TỔNG QUAN VỀ BỆNH GÚT
Bệnh Gút là bệnh lý về khớp được xếp vào nhóm bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa. Gút chiếm tỷ lệ 1,5% trong các bệnh về khớp. Trong dân gian thường nói bệnh Gút là bệnh nhà giàu vì đối tượng bị bệnh chủ yếu thường là những đối tượng ăn thừa chất đạm. Bệnh có thể dẫn đến hạn chế vận động, suy thận… và cũng có thể phòng và điều trị hiệu quả nếu biết được bản chất của bệnh.
1. Theo y học hiện đại
Bệnh Gút là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, có lắng đọng tinh thể muối urat natri trong các mô. Bệnh gút chủ yếu xảy ra ở nam giới (94-95%) và thuộc độ tuổi trung niên 30-50 tuổi, một số trường hợp có tính chất gia đình.
• Theo y học hiện đại có 3 nguyên nhân gây bệnh sau:
- Tăng acid uric bẩm sinh: Do thiếu men HGPT nên lượng acid uric tăng cao ngay từ nhỏ. Bệnh có biểu hiện toàn thân, thần kinh, thận và khớp, bệnh hiếm và rất nặng (bệnh Lesch Nyhan).
- Bệnh Gút nguyên phát: gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp nhân purin nội sinh tăng nhiều làm tăng acid uric, đây là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh Gút.
- Bệnh Gút thứ phát: Do ăn nhiều gan, thịt, cá, nấm, tôm, cua, uống nhiều rượu, do tăng cường chuyển hóa nhân purin và giảm thải acid uric qua thận.
Trong bệnh Gút, các vi tinh thể urat lắng đọng ở màng hoạt dịch gây sưng đau các khớp. Ngoài ra urat có thể lắng đọng ở một số cơ quan ngoài khớp như gân, túi thanh dịch, ngoài da, ngoài móng tay, chân, màng ngoài tim, cơ tim, van tim.
Bệnh Gút tiến triển từ 10-20 năm, trong quá trình diễn biến bệnh mãn tính xen kẽ những đợt cấp làm bệnh nặng thêm. Bệnh nhân tử vong do các biến chứng thận, nhiễm khuẩn, suy mòn.
• Y học hiện đại chia bệnh làm 2 thể:
- Gút cấp tính: biểu hiện bằng những đợt viêm cấp và đau dữ dội của khớp bàn ngón chân cái (Gút do viêm).
- Gút mạn tính: Biểu hiện bằng dấu hiệu nổi các cục tophi và viêm đa khớp mạn tính, còn gọi Gút do lắng đọng.
• Chẩn đoán
Chẩn đoán Gút theo Tiêu chuẩn Bennet và Wood (1968): Tiêu chuẩn này được áp dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam do dễ nhớ và phù hợp với điều kiện thiếu xét nghiệm.
a. Hoặc tìm thấy tinh thể natri urat trong dịch khớp hay trong các hạt tophi.
b. Hoặc tối thiểu có 2 trong các yếu tố sau đây:
- Tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu 2 đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội, và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.
- Tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên.
- Có hạt tophi.
- Đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm, giảm đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.
Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b.
• Nguyên tắc điều trị
Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp. Dự phòng tái phát
2. Y học cổ truyền
Y học cổ truyền gọi là thống phong, nguyên nhân do ngoại tà xâm phạm vào cơ thể làm bế tắc kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại các khớp gây sưng, đau co duỗi vận động khó. Lúc đầu bệnh còn ở bì phu (da) kinh lạc, lâu ngày tà khí vào gân xương, tạng phủ. Khí huyết tân dịch ứ trệ lâu ngày hóa đàm, đàm uất kết thành u cục quanh khớp, dưới da. Bệnh biểu hiện nhiều năm, đôi khi xuất hiện đợt cấp làm tổn thương can thận, làm biến dạng các khớp.
• Thể bệnh theo đông y
Y học cổ truyền cho rằng Thống phong có thể quy thuộc phạm vi chứng tý và chia làm 2 thể bệnh sau:
- Thể phong thấp nhiệt (đợt cấp): Đột ngột khớp bàn ngón chân cái sưng nóng đỏ đau, không dám sờ, đụng vào. Đau đầu , sốt, khát nước, miệng khô, tiểu vàng, mạch nhanh. Điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp, hoạt huyết chỉ thống với bài thuốc: Gia vị tam diệu thang, Bạch hổ gia quế chi thang. Kết hợp châm cứu.
- Thể đàm thấp ứ trệ (mạn tính): Gút mạn tính có thể tiếp theo đợt gút cấp nhưng phần lớn là bắt đầu từ từ tăng dần thông qua các đợt cấp. Biểu hiện nhiều khớp sưng to kéo dài, co duỗi khó, không nóng đỏ nhưng đau nhiều, biến dạng khớp, u cục quanh khớp, dưới da, vành tai, sờ không đau. Điều trị: Khu hàn, thông lạc, trừ thấp, chỉ thống. Kết hợp châm cứu các huyệt.
• Chế độ dự phòng bệnh tái phát:

- Tránh các chất có nhiều purin như phủ tạng động vật (lòng, gan, tim, tiết), thịt, cá, tôm, cua, rau dền, đậu Hà Lan, đậu các loại… Có thể ăn trứng, hoa quả, uống sữa. Ăn thịt không quá 100gram/ ngày.
- Không uống rượu, hút thuốc, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên…
- Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước khoáng có bicacbonat kiềm.
- Tránh làm việc quá sức, tránh lạnh.
- Không nên dùng các thuốc lợi tiểu: Cholorothiazid, steroid.
Bác sĩ: Thanh Xuân (Thọ Xuân Đường)