BÍ QUYẾT CHỐNG RỐI LOẠN CHUYỂN HÓA LIPID BẰNG NAM Y
Nam Y là nền y học đặc sắc của Việt Nam với thế mạnh chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên. Bằng cách tiếp cận bệnh tật và điều trị đều dựa trên quy luật sinh học và y học môi trường, Nam y đã điều trị thành công những bệnh liên quan đến chuyển hóa, miễn dịch; trong đó có rối loạn chuyển hóa lipid.
1. Rối loạn chuyển hóa lipid là gì?
Theo y học hiện đại, rối loạn lipid máu là tình trạng mất cân bằng giữa các thành phần lipoprotein trong máu (tăng hoặc giảm một hay nhiều thành phần của lipoprotein).
Trên thực tế lâm sàng, rất hiếm khi xảy rạ tình trạng giảm lipoprotein (thường do bẩm sinh), còn rối loạn lipid máu có tăng một hoặc nhiều thành phần lipoprotein là tình trạng hay gặp.
Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mãn tính như: vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… Từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tại biến mạch máu não, thiểu năng động mạch vành, nhồi máu cơ tim… có thể dẫn đến đột quỵ
Theo y học cổ truyền, rối loạn lipid máu thuộc phạm vi chứng “đàm trọc”, “phì bạng”. Liên quan đến các tạng phế, tỳ, can, thận.
2. Lý do dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid
Khi quá trình chuyển hóa lipid theo hai chu trình ngoại sinh và nội sinh bị rối loạn sẽ xảy ra tình trạng rối loạn lipid máu. Sự rối loạn tăng lipid máu liên quan đến các yếu tố dưới đây:
- Ăn quá nhiều chất béo bão hòa (mỡ và phủ tạng động vật, bơ đặc, dầu dừa, sữa nguyên kem…) sẽ trực tiếp làm tăng lipid máu, đồng thời làm tăng acetyl Co-enzym A (nguyên liệu để tổng hợp lipid tại gan).
- Ít vận động dẫn tới thừa cân, béo phì: Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khoẻ (theo WHO). Tình trạng này thường gây nên sự tăng lipid máu.
- Uống rượu, hút thuốc lá: là những nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề chuyển hóa, trong đó có rối loạn lipid máu.
- Rối loạn lipid máu thứ phát của các bệnh: Đái tháo đường, rối loạn chức nắng các tuyến nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận…).
- Rối loạn lipd máu có tính chất gia đình hoặc liên quan đến gene di truyền.
3. Triệu chứng của rối loạn chuyển hóa lipid
Thông thường, rối loạn chuyển hóa lipid máu thường hay gặp ở những người thừa cân, béo phì (xác định bằng chỉ số BMI).
Quan trọng hơn là biểu hiện trên những chỉ số lipid máu. Xét nghiệm hóa sinh máu giúp biết chính xác các chỉ số này, qua đó có thể chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Chẩn đoán xác định có rối loạn lipid máu khi:
- Cholesterol toàn phần: ≥ 6,2mmol/l (240mg/dL)
- LDL: ≥ 4,1mmol/l (160mg/dL)
- Triglycerid: ≥ 2,3mmol/l (200mg/dL)
- Hoặc cholesterol toàn phần trong khoảng từ 5,2mmol/l (200mg/dL) đến 6,2mmol/l (240mg/dL), kèm theo có HDL: < 0,9mmol/l (35mg/dL).
4. Bí quyết chống rối loạn chuyển hóa lipid bằng Nam Y
Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid được chẩn đoán qua các chỉ số hóa sinh máu, vì vậy, nhiều người vô tình phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đến gặp thầy thuốc vì những bệnh lý khác.
Khi đến với Nam Y, bệnh nhân được khám tỉ mỉ như: Thăm hỏi bệnh sử, các triệu chứng cơ năng; khám lâm sàng các hệ cơ quan; chỉ định một số xét nghiệm cần thiết; khám tứ chẩn y học cổ truyền, dùng một số máy móc đo kinh lạc, đo lượng điện từ để hỗ trợ chẩn đoán. Theo đó, thầy thuốc sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với bệnh nhân cụ thể và toàn diện.
Sự toàn diện trong điều trị chính là bí quyết chống rối loạn lipid máu.
• Chế độ ăn:
Bệnh nhân được tư vấn chế độ ăn uống khoa học.
- Lựa chọn những thực phẩm có lợi: Trái cây tươi, rau củ tươi, nấm, ngũ cốc thô, các hạt chứa dầu béo omega 3…
- Kiêng kỵ những thực phẩm làm tăng tình trạng dư thừa mỡ máu: Mỡ và phủ tạng động vật, sữa nguyên kem, đường trắng, tinh bột trắng, bánh kẹo ngọt, nước ngọt...
- Ăn đúng bữa, mỗi bữa không nên ăn quá no, kéo dài thời gian mỗi bữa từ 40 – 50 phút. Các bữa ăn phụ nên dùng trái cây, sinh tố. Tuyệt đối không ăn gì khác ngoài các bữa chính và bữa phụ ví dụ như: Ăn vặt khi xem phim, ăn vặt khi làm việc…
- Thứ tự ăn khoa học: Trước tiên là ăn các loại rau sống (rau diếp, các loại húng, rau mùi, tía tô, kinh giới, diếp cá, dưa leo, ớt chuông, cà chua, cà rốt…), sau đó mới ăn cơm bình thường. Nguyên tắc khi ăn đó là: Tăng rau và cá, giảm cơm và thịt.
• Chế độ tập luyện
Tập luyện thể lực: Tập luyện thể lực giúp tiêu hao năng lượng, giúp giảm cân và tăng sức khỏe. Bệnh nhân nên dành mỗi ngày từ 30 – 60 phút để tập thể lực bằng các môn tập như: Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, cầu lông, bơi lội… thầy thuốc sẽ tư vấn cụ thể hơn trên bệnh nhân thực tế.
• Dùng dược liệu tự nhiên
Dùng dược liệu tự nhiên để kiểm soát mỡ máu và điều trị các bệnh liên quan là phương pháp quan trọng. Thuốc có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và không có tác dụng phụ, được phối ngũ theo thể bệnh (phụ thuộc vào chẩn đoán khi khám).
• Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt
Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt dựa trên pháp điều trị mà thầy thuốc đặt ra giúp điều hòa khí huyết, âm dương, chức năng tạng phủ.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)