2 LOẠI CÂY THUỐC RỬA NGOÀI NHANH LÀNH VẾT THƯƠNG
Ngày nay, khi y học hiện đại phát triển, chúng ta thường lạm dụng các thuốc kháng sinh để bôi ngoài, hay các thuốc dạng bôi khác để điều trị những tổn thương bên ngoài da gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, ít ai biết xung quanh chúng ta có rất nhiều loại cây thuốc dân gian có tính kháng sinh tự nhiên, giúp săn se niêm mạc, nhanh lành vết thương. Cùng tìm hiểu 2 loại cây thuốc trong nhóm các loại cây này nhé!
1. Nước lá và búp cây bàng
- Cây bàng là loại cây thân gỗ, thường được trồng nhiều để làm cây cảnh, lấy bóng mát. Ngoài những nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm từ cây bàng cho công nghiệp, gần đây có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, các dược chất trong lá bàng, quả bàng để chứng minh cho công dụng mà dân gian vẫn lưu truyền.
- Theo Đề tài: Nghiên cứu chiết tách, xác định thành phần hóa học trong một số dịch chiết của lá và nhân quả bàng của Thạc sĩ Võ Thị Thanh Kiều, Đại học Đà Nẵng kết luận: Dịch chiết lá bàng trong dung môi etanol thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đối với 2 loại vi khuẩn B.subtilis (Gram dương) và E.coli (Gram âm), khả năng diệt khuẩn đối với vi khuẩn gram dương (B.subtilis) cao hơn vi khuẩn gram âm (E.coli). Các dịch chiết khác của lá bàng trong các dung môi n-hexan, diclometan, etyl axetat và nhân quả bàng trong các dung môi nhexan, diclometan, etyl axetat, etanol đều không thể hiện hoạt tính kháng khuẩn đối với cả 2 loại vi khuẩn B.subtilis (Gram dương) và E.coli (Gram âm). Bên cạnh đó, Lá và vỏ cây chứa tanin: vỏ thân chứa từ 25-35% tanin pyrogalic và tanin catechic. Vỏ cành chứa 11% tanin.
- Dân gian lưu truyền các bài thuốc ngâm rửa chữa viêm loét, vết thương có mủ từ lá bàng như sau: Lấy lá bàng loại bánh tẻ, không lấy lá già, số lượng tùy kích thước vết thương, đun sôi nước lá bàng, rồi để lửa nhỏ cho chất ra hết sao cho nước càng đặc, chát thì tốt. Sau đó để âm ấm, ngâm phần vết thương vào trong nước sắc khoảng 20-30 phút rồi để tự khô, hoặc lau bằng khăn mềm sạch. Cuối cùng bôi các thuốc chuyên dùng. Nước lá bàng sẽ làm sạch mủ, săn se vết thương, nhanh lành vết thương. Nên kiên trì ngâm cho đến khi khỏi hẳn. Do ảnh hưởng của nhựa lá cây nên khi ngâm, vùng vết thương sẽ bị vàng, bệnh khỏi thì sẽ tự hết. Một số nơi, còn sắc nước búp lá bàng non để súc miệng, chữa sâu răng.
2. Lá trầu không
- Trầu không là loại lá cây không thể thân thuộc hơn trong văn hóa người Việt bởi miếng trầu là đầu câu chuyện. Có lẽ, chính vì trầu không có tác dụng như một kháng sinh tự nhiên mà người xưa sử dụng trầu không chỉ ăn vui mà còn có tác dụng chữa các bệnh răng miệng, tiêu hóa.
- Phân tích y học hiện đại đã tìm thấy trong lá trầu không nhiều hợp chất quý: eugenol, carvacrol, chavicol, allylcatechol, chavibetol, cineol, estragol, methyl eugenol, p-cymen, caryophyllen, cadinen; tanin cùng với nhiều vitamin, các axit amin… Nghiên cứu của TS Rajendra Toprani, Trung tâm Ung thư HCG (Ấn Độ) công bố trên tạp chí South Asian Journal of Cancer (Tạp chí Ung thư Nam Á), cho rằng chiết xuất lá trầu không có thể tiêu diệt cả các khối u khi thí nghiệm trên động vật. Trầu không cho thấy tác dụng tương đương tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khẩu, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtillis và trực trùng coli.
- Chính bởi tác dụng kháng khuẩn, diệt virus của trầu không mà từ xưa, trầu được ứng dụng để chữa các bệnh ngoài da, bệnh vùng kín của chị em phụ nữ. Khi bị thương, vắt nước cốt trầu không rửa vết thương rồi dùng lá trầu không sạch phủ lên, băng lại. Vết thương sẽ khô, kín miệng sau 2 ngày.
- Với chị em bị viêm nhiễm vùng kín thể nhẹ, sử dụng nước sắc trầu không dùng rửa ngoài. Trầu không có hoạt tính ức chế các chủng vi khuẩn, các chủng nấm, các nguyên sinh động vật... nên có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào bộ phận nhạy cảm nhất của phụ nữ. Tuy nhiên, cũng như các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, hay các loại nước sắc đông y khác, chỉ nên sử dụng nước sắc trầu không rửa ngoài, không nên rửa sâu bên trong tránh nhiễm khuẩn và tổn thương. Nếu bạn gặp vấn đề nặng nề, cần khám xét kỹ. Bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt thăm khám, thụt rửa bằng thuốc chuyên dụng và đặt thuốc theo từng bệnh.
Ngoài ra còn có một số loại cây thuốc khác như hoàng liên, trà xanh,… cũng có tác dụng sát khuẩn, giúp nhanh lành vết thương. Qúy độc giả có thể tham khảo ý kiến của thầy thuốc khi sử dụng.