Rối loạn lo âu là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi cảm giác lo lắng kéo dài, không rõ nguyên nhân, ảnh hưởng đến chất lượng sống và sức khỏe thể chất. Người mắc thường xuyên bất an, khó kiểm soát cảm xúc, dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, tim đập nhanh và suy nhược cơ thể. Việc nhận diện sớm và điều trị đúng cách, bao gồm cả liệu pháp tâm lý và y học cổ truyền, sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
Rối loạn lo âu là một trạng thái tâm lý đặc biệt, thường bị hiểu nhầm hoặc xem nhẹ trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế, cảm giác lo lắng vốn dĩ là một phản ứng bình thường và tự nhiên của con người khi đứng trước những tình huống bất trắc, căng thẳng hoặc đe dọa. Tuy nhiên, khi nỗi lo âu xuất hiện liên tục, không có dấu hiệu thuyên giảm, và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày thì đó đã không còn là hiện tượng bình thường nữa, mà trở thành một hội chứng tâm lý cần được chú ý và can thiệp kịp thời. Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, song tỷ lệ xuất hiện ở nữ giới thường cao hơn nam giới. Người mắc rối loạn lo âu thường sống trong cảm giác lo lắng dai dẳng, không rõ nguyên nhân, luôn cảm thấy bất an, căng thẳng, và rất dễ bị tác động bởi những yếu tố dù là nhỏ nhất. Hội chứng này có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, với năm dạng phổ biến thường được nhắc tới. Một trong số đó là rối loạn lo âu lan tỏa, còn gọi là rối loạn lo âu toàn thể. Những người mắc phải dạng này thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an về hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống, từ công việc, gia đình, sức khỏe đến cả những chuyện rất nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày. Cảm giác lo lắng xuất hiện một cách dai dẳng và kéo theo hàng loạt triệu chứng về thể chất như mất ngủ, mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu, giảm khả năng tập trung, thậm chí dẫn đến suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Một dạng khác là rối loạn lo âu hoảng loạn, thường gây ra những cơn sợ hãi cực độ một cách đột ngột mà không có lý do rõ ràng. Người bệnh có thể bất chợt rơi vào trạng thái bối rối, tim đập nhanh, khó thở, toát mồ hôi lạnh và cảm thấy như sắp ngất hoặc chết đến nơi. Cơn hoảng loạn này khiến họ sợ hãi tột độ, và để tránh bị tái phát, họ thường chọn cách tự cô lập, tránh tiếp xúc với người khác hay những không gian đông đúc, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn có dạng rối loạn stress sau sang chấn – một phản ứng tâm lý xuất hiện sau khi cá nhân trải qua những sự kiện kinh hoàng như tai nạn nghiêm trọng, thiên tai, chiến tranh, bạo hành hay mất người thân. Những ký ức đau buồn đó có thể bám riết trong tâm trí người bệnh, khiến họ sống trong cảm giác sợ hãi, lo lắng, hoang mang liên tục. Họ có thể gặp ác mộng, luôn cảm thấy như đang bị đe dọa, không thể kiểm soát được cảm xúc và thường xuyên né tránh những yếu tố liên quan đến chấn thương đã trải qua. Một dạng phổ biến khác là rối loạn ám ảnh cưỡng chế, biểu hiện ở việc người bệnh bị ám ảnh bởi một ý nghĩ, một hình ảnh, một hành vi nhất định, lặp đi lặp lại trong đầu mà họ không thể khống chế được. Điều này thường đi kèm với những hành động mang tính cưỡng chế như rửa tay quá nhiều vì sợ bẩn, kiểm tra cửa liên tục vì sợ trộm hay tránh xa vật sắc vì sợ mất kiểm soát. Dù biết những hành động này là vô lý nhưng họ vẫn không thể dừng lại, và chính điều đó tạo ra áp lực tâm lý ngày càng lớn. Thêm vào đó, chứng rối loạn lo âu xã hội cũng là một dạng thường gặp, đặc biệt ở người trẻ. Người bệnh cảm thấy vô cùng sợ hãi, lo lắng khi phải đối diện với người lạ, phát biểu nơi đông người hay tham dự các sự kiện xã hội. Họ thường né tránh giao tiếp, dễ đỏ mặt, run rẩy, nói lắp khi bị chú ý, dẫn đến việc dần dần thu mình lại và sống khép kín.
Ngoài các dạng trên, rối loạn lo âu phân ly cũng là một biểu hiện thường thấy, nhất là ở trẻ nhỏ. Đây là phản ứng tâm lý xuất hiện khi trẻ buộc phải tách khỏi những người thân yêu, thường là cha mẹ, trong các giai đoạn chuyển tiếp quan trọng như đi học, xa nhà hoặc gặp biến cố gia đình. Trẻ có thể phản ứng bằng cách khóc lóc, la hét, bám chặt cha mẹ, từ chối đến trường hoặc rơi vào trạng thái sợ hãi kéo dài nếu không được hỗ trợ kịp thời. Việc nhận diện các dấu hiệu của rối loạn lo âu đóng vai trò rất quan trọng để có thể can thiệp sớm. Những biểu hiện rõ rệt bao gồm việc người bệnh thường xuyên cảm thấy lo âu thái quá mà không lý do cụ thể, có cảm giác bị dằn vặt, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực, và mất dần sự hứng thú với cuộc sống. Họ khó tập trung, thường xuyên quên trước quên sau, và không thể đưa ra quyết định vì tâm trí luôn bị chi phối bởi nỗi lo sợ vô hình. Ngoài ra, họ cũng dễ bị kích động, khó giữ được bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng, và có xu hướng phản ứng thái quá, chẳng hạn như đi lại liên tục, nói lắp, hoặc cảm thấy bồn chồn không yên. Một số người còn bị rơi vào trạng thái sợ hãi không rõ nguyên nhân, như thể có điều gì đó nguy hiểm sắp xảy ra nhưng họ lại không thể lý giải được. Về mặt thể chất, người mắc rối loạn lo âu thường gặp các triệu chứng như tim đập nhanh, thở dốc, chân tay run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, hoặc thậm chí là suy nhược toàn thân. Những biểu hiện này nếu kéo dài mà không được xử lý có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến tâm lý, các mối quan hệ xã hội và hiệu quả công việc. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 18% các ca tự tử có liên quan đến rối loạn lo âu, và trong tổng số những người mắc hội chứng này, có khoảng 30% từng có ý định hoặc hành vi tự sát. Điều đáng buồn là nhiều người xung quanh thường không nhận ra sự nghiêm trọng của rối loạn lo âu, cho rằng đó chỉ là sự yếu đuối hoặc tính cách khác biệt, dẫn đến việc người bệnh không nhận được sự hỗ trợ kịp thời và bỏ lỡ thời điểm vàng để trị liệu.
Tác hại của hội chứng này không chỉ dừng lại ở mặt tinh thần mà còn gây ảnh hưởng sâu rộng đến thể chất. Người bệnh dễ mắc các bệnh lý như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn tiêu hóa, giảm ham muốn tình dục và mất dần khả năng tư duy logic. Họ có thể rơi vào trạng thái mất kết nối với người thân, khó hòa nhập với cộng đồng, dễ nổi giận, cáu gắt và thường đổ lỗi cho người khác. Chính điều này khiến các mối quan hệ gia đình, xã hội dần trở nên rạn nứt, công việc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Về nguyên nhân, hiện nay khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu, song có một số yếu tố nguy cơ được xác định là có liên quan mật thiết. Trong đó, căng thẳng kéo dài, chấn thương tâm lý là yếu tố phổ biến nhất. Những người từng trải qua biến cố lớn trong cuộc sống hoặc sống trong môi trường áp lực thường có nguy cơ cao mắc phải hội chứng này. Việc sử dụng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia hoặc các chất cấm như ma túy cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu. Những chất này có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương, khiến cảm xúc dễ bị xáo trộn và trở nên mất kiểm soát. Thêm vào đó, sự mất cân bằng hormone, đặc biệt là hormone serotonin – còn gọi là hormone hạnh phúc – cũng là một yếu tố đáng lưu ý. Khi lượng hormone này suy giảm, khả năng điều hòa cảm xúc bị ảnh hưởng nặng nề, khiến người bệnh dễ rơi vào trạng thái lo lắng, buồn bã. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò không nhỏ. Những người có người thân trong gia đình từng mắc rối loạn lo âu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp nhiều lần so với người bình thường. Một số bệnh lý nền như bệnh tim, tiểu đường, HIV, rối loạn tiêu hóa cũng có thể góp phần tạo nên cảm giác lo lắng kéo dài ở người bệnh.
Trong quá trình điều trị, một trong những phương pháp được đánh giá cao hiện nay là trị liệu tâm lý. Khác với việc sử dụng thuốc – vốn chỉ tập trung làm giảm triệu chứng tạm thời – trị liệu tâm lý giúp người bệnh đi sâu vào tận gốc của vấn đề, khám phá nguyên nhân tiềm ẩn và học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Các chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành cùng người bệnh, giúp họ hiểu được tại sao bản thân lại rơi vào trạng thái bất ổn, từ đó từng bước chữa lành những tổn thương trong quá khứ. Việc trị liệu còn giúp người bệnh rèn luyện kỹ năng tự quan sát bản thân, tăng khả năng thấu hiểu, học cách đối mặt với lo âu thay vì né tránh, đồng thời xây dựng lại sự tự tin và lòng yêu thương chính mình. Không chỉ vậy, người bệnh còn học được cách ứng phó với những tình huống khó khăn trong tương lai, làm chủ cảm xúc, cải thiện các mối quan hệ và thay đổi các niềm tin tiêu cực thành tích cực hơn. Trị liệu tâm lý không đơn giản là một phương pháp chữa bệnh, mà còn là hành trình khám phá bản thân, chữa lành những vết thương tinh thần, giúp con người sống khỏe mạnh, hài hòa và an toàn hơn trong chính cuộc sống của mình.
Ngoài việc áp dụng các liệu pháp tâm lý thì một số phương pháp điều trị của y học cổ truyền như dùng các vị thuốc, bài thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công dưỡng sinh có vẻ như đã và đang đem lại hiệu quả thực sự hữu hiệu cho bệnh nhân mắc chứng rối loạn lo âu. Theo quan điểm của y học cổ truyền thì một người có thân thể khỏe mạnh khi người đó có đầy đủ 3 yếu tố thân, tâm, trí được đầy đủ, sáng suốt. Nguyên tắc phòng và trị bệnh của y học cổ truyền cũng không nằm ngoài việc dùng các phương pháp chữa bệnh để hướng đến bồi dưỡng 3 yếu tố đó.
Ngày nay khi hiểu biết của con người về bệnh tật càng ngày càng mở rộng và sâu sắc thì việc điều trị bệnh đa mô thức tức là kết hợp một hoặc nhiều phương pháp áp dụng cho một bệnh lý đang xảy ra trên một người để đem lại hiệu quả điều trị tối ưu và nhanh nhất cho người bệnh.
BS. Nguyễn Yến (Thọ Xuân Đường)