CÁT CÁNH - VỊ THUỐC TỰ NHIÊN ĐIỀU TRỊ HO HIỆU QUẢ
Cát Cánh hay Kết cánh có tên khoa học là Platycodon grandiflorum A.DC, thuộc họ Hoa chuông Campanulaceae. Tên Platycodon do chữ platys là rông, Codon là chuông. Grandiflorum do chữ grandi là to, florum là hoa vì cây Cát cánh có hoa to hình cái chuông rộng. Tác dụng của vị thuốc này trong việc điều trị các bệnh lý đường hô hấp đã được chứng minh cả trong Đông và Tây y. Vậy hiệu quả điều trị của Cát cánh đến đâu, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID kéo dài và thời điểm chuẩn bị giao mùa xuân hè nhiều người có triệu chứng cảm cúm: ngạt mũi, ho đờm… ? Hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu qua bài viết sau.
Đặc điểm thực vật cây Cát Cánh
Cát cánh là một loại cỏ nhỏ, thân thảo mọc lâu năm. Thân cây cao chừng 60-90cm. Lá gần như không có cuống; lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3-4 lá, lá phía trên nhỏ hơn, có khi mọc so le, dài từ 3-6 cm, rộng 1-2,5 cm. Phiến lá hình trứng, mép hình rang cưa to. Hoa mọc đơn độc hoặc thành bông thưa. Đài màu xanh, hình chuông rộng, mép có 5 răng; tràng hoa hình chuông rộng, máu lam tím hoặc trắng, đường kính 3-5 cm. Quả hình trứng ngược. Mùa hoa tháng 5-8, mùa quả chín từ tháng 7-9.
Thu hái và chế biến
Thu hái: Thường hái rễ ở những cây đã sống 4-5 năm. Hái vào mùa thu, đông hoặc mùa xuân, mùa thu-đông tốt hơn. Vào mùa đông khi cây tàn lụi hay sau khi thu quả để làm giống thì chọn ngày nắng ráo, dùng cuốc đào lấy rễ củ.
Chế biến: sau khi đã cắt bỏ thân lá, rễ con, rửa sạch đất cát, ngâm vào nước rồi lấy ra dùng dao tre nứa cạo bỏ lớp vỏ ngoài, tẩm nước gạo một đêm xong mang phơi hay sấy khô. Có thể dùng sống hoặc tẩm mật sao tùy theo bẩm tố người dùng.
Tác dụng dược lý
Trong rễ Cát cánh có chứa 2% kikysaponin là một chất saponin vô định hình, chất này khi thêm vào axit và đun sôi sẽ cho kikysapogenin và một phân tử galatoza. Sự nghiên cứu mới đây chứng minh trong lá, hoa, và thân, cành Cát cánh đều có chứa saponin. Saponin này có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ, kikysapogenin có tác dụng phá huyết, long đờm và tiêu đờm. Theo Trung Hoa y học tạp chí (1952) uống Cát cánh thấy tác dụng tiêu đờm rõ rệt trên lâm sàng. Tác dụng trừ đờm của Cát cánh chủ yếu do chất saponin: Khi uống saponin gây kích thích niêm mạc cổ họng và dạ dày đưa đến phản xạ tăng phân tiết ở đường hô hấp làm cho đờm loãng ra và dễ tống ra ngoài.
Ảnh hưởng nội tiết: Chinese Hebra Medicine cho biết, sử dụng nước sắc cát cánh cho thỏ uống, có tác dụng làm giảm đường huyết. Đặc biệt, trong những trường hợp bị bệnh tiểu đường nhân tạo, thuốc có tác dụng điều trị rõ ràng.
Công dụng chuyển hóa Lipid: Một vài thí nghiệm trên chuột cho thấy, nước sắc cát cánh có tác dụng trong việc chuyển hóa và làm giảm cholesterol ở gan.
Tác dụng chống nấm: Theo các nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Chinese Hebra Medicine, nước thuốc cát cánh có công dụng ức chế nhiều loại nấm da thông thường.
Công dụng đối với huyết học: Saponin của Cát cánh có tác dụng phá huyết mạnh, pha loãng 1/10.000 vẫn còn tác dụng phá huyết, tác dụng này gấp 2 lần saponin của Viễn chí. Tuy nhiên, khi dùng dưới dạng đường uống, thuốc thường bị dịch vị thủy phân nên mất khả năng tán huyết. Vì vậy, không được dùng thuốc để chích.
Cát cánh là thuốc điều trị “bệnh lý vùng hầu họng”
Về vị thời cay đắng và ngọt, về khí và tính thời bình, không có độc, đi vào kinh Thủ thái âm, Thủ thiếu âm và Túc dương minh, bốc trở lên, là dương ở trong âm. Chủ chứng trúng phải ác khí, chứng trúng độc của sâu trùng, chứng suyễn vì phong nhiệt, chứng cách ở ngực, giúp thông lợi cho tạng phế, trừ khí ủng tắc ở thượng tiêu, nhẹ đầu mắt, tản phong hàn ở cơ thể và ngoài biểu, và chứng cạnh sườn đau nhói lên. Dùng chữa ngoại cảm sinh ho, cổ họng sưng đau, trong mũi ngạt tắc, lại trừ nóng ở tạng phế mà ngừng ho hạ đàm, chứng phế ung thì đẩy được mủ ra, lại nhẹ tức giận, an tinh thần, đem mọi thứ thuốc trở đi lên.
Xét vị Cát cánh đã đem mọi thứ thuốc đi lên mà lại đem khí đi xuống, là vì vị này vào được tạng phế là hành kim, tạng phế thi hành được chức vụ thì đưa được trọc khí đi trở xuống. Cổ nhân trong các phương thuốc muốn để tuyên dương khí huyết và chứng đàm hỏa, chứng lỵ, chứng uất mà có dùng vị này là ý nghĩa như vậy. Vì thế bệnh không bởi tạng phế thì dùng cũng vô ích.
Cát cánh nổi bật lên với tác dụng điều trị các bệnh lý hô hấp, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc vận dụng kết hợp giữa Tây y và y học dân tộc đang là xu hướng ở Việt Nam cũng như thế giới, Cát cánh càng phát huy lợi thế của mình. Đối với bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa với các triệu chứng phổ biến nhất như: ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho đờm… Việc sử dụng các bài thuốc cùng Cát cánh sẽ có tác dụng hỗ trợ tuyên phế chí khái, trừ đàm, thư thái hầu họng rất tốt.
Lưu ý khi sử dụng:
Sợ vị Bạch cập, Long nhãn, và Long đởm.
Bệnh nhân bẩm tố âm hư không dùng được.
Các bài thuốc sử dụng Cát cánh
Cát cánh cam thảo thang chữa ho tiêu đờm:
Cát cánh 4g, cam thảo 8g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày: Chữa ho, tiêu đờm (đơn thuốc của Ngài Trương Trọng Cảnh).
Chữa cam rang, miệng hôi:
Cát cánh, hồi hương tán nhỏ trộn đều bôi vào nơi cam rang đã rửa sạch.
Đơn khác có Cát cánh:
Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200g, cam thảo 60g, trần bì 100d. Các vị tán nhỏ trộn đều, ngày uống 3-9g bột này, chia làm 3 lần uống vào sau 2 bữa ăn và trước khi đi ngủ, mỗi lần 1-3g. Có thể chế thành cao lỏng.
BS Tú Uyên
Để được tư vấn chi tiết vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282