CÂY ĐẦU HEO TRONG RỪNG XANH LÀM THUỐC CHỮA BỆNH
Cây đầu heo còn gọi là cây móng heo, trám mao; là loài cây cao to sống rải rác trong rừng rậm. Các bộ phận của cây được dùng làm thuốc chữa bệnh và có nhiều lợi ích khác trong cuộc sống như làm hương (nhang), gỗ xây dựng…
1. Đặc điểm thực vật, phân bố và sinh thái
Cây đầu heo (Danh pháp khoa học: Garuga pinnata Roxb.) thuộc họ Trám (Burseraceae). Cây còn được gọi với tên khác như: Móng heo, Trám mao.
Cây đầu heo có thân thẳng, đường kính thân to 75 - 80 cm và cao tới 20 - 30m. Cành mập, khi non có lông ngắn, già thì nhẵn, vỏ thân cành có màu tro hoặc hơi nâu đỏ. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9 - 10 đôi lá chét, hình mũi mác hoặc thoi dài, gốc tròn, đầu mũi nhọn ngắn, mép có răng cưa hoàn toàn hoặc chỉ gần đầu lá, lúc non có lông ngắn, sau nhẵn.
Cụm hoa thành chùy dài trên 15cm có lông hoa màu vàng hoặc hồng, có mùi thơm; đài hợp có răng phủ lông nhung, tràng có cánh hơi dài hơn đài; nhị 10, chỉ nhị hơi phình ở gốc bao phấn ngắn; bầu nhãn hoặc có ít lông .
Quả hạch hình cầu nhãn, màu vàng lục. ăn được, có vị hơi chua; 1 hạt. Mùa quả từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Cây đầu heo phân bố khá rộng rãi ở miền Nam Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Ấn Độ... Ở nước ta, cây đầu heo được tìm thấy ở các khu rừng từ bắc vào nam như các tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai.
Cây đầu heo mọc trong rừng xanh, ở độ cao gần 1000m. Là loài cây gỗ mọc nhanh, cùng với một số loài cây gỗ khác tạo thành tầng tán của rừng. Cây có hệ thống rễ cọc và rễ bạnh phát triển, có sức mạnh vững vàng, chống lại được giông bão. Hàng năm, vào mùa đông, cây đầu heo rụng lá, đến đầu mùa xuân cây lại ra hoa trước khi ra lá, nên dễ dàng nhận biết từ xa. Cây có rất nhiều quả, tái sinh tự nhiên từ hạt, cây con ưa bóng, sau lớn lên trở thành nên ưa sáng.
2. Cây đầu heo làm thuốc chữa bệnh
Cây đầu heo có nhiều công dụng trong y học và đời sống. Bên cạnh việc sử dụng làm thuốc chữa bệnh, gỗ còn được dùng trong xây dựng, quả ăn được, nhựa có thể dùng làm hương (nhang) thơm…
Trong dân gian dùng nhiều bộ phận của cây đầu heo làm thuốc như: Lá, hoa, quả, vỏ thân, nhựa. Hoa có mùi thơm của hạnh nhân đắng. Thịt quả có vị chua, giúp tiêu hoá. Vỏ thân có vị chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bài nùng, sinh cơ. Ở Trung Quốc, vỏ cây được dùng trị bỏng lửa mụn nhọt, lở loét. Lá sắc uống để chữa bệnh suy nhược. Nhựa mủ hoặc nước ép lá cây trộn với mật ong uống trị hen suyễn. Nước ép từ thân cây có thể nhỏ mắt trị mắt mờ đục do viêm màng tiếp hợp.
Nghiên cứu Annie Shirwaikar và cộng sự (Ấn Độ, 2006) đã được thực hiện để đánh giá hoạt tính hạ đường huyết của dịch chiết vỏ cây đầu heo (Garuga pinnata Roxb.). Trên mô hình chuột thực nghiệm đái tháo đường type II bằng Streptozotocin-nicotinamide, được điều trị bằng chiết xuất vỏ cây đầu heo cho thấy sự gia tăng đáng kể nồng độ glycogen ở gan và insulin huyết thanh; giảm đáng kể nồng độ glucose và HbA1c trong máu; lượng cholesterol và triglycerides trong huyết thanh cũng giảm đáng kể; nồng độ HDL-cho tăng lên. Do đó chứng minh tính chất chống đái tháo đường mạnh của dược liệu này. Nhóm nghiên cứu này còn tiếp tục đánh giá khả năng chống oxy hóa, chống biến chứng bệnh đái tháo đường từ vỏ cây đầu heo vào năm 2008.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe và quy trình khám chữa bệnh, quý vị vui lòng liên hệ Nhà thuốc đông y Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282