BIẾN CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp là triệu chứng của nhiều bệnh, nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cũng có thể là bệnh tăng huyết áp. Tỉ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng cao ở Việt Nam và các nước trên thế giới, gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Chính vì vậy người dân cần hiểu rõ về tiến triển và biến chứng của căn bệnh này, để có ý thức hơn trong việc phòng và điều trị tăng huyết áp.
1. Biến chứng trên tim
Suy tim và bệnh mạch vành là hai biến chứng chính và nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối với tăng huyết áp.
- Dày thất trái là biến chứng sớm do dày cơ tim trái. Để đối phó sức cản ngoại biên nên gia tăng sức co bóp làm công tim tăng lên và vách cơ tim dày ra. Dần dần suy tim trái và với khó thở khi gắng sức, hen tim hoặc phù phổi cấp sau đó chuyển sang suy tim toàn bộ với phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Xquang và điện tim có dấu dày thất trái.
- Suy mạch vành biểu hiện bằng các cơn đau thắt ngực điển hình hay chỉ có loạn nhịp. Các cơn đau thường kéo dài vài phút đến vài giờ, khi đau bệnh nhân cảm giác nặng tức như có đá đè vào vùng tim. Thường kèm theo khó thở, vã mồ hôi. Điện tim có ST chênh xuống dưới đường thẳng điện ở các chuyển đạo tim trái, rõ hơn ở chuyển đạo Pescador khi biến chứng nhồi máu sẽ xuất hiện sóng Q hoại tử.
2. Biến chứng trên não
- Tai biến mạch máu não, thường gặp như nhũn não, xuất huyết não, tai biến mạch não thoáng qua với các triệu chứng thần kinh khu trú chỉ kéo dài, không quá 24 giờ. Trường hợp nặng có thể gây nhiều biến chứng như tổn thương vận động, liệt, tổn thương ngôn ngữ, trí nhớ… Thậm chí có trường hợp tử vong.
- Bệnh não do tăng huyết áp với lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, nôn mửa, nhức đầu dữ dội.
3. Biến chứng trên thận
- Vữa xơ động mạch thận sớm và nhanh.
- Xơ thận gây tình trạng suy thận dần dần.
- Hoại tử dạng tơ huyết tiểu động mạch thận gây tăng huyết áp ác tính.
- Ở giai đoạn cuối thiếu máu cục bộ nặng ở thận sẽ dẫn đến nồng độ Renin và angiotensine II trong máu gây cường aldosterone thứ phát.
4. Biến chứng mạch máu
- Tăng huyết áp là yếu tố sinh vữa xơ động mạch, tạo điều kiện cho sự hình thành mảng xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa bị bóc tách và di chuyển trong hệ thống tuần hoàn, có thể bị tắc lại ở các mạch máu nhỏ như mạch thận, mạch não, mạch vành gây các biến chứng nguy hiểm.
- Phồng động mạch chủ, bóc tách. Hiếm gặp nhưng bệnh cảnh rất nặng nề dễ đưa đến tử vong.
5. Biến chứng ở mắt
Các tổn thương thường xuất hiện sau khi phát hiện tăng huyết áp từ một đến vài năm. Vì vậy cần khám đáy mắt định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các tổn thương. Khám đáy mắt rất quan trọng vì đó là dấu hiệu tốt để tiên lượng.
Theo Keith- Wagener-Barker có 4 giai đoạn tổn thương đáy mắt:
- Giai đoạn 1: tiểu động mạch cứng và bóng.
- Giai đoạn 2: tiểu động mạch hẹp có dấu bắt chéo (dấu Gunn).
- Giai đoạn 3: xuất huyết và xuất tiết võng mạc.
- Giai đoạn 4: phù lan tỏa gai thị.
Như vậy bệnh tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Chính vì vậy cần điều trị và theo dõi huyết áp thường xuyên, định kỳ để điều chỉnh thuốc. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ đông y gia truyền Thọ Xuân Đường, ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời gian làm việc: 8h - 17h30 từ thứ Ba đến Chủ Nhật, nghỉ thứ Hai.
Hotline: 0943.986.986 hoặc 0943.406.995