CÙNG LÀ NGHỆ NHƯNG MỖI CÂY MỘT TÁC DỤNG
Nghệ là một cây thuốc nam quen thuộc với nhiều công dụng. Từ xa xưa người dân đã biết cách lấy củ nghệ để chữa bệnh, nấu ăn và làm đẹp vô cùng hiệu quả. Nhưng cùng là cây nghệ cũng có nhiều loại khác nhau như nghệ đen, nghệ vàng, nghệ trắng… Vậy tác dụng của những cây nghệ này như thế nào?
1. Cây nghệ vàng
Đây chính là cây nghệ phổ biến và được trồng rộng rãi nhất, mọi người cũng thường sử dụng nghệ vàng trong chữa bệnh nhất.
Tên khoa học: Curcuma longa L., thuộc họ Gừng Zingiberen
Bộ phận dùng: Phần thân rễ chính(củ to) cho vị thuốc Khương hoàng, phần rễ nhỏ cho vị thuốc Uất kim
- Khương hoàng: vị cay đắng tính ấm quy kinh Can Tỳ
Có tác dụng hành khí hoạt huyết, chỉ thống sinh cơ. Trên lâm sàng được sử dụng trong các trường hợp rối loạn kinh nguyệt, chữa chứng hậu sản sau sinh, tiêu mủ kích lên da non, làm mờ sẹo, trị mụn trứng cá. Khương hoàng còn được sử dụng để điều trị đau dạ dày, giải độc gan, hạ cholesterol máu.
Cách dùng khương hoàng cũng rất đa dạng, có thể sắc uống, chế biến món ăn, dùng bôi ngoài đều hiệu quả.
- Uất kim: vị cay đắng tính Hàn, Quy kinh Can, Tâm, Phế
Có tác dụng hành khí phá huyết, thanh tâm giải uất, lợi mật. Uất kim được sử dụng điều trị các chứng bế kinh, thống kinh, đau tức ngực sườn, trưng hà tích tụ, hôn mê do bệnh nhiệt, phát cuồng, điên giản, hoàng đản, nước tiểu đỏ.
Cách dùng: sắc uống
2. Cây nghệ đen
Nghệ đen còn được người dân gọi là nghệ tím, nghệ xanh. Cây nghệ đen cũng được trồng nhiều ở các vườn thuốc, vườn nhà người dân, và được trồng khá nhiều ở các vùng núi phía Bắc
Tên khoa học: Curcuma zedoaria.
Bộ phận dùng: thân rễ (củ) cây nghệ đen. Thành phần hóa học chứa tinh dầu, cineol, xingiberen
Theo đông y tên thuốc của nghệ đen là Nga truật, có vị cay đắng tính ấm. Tác dụng phá tích tán kết, hành khí chỉ thống, thông kinh lạc. Ứng dụng lâm sàng dùng trong điều trị các chứng đau bụng lạnh từng cơn, tích trệ, bế kinh, thống kinh, kinh vón cục
Cách dùng: Sắc uống
Ngoài ra nghệ đen cũng được chị em sử dụng trong làm đẹp, thường trộn với sữa chua hoặc sữa tươi để đắp mặt.
3. Cây nghệ trắng
Nghệ trắng được người dân gọi là ngải trắng, ngải sải. Loại này ít phổ biến và ít được trồng hơn, cây cũng mọc hoang ở nhiều vùng đồi núi
Tên khoa học: Curcuma aromatic
Bộ phận dùng: thân rễ cây nghệ trắng
Nghệ trắng có vị cay đắng, tính lương. Tác dụng hành khí giải uất, lương huyết lợi mật. Ứng dụng lâm sàng điều trị các chứng thống kinh, bổ máu sau sinh, chữa thấp khớp bong gâm, viêm gan, tiểu ra máu…
Cách dùng sắc uống
Như vậy cùng là cây nghệ nhưng tác dụng cũng không hoàn toàn giống nhau. Trong các cây thì nghệ vàng được dùng phổ biến nhất và cũng có nhiều tác dụng chữa bệnh nhất. Đây là những cây thuốc nam quý nhưng người dân không nên tự ý sử dụng khi bị bệnh mà nên đi khám để được chẩn đoán bệnh, sau đó tư vân về cách dùng các thảo dược thuốc nam này một cách hiệu quả nhất.