc trưng của gừng, có tác dụng chống nôn. Ngoài ra, trong gừng còn có chứa guineapigileum có hoạt tính kháng hydroxytryptamine giúp chống nôn hiệu quả.
Không chỉ có tác dụng chống nôn, mà gừng còn có nhiều tác dụng khác. Ngày nay, một số nghiên cứu chứng minh gừng có đặc tính kháng viêm giúp, ức chế đáp ứng miễn dịch thái quá trong bệnh hen suyễn. Hơn nữa, gừng cũng có hoạt tính làm long đờm.
Một nghiên cứu y dược được tiến hành trên 92 bệnh nhân bị hen suyễn tại Iran. Bệnh nhân hen được sử dụng 150 mg bột gừng 3 lần/ngày trong 2 tháng. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã có cải thiện đáng kể triệu chứng khò khè (giảm 19,5%) và nặng ngực (giảm 52%).
• Mật ong
Mật ong giúp làm loãng đờm, dịch nhớt trong phế quản và giúp đờm dễ dàng tống ra ngoài. Dịch nhớt này nếu ứ đọng trong phế quản sẽ ngăn cản sự hô hấp, dễ làm bệnh nhân lên cơn hen suyễn.
Cách dùng mật ong để trị hen:
- Pha loãng với nước ấm: Mật ong 1 uống cà phê, nước ấm 150ml. Pha loãng, uống mỗi sáng.
- Mật ong quế: Mật ong 1 uống cà phê, bột quế nửa muỗng cà phê, nước nóng 150ml. Uống mỗi sáng.
- Mật ong gừng: Mật ong 1 uống cà phê, gừng tươi 3 lát đập dập nước ấm 150ml. Pha loãng, uống mỗi sáng.
2. Các bài thuốc từ thực phẩm khác
- Dịch chiết xuất từ tỏi: Hòa 10 – 15 giọt dịch chiết tỏi trong nước ấm và uống sẽ giúp làm giảm các triệu chứng hen suyễn.
- Húng quế: Ăn sống mỗi ngày 20 – 30 ngọn húng quế mỗi ngày, chia 3 lần, trước các bữa ăn chính.
- ¼ ly nước cốt củ hành tây, 1 muỗng cà phê mật ong, 1/8 muỗng cà phê hạt tiêu đen. Trộn hỗn hợp này, sử dụng ngày 1 lần.
- ¼ muỗng cà phê cam thảo, ¼ muỗng gừng pha với 1 ly nước ấm. Công thức này chống chỉ định với người tăng huyết áp.
- Sinh tố rau: Cà rốt 200g, cải bó xôi 100g. Ép nước, uống ngày 2 lần, có thể pha loãng ra tùy khẩu vị.
- Gừng, nghệ, tiêu đen lượng bằng nhau, xay nhuyễn rồi trộn với mật ong cho sền sệt. Mỗi ngày dùng 1 muỗng cà phê hỗn hợp này.
3. Một số bài thuốc từ thực phẩm của các quốc gia
• Tại Anh
- Vài lát củ hành thái mỏng hoặc xay nhuyễn trộn với mật ong. Dùng 3 – 4 lần mỗi ngày giúp cải thiện tình trạng hen suyễn.
- Người Anh cũng dùng vỏ và lá cây bạch quả để làm giảm tình trạng hắt hơi do viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
• Tại Úc
Tinh dầu khuynh diệp (bạch đàn xanh) được dùng để làm giảm các tình trạng khó chịu của hệ hô hấp. Ngoài tinh dầu ra, lá khuynh diệp còn chứa rutin giúp làm giảm tình trạng viêm phế quản. Bệnh nhân hen suyễn có thể xông hít tinh dầu khuynh diệp với nước nóng hoặc pha 1 – 2 giọt vào trà nóng để uống mỗi ngày.
• Tại Ai Cập
Người bị hen suyễn được các thầy thuốc khuyên nên ăn quả sung, vả, nho. Những loại quả này có tác dụng làm giảm tình trạng hen suyễn.
• Tại Trung Quốc
- Bệnh nhân hen suyễn ở Trung Quốc sử dụng lá trà xanh trong việc làm giảm triệu chứng hen suyễn.
- Sao rễ cây ma hoàng với mật ong, sau đó trộn với phần thịt quả mơ được một chế phẩm có thể dùng để cắt cơn hen suyễn. Trong của rễ cây ma hoàng có ephedrin, pseudoephedrin; vì vậy, nên không được dùng bài thuốc này cho người bị bệnh tim, tăng huyết áp, người thi đấu thể thao (doping dương tính).
• Tại Hy Lạp, La Mã
- Người Hy Lạp, La Mã cổ xưa đã biết sử dụng tỏi, hạt tiêu đen, quế và giấm trắng trong điều trị hen suyễn.
- Một số thực phẩm khác cũng được dùng để điều trị hen suyễn như: Cá diếc, ngò tây, cỏ cà ri, củ cải, bạc hà, nho khô, yến mạch... Những thực phẩm này có vai trò kiểm soát sự viêm phế quản, làm loãng chất nhầy, giãn phế quản và cải thiện chức năng hô hấp.
- Người Hy Lạp dùng trà được chế biến từ hạt thì là (tiểu hồi hương) để trị hen.
• Một số nước thuộc Châu Âu khác
Mỗi ngày uống 2 ly cà phê, mỗi ly khoảng 200ml có tác dụng tốt trên hen suyễn. Trong cà phê có chứa hoạt chất xanthine có tác dụng làm giãn phế quản.
Thọ Xuân Đường