TÁC DỤNG GÂY ĐỘC TẾ BÀO UNG THƯ CỦA THÔNG ĐỎ
Thông đỏ là loài cây đã được giới khoa học quan tâm nghiên cứu tìm hiểu tác dụng chữa bệnh. Trong đó, tác dụng gây độc tế bào ung thư là nổi bật nhất. Nguồn thông đỏ trong tự nhiên không còn nhiều, tại Việt Nam, quần thể thông đỏ được tìm thấy ở một số vùng tại tỉnh Lâm Đồng, loài cây này được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam và cần phải được bảo tồn.
1. Đặc điểm thực vật
Thông đỏ còn có tên khác là Hồng đậu sam, tên khoa học là Taxus wallichiana Zucc. hoặc Taxus yunnanensis W. C. Cheng, thuộc họ: Taxaceae.
Đây là loại cây to, cao đến 20m. Thân có vỏ màu hồng xám, phân thành nhiều cành mảnh, khi non màu lục. Lá mọc so le, thường xếp 2 dãy như một lá kép, hình dải hẹp, dáng cong, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên lõm như lòng thuyền, mặt dưới có 2 lỗ khí. Cụm hoa đơn tính, khác gốc, nón đực và nón cái mọc ở kẽ lá. Quả hình trứng, vỏ cứng, có hạt bao bọc bởi áo màu đỏ để hở ở đầu.
Bộ phận dùng làm thuốc: Cành và lá.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Trong lá thông đỏ có chứa các dẫn chất của taxan, các hydroxy apocarotenoid, flavonoid, biflavonoid, các akaloid… Trong đó có chứa taxol (0,045 – 0,13%) có tác dụng chống ung thư và chất này được phân lập để sử dụng làm hóa chất chữa ung thư nhóm taxan (biệt dược là Anzatax). Bệnh nhân tốt nhất không nên tự ý sử dụng vì nếu quá liều sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Các taxan mới (1 – 15) phân lập từ vỏ Thông đỏ được đánh giá tác dụng chống ung thư trong ống nghiệm cho thấy một số chất có tính chọn lọc gây độc tế bào như: taxan 3, 8 và 10 chọn lọc đối với dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào vú MCF-7; taxan 13 ức chế chọn lọc dòng tế bào ung thư buồng trứng người kháng taxol là A2780/TAX (IC50 = 0.19 μM), mạnh hơn các thuốc taxol (IC50 = 4,4 μM) và docetaxol (IC50 = 0,42 μM), và nguyên bào sợi NIH-3T3, dòng tế bào gần với dòng tế bào bình thường.
Bằng phương pháp quang phổ xác định được cấu trúc của taxoid 1-hydroxy-2-deacetoxy-5-decinnamoyl-taxinine trong Thông đỏ. Các Taxoid này có hoạt động gây độc tế bào và điều hòa miễn dịch đáng kể.
Các hợp chất 5αO- (3'-dimethylamino-3'-phenylpropionyl) taxinine M và 2α-acetoxy-2'β-deacetylaustrospicatine phân lập từ Thông đỏ cho thấy hoạt tính gây độc mức độ vừa phải đối với dòng tế bào ung thư phổi A549 in vitro.
Taxusabietane A đã được phân lập từ chiết xuất vỏ cây Thông đỏ có tác dụng chống viêm trên chuột thực nghiệm với liều 5 và 10 mg/kg thông qua hoạt động ức chế LOX đáng kể với giá trị IC50 là 57 ± 0,31.
Taxiresinol 1 là một lignan từ cây Thông đỏ có tác dụng chống ung thư trên thử nghiệm in vitro đối với các tế bào ung thư đại tràng, gan, buồng trứng và vú.
TMP70S-1, một polysaccharide tan trong nước được phân lập từ Thông đỏ có tác dụng mạnh mẽ trong việc chống khối u in vitro của tế bào tế bào fibrosarcoma HT1080 mạnh mẽ.
Trong 12 taxiter diterpenes (1-12), đã được phân lập từ chiết xuất EtOH của Thông đỏ, hợp chất 10 và 11 cho thấy độc tính tế bào đáng kể đối với các tế bào ung thư KB-VIN và KB-7d. Hợp chất 3 và 12 cũng đã chứng minh hoạt động đáng kể chống lại KB-7d. Biflavonoid 13 được phân lập từ Thông đỏ có độc tính tế bào đối với dòng tế bào ung thư phổi A549.
Ngoài ra, Thông đỏ được chứng minh hiệu quả trong việc để điều trị chứng động kinh, sốt cao và đau cấp tính trên chuột thực nghiệm.
Theo đông y: Trong dân gian Thông đỏ có tác dụng tiêu tích, thông kinh mạch, giảm đau, thanh nhiệt, lương huyết, sát hồi trùng.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân