ÂM ĐỊA QUYẾT GIẢI ĐỘC, KHÁNG VIRUS
Âm địa quyết là một loài dương xỉ, vị thuốc này được dùng trong đông y để chữa các bệnh do nhiệt tà.
Âm địa quyết có tên khoa học là Botrychium ternatum (Thunb.) Sw. thuộc họ Âm địa (Botrychiaceae). Trong dân gian và trong các y văn còn có tên gọi khác như: Cỏ âm địa, Bối Xà Tinh, Độc Cước Cao, Đông Thảo, Độc Lập Kim Kê, Đơn Quế Di Tinh Thảo, Hoa Quyết , Nhất Đóa Vân, Phá Thiên Vân, Tán Huyết Diệp, Tiểu Xuân Hoa, Xà Bất Hiện, Điếu Trúc Lương Chi, Lương Chi Thảo…
1. Đặc điểm thực vật, phân bố, sinh thái
Âm địa thảo thuộc loại dương xỉ nhỏ sống nhiều năm, có thân rễ ngắn. Thân nhẵn, mọc đứng, cao từ 30 – 40cm. Lá có phần không sinh sản, dạng tam giác dài từ 5 – 17cm, rộng từ 8 -15cm, xẻ lông chim 3 – 4 lần; lá chét mọc đối, dài 4 – 6 cm, rộng 2 – 3 cm, gốc tròn, đầu nhọn, chia thành nhiều thùy nhỏ, cách nhau.
Túi bào tử xếp thành bông, các bông tụ lại thành chùy có cuống dài khoảng 10cm. đính vào giữa phần không sinh sản của cuống lá. Bào tử có hình hơi tròn, hơi có cạnh, không màu. Cây sinh sản bằng bào tử và bằng cách đẻ nhánh từ thân, sinh sản từ tháng 5 – 7.
Cây Âm địa quyết ưa ẩm, có thể chịu bóng, thường mọc bám vào đá hay trên đất thành đám nhỏ ở vùng rừng rậm, độ cao trên 1.300m.
Âm địa quyết phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi. Hiện nay, tại Việt Nam, đã biết chắc chắn có Âm địa quyết ở vùng núi Hoàng Liên Sơn thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai), huyện Phong Thổ và Than Uyên (Lai Châu), vùng núi Lang Biang thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).
2. Vị thuốc Âm địa quyết
Phần thân, rễ được dùng để làm thuốc, được thu hái vào mùa đông và mùa xuân.
Hoạt chất ternatin được chiết từ thân rễ âm địa quyết có khả năng ức chế tác dụng gây độc tế bào do các virus DNA và RNA và làm giảm nhiễm virus. Trong các virus thử, ternatin có hoạt tính chống virus DNA mạnh hơn, đặc biệt là adenovirus. Hiệu quả còn mạnh hơn đối với virus trần, không có vỏ, đặc biệt là virus bại liệt.
Đánh giá tác dụng điều hòa miễn dịch cho thấy BTp1 (một polysaccharide tan trong nước) của Âm địa quyết có thể tăng cường đáng kể khả năng tồn tại và thúc đẩy giải phóng NO trong các tế bào RAW 264.7.
Theo dong y, thân rễ cây âm địa quyết vị ngọt, đắng (cam, khổ), tính lạnh (hàn), không độc. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, bình can tán kết; dùng để trị các chứng đầu thống (đau nhức đầu), khái huyết (ho ra máu), thổ huyết (nôn ra máu), hoa mắt (huyễn vựng), sang độc (mụn nhọt), trị thương…
Các nước Trung Quốc, Ấn Độ dùng Âm địa quyết để trị bệnh dạ dày; chữa hen phế quản, viêm phế quản, sốt, viêm nhiễm, đại tiện ra huyết.
3. Một số bài thuốc có Âm địa quyết
- Trị sau khi nôn mửa ra máu, người có hư nhiệt: Âm địa quyết 12g, tử hà sa 12g, quán chúng 12g, cam thảo nướng 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Trị hư khái: Âm địa quyết 8-20g, chưng với thịt nạc cho nhừ. Ăn mỗi ngày.
- Trị nhiệt khái: Âm địa quyết 8-20g, Bạch la bặc 50g, Đường vừa đủ theo khẩu vị. Nấu ăn.
- Trị ho gà: Âm địa quyết (rửa sạch, để sống, xé ra) 20g, Thỏ nhĩ phong 20g. Sắc uống với mật ong.
- Trị khái huyết do Phế nhiệt: Âm địa quyết (tươi) 40g, Phượng vĩ thảo (tươi) 40g. Sắc uống với nước đường.
- Trị dương giản phong: Âm địa quyết 12-20g. Sắc uống trong ngày.
- Trị trẻ nhỏ bị kinh phong: Âm địa quyết 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
- Trị mắt có màng, mây (âm ế): Âm địa quyết 12g, chưng với gan gà. Ăn mỗi ngày đến khi khỏi.
Trên đây là những bài thuốc hiệu nghiệm có dùng vị thuốc Âm địa quyết được ghi chép trong những y văn cổ. Bệnh nhân khi có bệnh cần gặp thầy thuốc để chẩn đoán đúng thể bệnh, nguyên nhân mà điều trị cho đúng.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282.