Cây thuốc Nam "Cây Cau" thuộc họ Cau, cây được trồng khắp các miền nước ta.
Cây Cau thân trụ, cao tới hơn 10m. Thân có nhiều vòng sẹo. Lá tập trung ở ngọn, cuống phát triển thành bẹ to ôm lấy thân, Phiến lá xẻ lông chim. Cụm hoa là một bông mo, mo rụng khi hoa nở. Hoa nhỏ, màu trắng ngà, thơm, tụ tập thành bông, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Quả hạch, hình trứng mang một hạt màu nâu.
Bộ phận dùng: Hạt cau, vỏ quả cau già, rễ, buồng cau.
Thành phần hóa học chính: Hạt cau chưa tanin(50%), dầu béo(10%), alkaloid(3%).
Công dụng: Chữa sán, giúp tiêu hóa, chữa viêm ruột, lỵ, ngực bụng chướng đau, thùy thũng, sốt rét, cước khí sưng đau.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 4-6g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, để trị sán thường phối hợp với hạt Bí ngô, để trị sốt rét phối hợp với Thường sơn. Đại phúc bì dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa phù thúng toàn thân, bụng đầy trướng.
Bài thuốc Nam:
1. Chữa khí hư bạch đới – khí hư ra nhiều, người uể oải, sắc mặt tái nhợt, đau lưng, mỏi gối, ù tai, hoa mắt, chóng mặt: Rễ cây Cau 10g, Cây cối xay 16g, Chó đẻ răng cưa 16g, Vú bò 14g, Hương phụ 16g, Bạc thau 12g, Rễ lạc tiên 16g. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia làm 2 lần.
2. Sỏi bàng quang, đau lưng, đi tiểu buốt, tiểu gắt, nước tiểu cặn đục có khi tiểu ra máu: Vỏ trái cau 20g, Sâm tanh tách 20g, Rễ dứa dại 20g, Vỏ cây gòn 20g, Rễ cỏ tranh 20g, Mã đề 20g, Cỏ ống 20g, Rau má 20g, Cỏ mực (sao đen) 20g, Vỏ măng cụt 8g, Ngải cứu 12g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
3. Chữa tê phù, 2 cẳng chân tê, sưng phù đi đứng khó: Hạt cau rừng 20g, Rau muống biển 15g, Trần bì (sao) 5g, Rễ cỏ xước (sao) 10g, Vỏ chân chim 16g, Ý dĩ 10g, Củ gấu 10g, Ngải cứu 8g, Chỉ xác 8g, Cam thảo dây 10g, Ké đầu ngựa 10g, Can khương 3 lát, Tơ hồng (sao) 10g. Sắc uống mỗi ngày một thang.