Cây Chổi xể còn có tên gọi khác là Chổi sể, Chổi xuể, Thanh cao, Cây chổi trện, thuộc họ Sim. Cây mọc hoang ở nhiều vùng đồi trong nước ta.
Mô tả: Cây mọc thành bụi thấp, cao khoảng 1m, phân cành nhiều. Lá nhỏ, mọc đối, dễ rụng, chỉ có một gân giữa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả nang nhỏ. Hạt có cạnh. Toàn cây có mùi thơm và vị nóng.
Bộ phận dùng: Lá, phần trên mặt đất.
Thành phần hóa học: Tinh dầu, thành phần chủ yếu là cineol (30%), pinen, limonene, linalool.
Công dụng: Chữa phong thấp, đau nhức xương, đau bụng cảm cúm, ăn không tiêu, dùng cho phụ nữ xông, uống sau khi đẻ, dùng để cất tinh dầu.
Cách dùng, liều lượng: Sắc lá, hoa làm nước uống (6-8g). Đốt cây khô xông khói, dùng tinh dầu xoa bóp, làm dầu xoa, cao xoa.
Bài thuốc Nam:
1. Chữa bệnh chàm: Hoa cây chổi xể 20g, Xuyên tiêu 30g, Hành sống (dùng toàn cây – cả rễ, củ và lá) 10 củ, cho vào nồi đất, đổ ngập nước, đun sôi khoảng 5 phút, đem xông khi còn nóng, lúc nước thuốc nguội thì dùng để rửa chỗ bị chàm.
2. Chữa mụn nhọt, lở loét: Lá chổi xể, Lá khế, Lá long não và lá thông, dùng tươi, nấu nước tắm mỗi ngày một lần.
3. Phòng dịch: Cây chổi xuể đốt tạo thành khói thơm, khói này có tác dụng phòng dịch, phòng bệnh cho phụ nữ sau khi sinh nở.
4. Côn thuốc chữa đau nhức: Hoa Chổi xể 60g, Địa liền 20g, bột long não 10g, cồn vừa đủ 500ml. Khi dùng, lấy miếng gạc tẩm thuốc, xoa đều lên chỗ đau nhức rồi nắn bóp. Ngày làm 2-3 lần.
5. Chữa nước ăn chân, viêm da do tiếp xúc với nước bị ô nhiễm: Rửa nhiều lần với nước Bồ kết, rồi xát với lá Trầu không và tinh dầu Chổi xể pha cồn.