TỔNG QUAN VỀ BỆNH LOÃNG XƯƠNG
Loãng xương là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây gẫy xương ở trung niên và người cao tuổi, bệnh có khả năng gây tàn phế cho người bệnh ở mức cao. Loãng xương đa số gặp ở phụ nữ nhưng đàn ông cũng bị ảnh hưởng bởi loãng xương. Để biết cách phòng và điều trị loãng xương thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh.
A. Loãng xương theo y học hiện đại.
1. Định nghĩa
Loãng xương là tình trạng “xương xốp” xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy, thậm chí động tác nhẹ như cúi xuống hay ho có thể gây ra gãy xương.
Bệnh loãng xương đặc trưng bởi tình trạng tốc độ hủy xương tăng nhanh hơn so với tốc độ tạo xương khiến lượng xương giảm tới mức không còn duy trì được cấu trúc toàn vẹn của khung xương, dẫn đến gãy xẹp cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy xương cổ tay.
2. Nguyên nhân của loãng xương
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của loãng xương nhưng họ biết rằng quá trình tu sửa xương bị phá vỡ. Xương liên tục thay cũ đổi mới: khi còn trẻ, cơ thể tạo xương mới nhanh hơn phá vỡ xương cũ và tăng khối lượng xương đỉnh điểm ở độ tuổi 30. Sau đó, xương tiếp tục tu sửa, nhưng sẽ hủy xương nhiều hơn tạo xương.
Hormon cũng ảnh hưởng đến mật độ xương. Ở phụ nữ, khi mức độ estrogen giảm ở thời kỳ mãn kinh, mất xương tăng đáng kể. Ở nam giới, mức estrogen và testosterone thấp có thể gây ra sự mất khối lượng xương.
3. Yếu tố nguy cơ
- Nhóm nguy cơ có thể thay đổi: Canxi trong xương thấp, rối loạn tiêu hóa, hút thuốc, uống rượu nhiều, lối sống ít vận động, dùng các thuốc corticosteroid như prednisone, cortisone và dexamethasone gây tổn hại cho xương.
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: Phụ nữ, lớn tuổi, chủng tộc, tiền sử gia đình, chỉ số BMI, cường giáp, các phẫu thuật y tế.
4. Các biểu hiện của loãng xương
Loãng xương thường không có triệu chứng gì rõ rệt cho đến khi xương bị gẫy. Có thể có cảm giác tê buồn trong xương, đau nhức xương với các mức độ khác nhau. Đau lưng, có thể nặng, như đốt sống bị gãy hoặc bị xẹp lún, giảm chiều cao theo thời gian, tư thế cúi.
Để kiểm tra mật độ xương chính xác cần: Siêu âm, Định lượng vi tính cắt lớp (CT), Hấp thụ Single-photon.
5. Điều trị loãng xương
Đa số là dùng thuốc hormon sinh dục, hoặc thuốc ức chế các hủy cốt bào gây hủy xương.
6. Các biện pháp phòng ngừa
- Chế độ dinh dưỡng giàu protein, calci và vitamin D.
- Bệnh nhân tập thể dục đều đặn, tăng vận động chủ động và thụ động.
- Được chống đỡ để tránh bị ngã, không hút thuốc, uống rượu.
- Do hiếm khi bệnh loãng xương biểu hiện triệu chứng cho đến khi nặng nên khuyến cáo các đối tượng 50 tuổi có nguy cơ hoặc tiền sử loãng xương cần đi kiểm tra mật độ xương.
B. Bệnh loãng xương điều trị y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, loãng xương thuộc phạm vi các chứng: “yêu thống”, “cốt khô”, “cốt thống”. Theo lý luận của y học cổ truyền: thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy nằm trong cốt (xương) và nuôi dưỡng cốt nên thận có chức năng chủ cốt tủy. Vì vậy các bệnh lý xương khớp trong cơ thể đều liên quan chủ yếu với tạng thận. Ngoài ra, các bệnh về cốt còn liên quan với tạng tỳ, can, tinh, huyết.
1. Cơ chế bệnh sinh của chứng loãng xương theo y học cổ truyền
• Thận hư
Do tiên thiên bất túc, lại thêm hậu thiên thất dưỡng hoặc phòng sự sinh dục quá độ làm tổn thương chân âm, nguyên dương dẫn đến tinh huyết bất túc, thận dương suy yếu không thể sinh tuỷ, mạnh cốt. Hoặc do nam quá 64 tuổi, nữ quá 49 tuổi mà không chú ý bảo dưỡng, thận hư tinh yếu không thể làm mạnh cốt sinh tủy mà thành bệnh loãng xương. Trong sách Nội kinh - Tố Vấn viết: Nếu thận tinh suy thì nguồn sinh hoá của xương giảm làm xương giòn, nhược, vô lực, toàn thân mỏi yếu, không chịu được lực mạnh, dễ gãy xương.
• Tỳ vị hư nhược
Do ăn uống không điều độ, ăn cao lương mỹ vị nhiều, uống nhiều rượu làm tỳ vị bị tổn thương; hoặc do dinh dưỡng bị thiếu không thể tư dưỡng được thận tinh, làm cho cốt không được nuôi dưỡng mà thành bệnh loãng xương.
• Can thận âm hư, phong thấp xâm nhập
Nhân khi cơ thể ở giai đoạn lão hoá, thận tinh suy giảm, can thận âm hư, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, tà khí (phong thấp) thừa cơ xâm nhập vào cơ thể, ứ trệ ở cân cốt làm cho khí huyết tắc trở dẫn đến lưng, gối, khớp bị đau, làm nặng thêm bệnh loãng xương.
Theo lý luận của y học cổ truyền, loãng xương ở người có tuổi chủ yếu do chức năng của tạng thận suy giảm. Vì vậy, trong chẩn đoán cần chú ý khai thác nguyên nhân chính gây thận hư, từ đó mói có thể đề ra pháp điều trị phù hợp.
2. Điều trị loãng xương theo y học cổ truyền
Điều trị theo y học cổ truyền: Đông y điều trị loãng xương bằng dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và luyện khí công dưỡng sinh.
• Ví dụ điều trị loãng xương thể thận dương hư
- Chứng trạng: Đau vùng lưng, thắt lưng, cảm giác đau mỏi, không có lực, lạnh vùng lưng, thắt lưng, gù cong vùng thắt lưng, sợ lạnh, chi lạnh, các khớp tứ chi biến dạng, hoạt động hạn chế.
- Pháp điều trị: ôn thận ích tuỷ.
- Phương thuốc: Hữu quy hoàn gia giảm.
- Châm cứu: Châm bổ, ôn châm các huyệt: phục lưu, huyền chung, giáp tích L2 – S1 thận du, đại trường du, mệnh môn. Thời gian: 20 -30 phút/lần.Bệnh nhân đau vùng nào châm thêm vùng đó.
- Xoa bóp, bấm huyệt vùng cơ thể bị đau (thường là vùng lưng, thắt lưng). Lưu ý xoa bóp nhẹ nhàng và không nên thực hiện vận động cột sống cho bệnh nhân loãng xương nặng vì dễ gây tai biến.
- Khí công – dưỡng sinh: sử dụng các bài tập luyện thở, luyện hình thể để nâng cao sức khoẻ, giảm các triệu chứng, hạn chế sự tiến triển của bệnh.
Bác sĩ: Lê Thanh Xuân (Thọ Xuân Đường)