ĐỀ PHÒNG BIẾN CHỨNG CƠ XƯƠNG KHỚP Ở BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG
Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng đối với bộ máy vận động, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống gân cơ mà còn ảnh hưởng tới khớp, mật độ xương rất nhiều. Chính vì vậy trước khi các biến chứng xảy ra thì mỗi bệnh nhân cần có ý thức phòng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
1. Kiểm soát đường huyết là yêu cầu bắt buộc
Đường máu tăng chính là nguyên nhân chính gây ra các biến chứng cơ xương khớp cũng như biến chứng lên hệ thần kinh, hệ mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Ổn định đường huyết là yếu tố quyết định trong việc phòng ngừa các biến chứng cơ xương khớp ở bệnh nhân ĐTĐ.
• Chế độ ăn uống lành mạnh
Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều thèm ăn, ăn rất ngon miệng. Nhưng cần phải kiểm soát và tiết chế, có chế độ ăn uống lành mạnh, ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ glucid, lipid, protid.
- Giảm các thực phẩm có chứa tinh bột dần dần như miến, cơm, khoai, ngô, sắn. Mỗi bữa chỉ nên ăn một lượng vừa phải đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể.
- Ăn nhiều rau xanh, nên ăn rau khi bắt đầu bữa ăn. Điều này sẽ giúp cho đường hấp thu chậm hơn, giúp đường máu không tăng vọt sau ăn. Ngoài ra chất xơ và vitamin trong rau xanh còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giảm các rối loạn tiêu hóa.
- Từ bỏ các thói quen có hại trong ăn uống: không ăn đồ ngọt, đặc biệt các loại bánh kẹo nước ngọt sử dụng đường hóa học. Không sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, không uống rượu bia, không hút thuốc lá.
• Bổ sung chất đạm từ ngũ cốc, ưu tiên cá hơn thịt, các loại thịt đỏ nên hạn chế.
- Chăm chỉ vận động
Rèn luyện thể lực và vận động thường xuyên sẽ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa, giảm tích tụ mỡ và các chất béo không cần thiết cho cơ thể.
Tập các bài tập cho bàn tay, bàn chân, đảm bảo lượng máu cần thiết được tuần hoàn đến tay chân đầy đủ, giúp mọi cơ quan được lưu thông khí huyết tốt hơn.
- Sử dụng thuốc theo phác đồ
Thuốc rất quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường, giúp kiểm soát đường máu tốt. Vì vậy cần sử dụng thuốc theo đúng phác đồ, không nên bỏ thuốc hay tự ý thay đổi liều thuốc.
2. Lắng nghe cơ thể và phát hiện sớm các biến chứng
Bản thân bệnh nhân là người có thể phát hiện sớm các biến chứng cơ xương khớp, chính vì vậy hàng ngày bệnh nhân cần chăm sóc cơ thể, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
- Nếu thấy bàn tay có các biểu hiện bất thường như tê bì, khó co duỗi các ngón, sưng đau, đổi màu da... người bị bệnh ĐTĐ cần đi khám bác sĩ ngay để điều trị kịp thời.
- Bàn chân cũng cần được chăm sóc một cách đặc biệt: Luôn giữ bàn chân sạch sẽ, khô ráo. Thường xuyên quan sát và kiểm tra bàn chân để kịp thời phát hiện những tổn thương dù nhỏ (nốt chai, trầy xước, sưng, đau...). Không đi chân đất dù ở trong nhà. Mang giày dép vừa vặn, êm ái, mềm mại và phù hợp. Đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết hay khớp ngay khi phát hiện những bất thường.