ĐIỀU TRỊ BỆNH HUYẾT KHỐI SÂU NHƯ THẾ NÀO?
Bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu là bệnh lý là tình trạng viêm có liên quan đến cục máu đông. Bệnh hiện diện ở một hoặc một số tĩnh mạch sâu của cơ thể đặc biệt là ở các tĩnh mạch chi, gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần tĩnh mạch. Cùng tham khảo yếu tố nguy cơ và cách điều trị bệnh này nhé!
1. Ai có nguy cơ bị bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu?
Huyết khối tĩnh mạch sâu chính là cục máu đông nằm trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể. Tình trạng này thường xảy ra ở vùng chậu, vùng đùi và vùng cẳng chân, song cũng có thể gặp ở tay, ngực hay các vị trí khác.
Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây có thể sẽ bị huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Tuổi cao, trên 70 tuổi.
- Bị ung thư đang trong thời kỳ hoạt động hoặc đang được điều trị trong vòng 6 tháng trở lại
- Bị chấn thương hoặc phẫu thuật vùng chậu hay chi dưới
- Bệnh nhân phẫu thuật cần gây mê kéo dài trên 5 tiếng
- Bệnh nhân được điều trị bằng Estrogen/Progesterone
- Phụ nữ trong tình trạng hậu sản
- Những người có tình trạng tăng đông máu do bẩm sinh hoặc mắc phải
- Bệnh nhân nằm liệt giường trên 3 ngày hoặc đã phẫu thuật trong vòng 4 tuần trước
- Đa phần các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở những bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật, ốm đau, điều trị nội trú.
Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu tăng cao ở những đối tượng sau:
- Người béo phì
- Người có tiền sử nhồi máu cơ tim
- Người từng bị đột quỵ
- Người bị suy tim ứ huyết
- Phụ nữ có thai, cho con bú
- Người sử dụng thuốc tránh thai
- Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng.
2. Phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể điều trị bằng thuốc và thủ thuật can thiệp tối thiểu, song đôi khi vẫn cần đến phẫu thuật.
Điều trị kháng đông
Đa số các bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ phải nhập viện điều trị, nhưng do sự tiện lợi của thuốc Heparin trọng lượng phân tử thấp, nên một số bệnh nhân có thể điều trị tại nhà cùng với sự chăm sóc của nhân viên y tế. Để điều trị tại nhà, bệnh nhân cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Huyết khối nhỏ
- Triệu chứng ít
- Có thể đi bộ được và là người năng động
- Sẽ phải mang băng thun trước rồi khi giảm phù sẽ dùng vớ/tất áp lực
- Có thể tự tiêm thuốc được
- Không có các bệnh khác, không khó thở và không nghi ngờ thuyên tắc phổi
- Tuân thủ y lệnh tốt.
Điều trị kháng đông đầy đủ chính là phương pháp điều trị chính trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Bắt đầu quá trình điều trị bằng Heparin, sau đó chuyển sang dẫn xuất Coumarin nhằm chống tái phát. Thuốc kháng đông làm loãng máu khiến cho máu khó đông.
Thuốc Heparin giúp phòng tránh huyết khối và ngăn cản các cục huyết khối sẵn có phát triển thêm. Những loại thuốc này không thể làm tan cục huyết khối đã hình thành. Heparin có tác dụng nhanh song cần phải dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc được sử dụng từ 5 - 7 ngày đầu.
Thuốc kháng đông dẫn xuất Coumarin (Warfarin): Sau khi sử dụng thuốc Heparin dạng tiêm, bệnh nhân sẽ được chuyển sang sử dụng thuốc kháng đông dạng viên có dẫn xuất Coumarin trong 6 tháng.
Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân cần làm xét nghiệm kiểm tra chức năng đông máu thường xuyên. Để đảm bảo nồng độ thuốc vừa đủ để phòng chống hình thành huyết khối, nhưng không gây ra tình trạng xuất huyết. Bởi các thuốc kháng đông sẽ gây ra tình trạng xuất huyết nếu sử dụng quá liều lượng.
Điều trị tan huyết khối
Phương pháp điều trị tan huyết khối (tiêu sợi huyết) là phương pháp điều trị lý tưởng để làm tiêu cục huyết khối đã hình thành và duy trì chức năng các van tĩnh mạch. Phương pháp điều trị tan huyết khối được tiến hành như sau: bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ sử dụng một catheter để đưa thuốc làm tan huyết khối tới thẳng vị trí cục máu đông.
Phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc tan huyết khối
Người ta đã tiến hành thử nghiệm nhằm so sánh tác dụng của phương pháp điều trị tiêu sợi huyết và phương pháp điều trị kháng đông tiêu chuẩn thì thu được kết quả như sau
Huyết khối mất hoàn toàn ở 45% bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết.
Huyết khối mất hoàn toàn ở 4% bệnh nhân điều trị kháng đông tiêu chuẩn.
Như vậy điều trị tan huyết khối có tác dụng làm tan cục máu đông đã hình thành tốt hơn phương pháp điều trị kháng đông bằng Heparin. Thậm chí thuốc tan huyết khối có thể làm tan được các cục máu đông có kích thước rất lớn. Tuy nhiên nó có nguy cơ gây biến chứng xuất huyết và đột quỵ cao hơn. Do đó, thuốc tan huyết khối được lựa chọn sử dụng khi:
Bệnh nhân có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi.
Hoặc bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở tay.
Điều trị bằng phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật lấy huyết khối, đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ thường được sử dụng khi bệnh nhân không sử dụng được thuốc kháng đông hoặc đã dùng thuốc kháng đông nhưng thất bại.
Phẫu thuật mở tĩnh mạch loại bỏ huyết khối: thường sử dụng khi bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu, không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc). Các bệnh nhân này nếu không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến tình trạng hoại tử, do các mô không được cung cấp đầy đủ máu và oxy. Biến chứng hoại tử rất nghiêm trọng bởi nó có thể dẫn tới phải cắt cụt chi.
Phương pháp phẫu thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ: Phương pháp này sử dụng một dụng cụ lọc đặc biệt bằng kim loại để bảo vệ, chống thuyên tắc phổi ở những bệnh nhân không thể dùng được thuốc kháng đông. Tĩnh mạch chủ chính là tĩnh mạch lớn nằm trong ổ bụng, nơi đưa máu trở về tim và phổi. Lưới lọc tĩnh mạch chủ sẽ ngăn cản không cho huyết khối bong ra từ các tĩnh mạch chi dưới di chuyển đến phổi.
Phẫu thuật đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu
Lưới lọc tĩnh mạch chủ sẽ được đưa vào đúng vị trí bằng một catheter xuyên qua một trong các vị trí sau:
- Tĩnh mạch đùi
- Tĩnh mạch cổ
- Tĩnh mạch cánh tay.
Việc lựa chọn phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu phải do các bác sĩ chuyên khoa đưa ra sau khi đã tiến hành thăm khám kiểm tra đầy đủ. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý tăng, giảm liều thuốc hoặc ngừng thuốc đột ngột khi không có chỉ định của bác sĩ.