THOÁI HÓA KHỚP GỐI CÓ MẤY GIAI ĐOẠN
Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi với biểu hiện là sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, rồi có sự thay đổi ở bề mặt khớp hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp mà gây tàn phế. Cùng tìm hiểu các giai đoạn của thoái hóa khớp gối và cách phòng bệnh hiệu quả.
1. Các giai đoạn của thoái hóa khớp gối
Khớp gối có vai trò quan trọng và phải chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể, chính vì vậy dễ bị thoái hóa hơn các khớp khác. Thoái hóa khớp gối được chia thành các giai đoạn sau:
• Thoái hóa khớp gối độ 1
- Lâm sàng: Khi thoái hóa khớp gối độ 1 thường chưa có biểu hiện gì đặc biệt, bệnh nhân vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Khi lao động nặng hoặc đi lại quá nhiều, hoạt động mạnh có thẻ khiến đau và mỏi ở khớp gối, khi nghỉ ngơi sẽ giảm đau.
- Chụp Xquang khớp gối: Hình ảnh khe khớp chưa có biến đổi nhiều, thường không thấy gì đặc biệt.
• Thoái hóa khớp gối độ 2
- Lâm sàng: Giai đoạn này sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường nên khớp còn trơn tru. Bệnh nhân có thể xuất hiện đau mỏi khớp gối khi vận động liên tục, cũng có thể mỏi khớp, cứng khớp khi trời lạnh hay khi nằm quá lâu.
- Chụp Xquang: Có hiện tượng hẹp khe khớp nhẹ, có thể có gai xương nhẹ
• Thoái hóa khớp gối độ 3
- Lâm sàng: Giai đoạn này lớp sụn bị tổn thương rõ rệt hơn, xuất hiện các gai xương gây biến dạng và ảnh hưởng đến sự vận động của khớp. Bệnh nhân thường xuyên thấy đau mỏi khớp gối, nhất là khi đi lại, vận động nhiều. Bệnh nhân còn thấy cứng khớp buổi sáng xảy ra thường xuyên và liên tục hơn. Có thể xuất hiện các đợt cấp gây sưng nóng đỏ đau, có thể tràn dịch khớp gối.
- Chụp Xquang khớp gối: thấy hình ảnh tổn thương của khớp gối khá rõ, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, có nhiều gai xương xuất hiện kích thước khác nhau, đầu xương có thể bị biến dạng.
• Thoái hóa khớp gối độ 4
- Lâm sàng: Khớp gối bị thoái hóa nặng, lớp sụn bị bào mòn rồi bong tróc để lộ các đầu xương, tổn thương bao hoạt dịch khiến khớp bị khô. Bệnh nhân thường hạn chế vận động, đau khi vận động, thậm chí còn đau cả khi làm việc nhẹ. Khi vận động có thể thấy tiếng kêu trong khớp, tiếng lục cục hay lạo xạo khớp.
- Bệnh nhân cũng bị cứng khớp buổi sáng thường xuyên hơn.
- Chụp Xquang khớp gối: Hẹp khe khớp nhiều, đặc xương dưới sụn, gai xương kích thước lớn, đầu xương bị biến dạng rõ.
2. Cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Khớp gối là khớp phải chịu lực của toàn bộ cơ thể, chính vì vậy để phòng ngừa thoái hóa khớp gối cần thực hiện các biện pháp sau:
- Giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng
Những người thừa cân, béo phì cần giảm cân để khớp gối không phải chịu trọng tải lớn, giúp hạn chế được quá trình thoái hóa khớp.
- Tập thể dục thường xuyên
Việc luyện tập thể dục giúp xương khớp dẻo dai, giúp khớp gối hoạt động được thuận lợi.
- Tăng cường ăn các thực phẩm lợi cho khớp
Nên bổ sung thực phẩm giàu chất nhờn như đậu bắp, rau đay, rau mồng tơi… Bổ sung thực phẩm giàu canxi giúp xương chắc khỏe như tôm, cua, ghẹ, óc, các loại hạt.