NHỮNG SỰ TÍCH VỀ CÂY TRẠNG NGUYÊN VÀ CÁC KHÁM PHÁ Y HỌC
Cây trạng nguyên hay còn gọi là nhất phẩm hồng, có tên khoa học Euphorbia pulcherrima, họ Đại kích – Euphorbiaceae. Là một giống bản địa Trung Mỹ, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1834. Loài cây này gắn liền với nhiều câu chuyện ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn và thành đạt.
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có một đứa bé muốn tặng quà cho Chúa Giê-Su trong đêm Nô en, nhưng vì quá nghèo nên cậu không thể kiếm được gì cả. Cậu bèn nhỏ những cây cỏ dại mọc ven dường. Cậu tin rằng, nếu cậu dâng một món quà khiêm tốn với tất cả tình yêu thương thì sẽ được chấp nhận trong mắt Chúa. Khi cậu tới nhà thờ, những cây cỏ dại này nở thành các bông hoa vàng li ti bao quanh những chiếc lá đỏ xanh. Tất cả giáo đoàn cảm nhận rằng, họ đã được chứng kiến một phép màu kỳ diệu của chúa. Từ đó về sau, cứ mỗi dịp Giáng sinh, loài cây ấy đều ra hoa, người trong thị trấn gọi là “Hoa của đêm thánh vô cùng”. Sau này, cậu bé được một gia đình tử tế trong dòng họ Poinsettia nhận nuôi và trở thành một doanh nhân giàu có, cậu trở lại chốn xưa, nơi cậu đã tặng hoa cho chúa để xây một nhà thờ và một ngôi trường học. Để đáp lại tấm lòng cao cả đó, người dân nơi đây tặng ông một món quà đặc biệt: Một chậu hoa lá đỏ bông vàng mang tên ông “Poinsettia”.
Ở Việt Nam, loài cây này gắn liền với câu chuyện của một cậu học trò đi thi trạng nguyên. Trên đường đi, cậu thấy một cây xanh mọc bên đường rất lạ, cậu đem lòng thích thú và mang theo bên mình lên kinh thành dự thi. Sau những ngày thi cử vất vả, cậu lại mang cây theo mình trở về quê. Không lâu sau cậu được báo tin đỗ trạng nguyên, loài cây này tự nhiên chuyển thành màu đỏ như lời chúc mừng đến cậu. Từ đó, cây có tên là Trạng nguyên.
Hiện nay, cây Trạng nguyên thường được trồng để làm cảnh trong nhà. Theo phong thủy, cây mang đến niềm tin, điều may mắn, sự đỗ đạt và thành công. Vì vậy, nó trở thành món quà ý nghĩa dành tặng vào các dịp lễ, Tết hay thi cử.
Trạng nguyên thường được truyền miệng là có độc tính cao nhưng trên thực tế, cây không gây nguy hiểm cho vật nuôi hoặc trẻ em. Chúng còn được người dân Aztex trồng để sử dụng trong y học cổ truyền. Theo sách “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, trạng nguyên có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng điều kinh, cầm máu, làm liền xương, tiêu thũng. Ở Vân Nam – Trung Quốc người ta dụng trạng nguyên để chữa kinh nguyệt không đểu, đòn ngã tổn thương, ngoại thương xuất huyết và gãy xương.
Dân gian thường dùng cành non và lá giã nát làm thuốc đắp trị rắn rết cắn, các vết đứt và cả các vết thương khác. Cũng dùng uống chữa viêm ruột mạn tính.
Khoa học hiện đại đã có những nghiên cứu về thành phần hóa học và các tác dụng dược lý của cây trạng nguyên. Hai triterpenes gây độc tế bào đã được phân lập từ lá cây trạng nguyên là 9,19-cyclooart-23-en-3β,25-diol và 9,19-cycloart-25-en-3β,24-diol. Cả hai chất này đều có độc tính với tế bào. Trong đó, hợp chất 9,19-cycloart-25-en-3β,24-diol có IC50 và IC90 lần lượt là 7,5 µM và 13,5 µM, chất còn lại hoạt tính bất hoạt kém hơn 50%. Theo tạp chí Carbohydrate Polymers, chất chitosan được phân lập từ cây hoa trạng nguyên có tiềm năng diệt khuẩn, chống lại vi khuẩn E. pulcherrima.
Hoa trạng nguyên có nhiều nhựa trắng có thể gây kích ứng da và dạ dày. Vì vậy, việc vô tình hay cố ý ăn lá trạng nguyên có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc buồn nôn. Ngoài ra, nhựa cây có thể gây dị ứng với những người có cơ địa nhạy cảm dẫn đến các biểu hiện như viêm da do tiếp xúc, thậm chí có thể gây mù trong giây lát nếu rơi vào mắt.
DS. Lê Hằng