LONG ĐỞM THẢO CHỮA BỆNH HAY – THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT
Long đởm thảo đại khổ đại hàn (cực đắng, cực lạnh) giúp tả can đởm hỏa, thanh nhiệt trừ thấp hạ tiêu. Đây là vị thuốc thường dùng trong dong y, chữa các bệnh về tiêu hóa, viêm nhiễm.
1. Cây thuốc và vị thuốc Long đởm thảo
• Cây thuốc
Long đởm thảo có một số tên gọi khác như: Lăng đảm thảo, Lăng Du, Thảo Long Đởm, Sơn Lương Đởm, Đởm Thảo, Khổ Đởm, Quan Âm Thảo, Tà Chi Đại Phu, Tà Chi Đại Sĩ, Trì Long Đởm… Danh pháp khoa học là Gentiana scabra Bunge. Thuôc họ Long Đởm (Gentianaceae).
Long đởm thảo là loại cây cỏ sống lâu năm, cao khoảng 40-60cm. Thân rễ ngắn, rễ nhiều mọc từng chùm, dài khoảng 20-25cm, đường kính rễ 1-3mm, vỏ ngoài màu vàng nhạt. Thân mọc đứng, đơn độc hoặc 2-3 cành, có nhiều đốt, đốt thường ngắn so với chiều dài của lá. Lá mọc đối, không cuống, lá phía dưới thân gốc nhỏ, phía trên to hơn, dài từ 3-8cm, rộng từ 0,4-4cm. Hoa mọc thành chùm tập trung ở kẽ lá đầu cành, không cuống, hình chuông màu lam nhạt hoặc sẫm; đài và tràng có hình trụ, có 4 – 5 thùy, nhị 4 – 5 dính ở giữa hoặc gốc ống tràng mà không thò ra ngoài; bầu 1 ô. Quả nang, hạt nhiều.
• Vị thuốc
Vị thuốc long đởm thảo (Radix Gentianae) là phần thân rễ của cây thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12 (tốt nhất là cuối tháng 8). Rễ long đởm thảo thành chùm, có nhiều rễ tua nhỏ bằng chiếc tăm, mềm, sắc nâu vàng đậm, không mùi, vị cực đắng là tốt. Sau khi thu hoạch rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, có thể tẩm nước cam thảo hoặc rượu, tùy mục đích sử dụng.
2. Tác dụng của long đởm thảo
Long đởm thảo có chứa gentianine, gentiopicrin, gentianose…
Khoa học chứng minh Long đởm thảo có các tác dụng dược lý sau:
- Làm tăng tiết dịch vị và tăng thành phần HCl tự do trong dịch vị
- Uống Long đởm thảo trước ăn 30 phút sẽ làm tăng tiết dịch tiêu hóa. Tuy nhiên dùng lâu và nhiều sẽ dẫn đến tiêu hóa kém.
- Kháng nhiều chủng vi khuẩn thông thường, ức chế ký sinh trùng sốt rét.
Long đởm thảo được ứng dụng điều trị các bệnh như: Viêm gan, viêm túi mật, sốt cao, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm kết mạc, chắp lẹo mắt, viêm não, sốt rét, viêm sinh dục, sốt cao co giật, nóng trong xương, mụn nhọt, viêm đại tràng do amip…
Theo đông y, Long đởm thảo có vị rất đắng, tính rất lạnh (đại khổ đại hàn). Quy các kinh: Can, Đởm, Bàng quang; trầm âm đi xuống. Có tác dụng tả can đởm hỏa, thanh thấp nhiệt hạ tiêu, nếu tẩm rượu có thể đi lên thượng tiêu và ra ngoài biểu.
3. Một số bài thuốc có Long đởm thảo
Tùy vào bệnh cụ thể mà Long đởm thảo có thể dùng cùng với các vị thuốc khác nhau.
- Trị trẻ nhỏ sốt cao co giật: Long đởm thảo, Bạch thược, Cam thảo, Phục thần, Mạch môn, Mộc thông. Liều tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của trẻ. Sắc uống ngày 1 thang, dùng 3 – 5 thang.
- Trị bệnh dạ dày, ăn uống khó tiêu, bụng đầy: Long đởm thảo 0,5g, Hoàng bá 0,5g, Sinh khương 0,3g, Quế chi 0,3g, Tiểu Hồi hương 0,3g, Kê nội kim 0,5g, Sơn tra (sao cháy) 1g. Liều 1 ngày như trên, bội lượng theo tỉ lệ, tán bột, trộn đều, chia làm 3 lần uống trong ngày (mỗi ngày dùng 3 – 4g).
- “Long đởm tả can thang” trị Can Đởm có thực hỏa, có thấp nhiệt: Long đởm thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 12g, Trạch tả 12g, Mộc hương 12g, Xa tiền tử 12g, Đương quy 12g, Sài hồ 8g, Cam thảo 4g, Sinh địa 16g. Sắc các vị, trộn cùng bột Mộc hương. Sắc uống.
- Trị sốt cao co giật: Long đởm thảo 12g, Phòng phong 12g, Thanh đại 12g, Câu đằng 8g, Hoàng liên 20g, Ngưu bàng tử 4g, Băng phiến 4g, Xạ hương 4g. Tán bột, làm hoàn to bằng hạt lúa. Mỗi lần uống 5-10 viên với nước sắc Kim ngân hoa.
- Trị gan viêm cấp thể vàng da: Long đởm thảo 16g, Nhân trần 8g, Uất kim 8g, Hoàng bá 8g. Sắc uống.
Trên đây chỉ là một số bài thuốc có vị Long đởm thảo, việc gia giảm, phối vị, đo liều, đếm thang cần được sự chẩn đoán, theo dõi của thầy thuốc mà quyết định ra đơn cho đúng. Nếu dùng Long đởm thảo quá nhiều và quá lâu sẽ gây tổn thương vị, người tỳ vị hư hàn kiêng dùng.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ Nhà thuốc Thọ Xuân Đường
Số điện thoại: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282
Page: https://www.facebook.com/dongytxd