CÂY TRE LÀNG QUÊ VIỆT - CÂY THUỐC QUÝ CHỮA BỆNH
Cây tre thuộc họ Lúa, cây mọc hoang, được trồng khắp nơi ở nước ta, mang lại hình ảnh thân thuộc, gợi nhớ về làng quê Việt. Cây tre cũng đại diện cho tinh thần Việt, kiên cường bất khuất. Từ lâu, tre không chỉ có nhiều công dụng trong việc làm nhà cửa, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt mà còn có tác dụng chữa bệnh tuyệt vời.
1. Mô tả đặc điểm của cây tre
Tên khoa học: Bambusa bambos (L.) Voss. Thuộc Họ: Lúa Poaceae
Mô tả: Cây thẳng, nhẵn đường kính 10-15cm, thân rỗng, phân đốt, cao 5-10m. Cây sinh sản bằng các mầm ở gốc, phát triển thành bụi. Cành lá mọc từ mắt của đốt. Lá hình mũi mác, chóp lá nhọn.
Bộ phận dùng: Cắt Tre làm nhiều khúc, cạo bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, lấy lớp vỏ trắng bên trong (Trúc nhự), Lá (Trúc diệp), Tre non tươi nướng lên, ép lấy nước (Trúc lịch).
Thành phần hóa học chính: Carbohydrat.
Tính vị, Công dụng: Lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, thanh âm, tiêu đờm. Tinh Tre có vị ngọt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phiền, khỏi nôn, an thai. Nước tre non có vị đắng, hơi ngọt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu khát, trừ đờm. Lá tre dùng làm thuốc ra mồ hôi, sát trùng, chữa viêm thận phù thũng cảm sốt. Tinh Tre dùng chữa sốt, buồn nôn mửa, chảy máu cam, băng huyết, đái ra máu, động thai. Nước Tre non dùng chữa cảm sốt, mê man, trúng phong cấm khẩu.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g dạng thuốc sắc, thường dùng kết hợp với các vị thuốc khác.
2. Các bài thuốc từ cây tre
1. Chữa ho do phế nhiệt, khi ho có đờm dày màu vàng: Trúc nhự 12g, Hoàng cầm 8g, Qua lâu 8g. Sắc uống ngày một thang.
2. Chữa tâm thần bị kích thích, mất ngủ, cảm giác tức ngực, trống ngực và ho có đờm vàng: Trúc nhự 12g, Chỉ thực 10g, Trần bì 10g, Phục linh 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
3. Thuốc xông giải cảm: Lá tre, Kinh giới, Hoắc hương, Tía tô, Lá chanh, lá Long não, cây Cứt lợn mỗi thứ một nắm, Tỏi 2-3 củ, Địa liền tươi 20g. Cho các dược liệu vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ đến khi có mùi thơm, dùng vài trùm kín người hoặc đầu, mở vung nồi dược liệu để bay hơi vào người. Thời gian xông 5-15 phút, khi nào mồ hôi ra đều toàn thân thì dừng xông.
4. Chữa vết thương, bầm dập do ngã, bị đánh: Lá tre tươi một bó to sắc lấy nước, một phần nước sắc để uống, phần còn lại rửa, xoa bóp các chỗ bầm dập.
5. Chữa khát nước, người nóng bứt rứt, loét miệng lưỡi, tiểu tiện ít, đỏ, có khi tiểu buốt: Mộc thông 12g, Sinh địa 12g, Đăng tâm thảo 12g. Các vị thuốc tán thành bột mịn, trộn đều. Lấy 100g lá tre tươi sắc nước, nước sắc lá tre hãm bột thuốc để uống.