CÂY BÚN THIÊU TƯỞNG CÂY CẢNH LẠI HÓA RA CÂY THUỐC
Từ lâu, nhiều nơi ở miền Nam Trung Quốc và Vùng Đông Nam Á, người ta đã chọn Bún làm cây cảnh. Đặc biệt trong cây Bún còn có dược tính để làm thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh.
1. Cây Bún thiêu làm cảnh, làm thuốc
Ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cây Bún thiêu (Crateva religiosa Forst.) thường được trồng ở các đền chùa, đình... nên Bún cũng được gọi tên là Temple Plant. Bún là một loài thuộc chi Crateva, họ Cáp, còn gọi là họ Bạch hoa hay họ Màn màn - Capparaceae.
Cây gỗ cao 4-7m, có thể tới 20m. Lá do 3 lá chét hình mũi mác hay hình thoi thon hẹp; phiến dài 8-12 cm, rộng 3-4 cm, chóp nhọn, mặt dưới tái, gân phụ 10-15 cặp; cuống phụ 3-6mm. Cụm hoa ở ngọn các nhánh, có cuống dài 4-8cm. Hoa có cuống dài 5-12mm; lá đài cao 3,5mm; cánh hoa màu trắng dài 1,5-3cm; nhị 15-25; cuống nhuỵ dài 3,5-6cm. Quả hình bầu dục to đến 5cm, ít khi tròn, màu trăng trắng, nhám, chứa 6-15 hạt to, màu đen.
Cây Bún là một loài cây ưa sáng, mọc nhanh, thích ẩm và chịu được ngập nước từng thời kỳ trong năm (cây bán ngập), cho gỗ nhẹ, xốp, dùng xẻ ván, làm đồ gia dụng. Có thể chọn đưa vào danh mục cây trồng rừng kinh tế ngắn hạn cho những vùng đất thấp, nhất là vùng lòng hồ thủy điện. Quả bún ăn được, ở Trung Quốc dùng quả khô để chữa bệnh. Ở Ấn Độ, quả cây bún được dùng làm thuốc lợi tiểu, làm dịu và chống viêm nhiễm...; vỏ dùng trong điều trị rối loạn chức năng hệ tiết niệu, nhiễm trùng đường tiểu, đau và nóng rát trong chứng tiểu rắt, sỏi thận và bàng quang... Một số tài liệu cây thuốc ở Việt Nam có công bố vài loài Bún tương cận, có tên khoa học là Crateva nurvala và Crateva unilocularis với những tác dụng tương tự loài trên.
Thành phần hoá học của cây bún: Vỏ chứa saponin và tanin. Vỏ rễ chứa lupeol, b - sitosterol và varunol. Vỏ nghiền bột cho một sản phẩm triterpen tương tự với lupeol. Lá chứa nước 84%, protid 6%, glucid 4,4%, xơ 4,1%, tro 1,5%, Ca 363mg%, P 16,8mg%, caroten 1,6mg% và vitamin C 109 mg%.
Tính vị, tác dụng của cây bún: Lá có vị hơi đắng. Vỏ cây làm dịu viêm, dễ tiêu hoá, nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt, gây chuyển hoá. Lá và vỏ rễ gây sung huyết da.
2. Một số bài thuốc từ cây bún thiêu
- Chữa thấp khớp: Lá tươi 15 – 30g, giã nát, ép lấy dịch, trộn với sữa dừa hoặc mỡ bơ, rồi uống. Có thể lấy lá tươi 20 – 30g, rửa sạch, nghiền nát, trộn với một ít giấm, nước vôi, làm nóng, đắp lên các khớp đau.
- Chữa viêm xoang mũi: Lấy lá tươi, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, cuốn như điếu thuốc lá, hút và thở ra bằng mũi.
- Chữa lao hạch hoặc tràng nhạc: Võ rễ bún thiêu (mỗi lần 6 – 9g) nấu thành cao, trộn với mật ong rồi uống. Ngày 2 lần.
- Chữa kém ăn, khó tiêu: Lấy hai cái nụ hoa, nghiền nát với muối rồi uống trước khi ăn để kích thích tiêu hóa. Khi bị khó tiêu đầy bụng cũng uống như vậy.
Hiện nay ở nước ta bạn có thể bắt gặp cây bún thiêu ở rất nhiều nơi đặc biệt là ở các đền đài, chùa, miếu, thánh thất… cây thuộc về tôn giáo, tin ngưỡng được rất nhiều người yêu thích.
Mai Thanh
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe hãy liên hệ ngay Đông y gia truyền Thọ Xuân Đường
Địa chỉ: Số 7 khu Thủy Sản, Ngõ 46 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline tư vấn: 093.763.82.82 hoặc 0943. 986. 986