TRỊ CẢM LẠNH NGAY TẠI NHÀ BẰNG CÁC VỊ THUỐC ĐƠN GIẢN DỄ TÌM
Cảm lạnh thường xảy ra khi cơ thể bị nhiễm lạnh, tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn phát triển gây bệnh dẫn đến các biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng hoặc một vài trường hợp người bệnh cảm thấy mỏi mệt, đau cơ và đau đầu,... Bệnh hay gặp khi trời mưa lạnh, thời tiết đột ngột thay đổi và nhất là khi thời tiết chuyển đông. Nếu không được chữa trị kịp thời, cảm lạnh có thể gây biến chứng viêm phế quản, phổi… Vậy để hạn chế nguy cơ biến chứng của bệnh, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu cách trị cảm lạnh ngay tại nhà bằng các vị thuốc đơn giản dễ tìm dưới đây nhé!
Trong Đông y, “cảm” là chỉ những bệnh lý do các yếu tố thời tiết, khí hậu bất thường xâm nhập cơ thể gây nên, trong đó yếu tố thường gặp nhất là lạnh. Do vậy cảm lạnh còn có những tên gọi khác như thương hàn, trúng gió. Sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như người mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ho, hắt hơi, sổ mũi. Tình trạng này nhanh chóng được cải thiện nếu cơ thể được làm ấm và sử dụng một số bài thuốc dân gian để phục hồi cơ thể.
Trị cảm lạnh bằng tỏi
Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, nóng, có công dụng hành khí trệ, làm ấm tỳ vị, giải độc và sát trùng. Đặc biệt, nó còn có thể làm thông mũi, giảm nghẹt và sổ mũi do thành phần hoạt chất chính là Allicin, có tác dụng kích thích mạnh đường hô hấp, làm thông thoáng đường thở, tăng cường trao đổi khí ở phổi và chống lại các loại vi khuẩn, virus. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung tỏi vào chế độ ăn uống có thể ngăn ngừa cảm lạnh.
Cách dùng: Tỏi 15g, gừng sống 15g, đường đỏ vừa đủ. Tỏi, gừng cắt nhỏ, thêm 1 bát nước, đem sắc đến khi còn nửa bát, cho đường đỏ vào khuấy đều, uống 1 lần trước đi ngủ. Hoặc tỏi 60g giã dập, cho lượng nước vừa phải, sắc uống nhiều lần trong ngày.
Trị cảm lạnh bằng gừng
Theo Đông y, củ gừng có vị cay, tính hơi ôn, vào các kinh phế, tỳ và vị. Có tác dụng điều vị, tán hàn giải biểu, ôn phế chỉ khái, ôn trung chỉ tả, giải độc dùng trong các trường hợp cảm mạo phong hàn, đau bụng nôn ói tiêu chảy, đau bụng do lạnh.
Cách dùng: Gừng tươi 1 củ đem rửa sạch, để cả vỏ và thái thành sợi. Hành lá đem rửa rồi xắt thành khúc khoảng 4cm. Cho 2 nguyên liệu vào nồi cùng với khoảng 500ml nước rồi đun sôi khoảng 10 phút thì tắt bếp. Người bệnh uống ngay khi còn nóng, sau khi uống thì nằm nghỉ và đắp chăn kín người để ra mồ hôi. Thực hiện ngày 2 lần cho đến khi khỏi bệnh.
Trị cảm lạnh bằng lá tía tô
Lá tía tô có vị cay ấm nên thường sử dụng để chữa cảm lạnh, sốt, ho, làm cho ra mồ hôi. Quả cây tía tô điều trị ho, làm long đờm. Thậm chí cành cây còn có tác dụng an thai. Vậy nên mỗi khi thời tiết thay đổi sức đề kháng suy giảm khiến cho nhiều người mắc bệnh cảm lạnh, sử dụng lá tía tô nấu nước uống hoặc xông, nấu cháo sẽ sớm khỏi bệnh.
Cách dùng: 20g lá tía tô tươi giã nhỏ, chế thêm nước sôi, khuấy đều gạn lấy nước nóng hoặc dùng 10 lá cắt nhỏ trộn với cháo nóng, ăn rồi nằm nghỉ cho ra mồ hôi. Ngoài ra, có thể thêm hành sống giã nhỏ 5g, gừng tươi giã nhỏ ba lát, muối vừa đủ để nấu cháo giải cảm. Tuy nhiên, không ăn cá chép chung với tía tô, dễ bị mụn nhọt.
Trị cảm lạnh bằng lá cúc tần
Theo Đông y, cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Cúc tần có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, được dùng chữa cảm lạnh, sốt không ra mồ hôi, cơ thể đau nhức.
Cách dùng: Hái một nắm lá và cành non cúc tần đem về rửa sạch, sau đó đun lên lấy nước uống, hoặc đun lên để xông. Khi uống vào mồ hôi ra đầm đìa là được. Hoặc người bệnh cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu có thể lấy 20g lá cúc tần tươi, 10g lá sả một phần, 10g lá chanh đem nấu với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông cho ra mồ hôi để giảm sốt, giải cảm.
Trị cảm lạnh bằng vỏ bưởi
Theo Đông y, vỏ bưởi chứa tinh dầu có vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, trị ho, giải cảm rất tốt.
Cách dùng: Lấy 10g vỏ bưởi, rửa sạch, thái chỉ, cho vào bát sau đó thêm đường kính và hấp uống, ngày 3 lần rất hiệu quả hoặc có thể xông để giải cảm bằng lá bưởi tươi kết hợp cùng một số loại lá có tinh dầu thơm như lá chanh, lá sả, hương nhu,...
Trị cảm lạnh bằng củ sả
Theo Đông y, cây sả vị cay nồng, có mùi thơm, tính ấm quy 2 kinh phế và vị, có công dụng làm ấm bụng, thông khí, kích thích tiêu hóa, sát trùng và giúp tiêu đờm giúp giải cảm lạnh, ho, sổ mũi….
Cách dùng: Dùng 5-6 củ sả tươi hoặc một muỗng sả khô hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày. Hoặc dùng củ sả tươi 30g, gừng tươi 20g, mật ong 30g. Giã sả với gừng lọc lấy 200ml nước, hòa với mật ong đun nhỏ lửa cho sôi là được. Chia 3 lần uống trong ngày.
Sau khi thực hiện những bài thuốc trên, nên để người bệnh nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nếu là cảm lạnh thông thường sau một vài tiếng bệnh tình sẽ đỡ. Người bệnh sẽ cảm thấy khoan khoái dễ chịu hơn hẳn. Nếu không cần tìm nguyên nhân khác để điều trị cho phù hợp.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282