TÁC DỤNG CỦA ĐƯƠNG QUY - VỊ THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN
Đương quy đã được sử dụng hàng nghìn năm trong y học cổ truyền phương Đông. Nhờ các đặc tính y học mạnh mẽ, đương quy này tự hào có một danh sách dài các lợi ích sức khỏe, từ cải thiện sức khỏe của xương đến giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Các nghiên cứu cho thấy rằng đương quy cũng có thể làm giảm trầm cảm, giảm lượng đường trong máu, giảm viêm và tăng cường sức khỏe của trái tim.
Đương quy (Angelica sinensis) thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), phát triển mạnh ở miền núi của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thật thú vị, tên của loại thảo dược này thậm chí còn gợi ý về tác dụng có lợi của nó đối với sức khỏe phụ nữ. Trong tiếng Hán, đương quy (當歸) có nghĩa là “đáng quay về”, theo câu chuyện cảm động của đôi vợ chồng Dũng Hồng.
Đương quy cũng đã được sử dụng trong y học truyền thống của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ sử dụng một loại thuốc chữa các bệnh như thiếu máu, bệnh tim và tiểu đường. Loại cây này đã là một thành phần chính trong y học phương Đông trong nhiều thế kỷ và được sử dụng trong nhiều phương thuốc chữa bệnh. Ngày nay, đương quy thường được sử dụng để giúp cân bằng nội tiết tố và giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Nhiều đặc tính tăng cường sức khỏe của đương quy đến từ sự hiện diện của coumarin, một hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực vật. Đương quy cũng chứa các hợp chất thực vật có lợi khác như axit ferulic và phytosterol. Dưới đây là những tác dụng của đương quy theo nghiên cứu hiện đại.
Giúp xương chắc khỏe
Loãng xương là một tình trạng đặc trưng bởi xương yếu, giòn và tăng nguy cơ gãy xương. Mặc dù tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng phụ nữ lớn tuổi là những người dễ mắc bệnh nhất. Điều này là do thời kỳ mãn kinh gây ra sự suy giảm mức độ estrogen, một loại hormone quan trọng để điều chỉnh cả quá trình hình thành xương và sự phân hủy của các tế bào xương. Ngoài việc điều trị một số triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa, đương quy cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa loãng xương do mãn kinh.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng đương quy có thể giúp ngăn ngừa loãng xương bằng cách tăng sự hình thành tế bào xương, xây dựng và củng cố xương.
Một nghiên cứu in vivo từ Hàn Quốc cho thấy việc điều trị bằng chiết xuất đương quy giúp bảo tồn mật độ khoáng chất của xương.
Có thể làm giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, khó tập trung, tăng cảm giác khát và giảm cân.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đương quy có tác dụng giảm lượng đường trong máu và có thể giúp ổn định lượng đường trong máu bình thường để ngăn ngừa các tác dụng phụ bất lợi.
Một nghiên cứu trên tạp chí Food & Function cho thấy rằng cho chuột uống đương quy trong 4 tuần giảm lượng đường trong máu và tình trạng kháng insulin.
Một nghiên cứu khác năm 2016 cũng xác nhận những lợi ích này đối với bệnh tiểu đường, cho thấy rằng việc sử dụng chiết xuất đương quy cho những con chuột có chế độ ăn nhiều chất béo đã giúp giảm lượng đường trong máu.
Thúc đẩy sức khỏe tim mạch
Bệnh mạch vành là loại bệnh tim mạch phổ biến nhất và thường là do sự tích tụ cholesterol trong động mạch, khiến chúng trở nên hẹp và cứng lại.
Giảm mức cholesterol là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và hỗ trợ sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Một nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng điều trị chuột bằng đương quy trong 4 tuần làm giảm mức cholesterol toàn phần cũng như chất béo trung tính (triglycerid).
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc kết hợp đương quy với hoàng kỳ cầm làm giảm triglycerid, cholesterol toàn phần và mức LDL - cho ở chuột.
Các nghiên cứu khác thậm chí còn chỉ ra rằng đương quy có thể có lợi cho những người bị tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
Giảm viêm
Trong thời gian bị thương hoặc nhiễm trùng, cơ thể thường bắt đầu phản ứng miễn dịch để giúp chống lại các sinh vật lạ. Viêm là một phần của phản ứng miễn dịch bình thường này. Tuy nhiên, viêm mãn tính là gốc rễ của hầu hết các bệnh, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đương quy có đặc tính mạnh mẽ có thể giúp giảm viêm và có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm được công bố trên tạp chí Inflammation cho thấy chiết xuất đương quy làm giảm mức độ của một số dấu hiệu viêm khác nhau một cách hiệu quả.
Một nghiên cứu khác đã xem xét tác dụng của chiết xuất đương quy trên chuột và thấy rằng đương quy làm giảm đáng kể tình trạng viêm do tổn thương tủy sống.
Bên cạnh đương quy, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các loại thực phẩm chống oxy hóa cao như trái cây và rau quả cũng có thể giúp giảm viêm và phòng chống bệnh.
Giảm nhẹ các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh
Mãn kinh là thời kỳ suy giảm tự nhiên của lượng hormone do buồng trứng sản xuất ra khi phụ nữ già đi, thường bắt đầu ở độ tuổi trung niên.
Các tác dụng phụ của thời kỳ mãn kinh có thể bao gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, rụng tóc, thay đổi tâm trạng và tăng nguy cơ loãng xương.
Để giảm triệu chứng, nhiều phụ nữ chuyển sang liệu pháp thay thế hormone. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể đi kèm với những tác dụng phụ và rủi ro riêng.
Đương quy có một lịch sử lâu đời như một sự thay thế tự nhiên để giúp giảm bớt các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Theo một nghiên cứu của Ý, đương quy có tác dụng kích thích tố nữ và có thể giúp điều chỉnh lượng hormone và làm giảm các triệu chứng mãn kinh mà không cần sử dụng các hóa chất tổng hợp.
Một nghiên cứu khác cho thấy hỗn hợp đương quy và cúc La Mã có thể làm giảm tần suất và cường độ của các cơn bốc hỏa lên đến 96%.
Có thể giúp điều trị chứng trầm cảm
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đương quy có thể có tác dụng chống trầm cảm và có thể có tác động tích cực đến tâm trạng.
Một nghiên cứu trên động vật năm 2016 đã gây ra chứng trầm cảm ở chuột bằng cách cho chúng tiếp xúc với căng thẳng nhẹ. Đáp lại, những con chuột có biểu hiện giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường hoạt động thể chất. Điều thú vị là, điều trị chúng bằng chiết xuất đương quy đã thay đổi hoạt động của một loại protein trong não có liên quan đến chứng trầm cảm và bình thường hóa những hành vi trầm cảm này.
Một nghiên cứu trên động vật khác cũng có những phát hiện tương tự, chứng minh rằng một chế phẩm thảo dược có chứa đương quy có đặc tính chống trầm cảm rõ ràng.
Khi được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống và các biện pháp tự nhiên, đương quy có thể hữu ích để giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Cách sử dụng đương quy
Rễ đương quy thường được thu hoạch và phơi khô để sau đó có thể cắt lát hoặc nghiền thành bột. Trong y học cổ truyền, đương quy được dùng trong các bài thuốc sắc, thuốc hoàn tễ, thuốc tán và giao lễ.
Củ đương quy có thể được hầm, hấp với thịt, gà, chim trong các món ăn bài thuốc bổ dưỡng.
Liều dùng đương quy từ 4 – 16g dược liệu khô mỗi ngày.
Đương quy có tác dụng không mong muốn gì?
Đương quy chứa coumarin, một trong những thành phần hoạt chất chính trong các loại thuốc làm loãng máu như Warfarin. Nếu bệnh nhân đang dùng Warfarin hoặc một loại thuốc làm loãng máu khác, dùng đương quy có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cẩn thận khi kết hợp đương quy với các chất làm loãng máu tự nhiên khác, chẳng hạn như gừng, bạch quả hoặc tỏi. Dùng đương quy cùng với các hợp chất này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc bầm tím (xuất huyết dưới da).
Đối với những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai, không nên dùng đương quy quá nhiều và có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai. Những người đang cho con bú, uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng liệu pháp thay thế hormone cũng không nên dùng.
Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với đương quy. Nếu bị mẫn cảm với các loại cây khác trong cùng họ Hoa tán như cần tây, thì là hoặc rau mùi thì không nên sử dụng đương quy.
Tác dụng không mong muốn của đương quy rất hiếm gặp, nhưng có thể bao gồm các triệu chứng khó thở, đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa hoặc suy nhược. Nếu gặp những biểu hiện này hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác, bệnh nhân nên ngừng sử dụng ngay lập tức và tới cơ sở y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời.
BS. Nguyễn Thùy Ngân