TÁC DỤNG CHỮA BỆNH XƯƠNG KHỚP CỦA CHÂN DANH TÀU
Chân danh tàu là vị thuốc được sử dụng để chữa các bệnh về xương khớp rất hiệu quả nhưng chưa rộng rãi. Cây thuốc này còn được gọi là đỗ trọng nam. Cùng Thọ Xuân Đường tìm hiểu về loài cây này nhé!
1. Mô tả
- Tên gọi: Chân danh tàu, Chân danh hoa thưa, Chân danh Trung Quốc, Đỗ Trọng Nam, Đỗ trọng tía.
- Tên Khoa học: Enonymus chinensis Lindl. Thuộc họ: Dây Gối (Celastraceae).
- Đặc điểm: Cây nhỡ đến cây to, cao 8-10m. Thân hình trụ, nhẵn, vỏ màu xám nâu, lúc non có cạnh. Lá mọc đối hình bầu dục, dài 6 - 9 cm, rộng 2,5 - 3 cm, gốc thuôn hoặc hơi tù, đầu có mũi nhọn dài, mép nguyên, gân mảnh; cuống ngắn 5 - 7 mm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành sim phân đội; hoa màu trắng, cánh hoa 4; nhị 4. Quả nang, có 4 cạnh, đầu gần bằng. Mùa hoa quả: tháng 6 - 8.
2. Phân bố, sinh thái
- Enonymus Tourn. Ex L. là một chi có số loài lớn nhất trong họ Celastraceae; ở Việt Nam hiện đã biết tới 17 loài và thứ (var.), riêng về tên khoa học chính thức của loài chân danh tàu (E.chinensis Lindl.) theo Nguyễn Tiến Bân (2003) cần phải kiểm tra thêm. Trên thế giới, loài này ghi nhận được ở Trung Quốc và Lào. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở vào: Quảng Bình (Tuyên Hoá), Thừa Thiên Huế ( Bạch Mã ), Đà Nẵng (Bà Nà ), Khánh Hoà (Ninh Hoà ), Ninh Thuận Cà Ná ), và Đắk Lắk (Đắk Min). Có tài liệu ghi phân bố ở Ninh Bình, nhưng không nói cụ thể ở đâu.
- Chân danh tàu là loại cây bụi hoặc gỗ nhỏ, trung sinh. Cây ưa sáng, nên thường thấy trong các kiểu rừng thứ sinh, đồi cây bụi hay ở ven rừng kín thường xanh. Độ cao phân bố có thể lên tới gần 1400m (Bà Nà - Đà Nẵng). Những cây trưởng thành nếu không bị chặt phá thấy ra hoa quả hàng năm. Tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt và cây chồi sau khi bị chặt. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, cây thuốc này đã từng bị khai thác tỉnh Bình - Trị - Thiên cũ), nhưng với khối lượng không đáng kể.
3. Bộ phận dùng
- Vỏ cây, vỏ rễ, lá.
4. Thành phần hoá học
- Loài chân danh tàu chưa được nghiên cứu về thành phần hoá học Andrew Chevalier và Bratnagar S. S giới thiệu loài Wahou (Enonymus atropurpureus) mà An Độ nhập từ các bang miền trung nước Mỹ để làm thuốc lợi mật và chữa bệnh gan. Vỏ của loài này chứa các glycosid trợ tim tương tự như digitoxin nên rất độc. Ngoài ra còn tìm thấy các chất như dulcitol, acid furan - B carboxylic (C21H30O4), eunosteryl (C31H59O2), homoeuonosteryl (C40H70O2), atropurol (C27H46O2), citrullol (C22H23O4 ), asparagin atropurpuric, acid evodic, phytosterol, tinh bột đầu béo, tanin và một lượng nhỏ glycosid và alcaloid [Andrew Chevallier, 2006, Dược thảo toàn thư, tr. 288; Bratnagar S.S et al., 1952, The wealth of India, vol.3, p.222] .
5. Tính vị , công năng
- Vỏ rễ và thân cây chân danh tàu vị hơi cay, chát, tính bình, có công năng thư cân hoạt lạc, cường tráng gân cốt [TDTH, 1993, I: 907]. Vỏ và là khi bẻ ra đều có tơ dính như đỗ trọng.
6. Công dụng
- Vỏ thân và vỏ rễ chân danh thu được dùng chữa phong thấp, đau nhức xương, đau vùng thắt lưng, mỏi gối, đòn ngã tổn thương, vết thương chém chặt. Còn được dùng chữa viêm thận, thận hư liệt dương, tê phù, cao huyết áp, trẻ em tê liệt. Ngày 4 - 12g sắc nước uống. Để điều trị gãy xương kín, đòn ngã tổn thương, vết chém chặt, lấy lá và vỏ tươi, giã nát, đắp hoặc bó chặt lại. Có thể dùng lá và vỏ khô, nghiền thành bột, chiều với nước làm thành bánh rồi đắp bỏ lại.
- Ở Trung Quốc, sách “Quảng Tây dược dụng thực vật danh lục” ghi: vỏ thân hoặc rễ được dùng chữa đòn ngã tổn thương, phong thấp bì thông còn sách “Toàn quốc trung thảo dược hội biên” ghi: vỏ thân, vỏ rễ được dùng chữa phong thấp đau thắt lưng, đòn ngã tổn thương, cao huyết áp. Ngày 15 - 30g sắc kỹ uống.
Bài viết mang tính chất cung cấp thông tin tham khảo. Qúy độc gải vui lòng hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.