CÁC BÀI THUỐC DÂN GIAN TRỊ HO ĐƠN GIẢN HIỆU QUẢ
Ho là một phản xạ có điều kiện đột ngột thường lặp đi lặp lại. Có tác dụng loại bỏ các chất kích thích, chất bài tiết hoặc chất nhầy làm nghẽn tắc khí quản hoặc để loại bỏ các vi khuẩn bám vào đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho kéo dài có thể dẫn đến tổn thương hệ thống hô hấp, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, vì vậy việc điều trị dứt điểm ho là vô cùng quan trọng. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết sử dụng các bài thuốc nam để trị ho vô cùng hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu các bài thuốc dân gian trị ho dưới đây để cải thiện tình trạng ho nhanh nhất nhé!
Bài thuốc từ nước vo gạo và rau diếp cá
Theo Đông y, rau diếp cá có vị chua, cay, tính mát, tác động vào 2 kinh can và phế. Ngoài các tác dụng như thanh nhiệt, giải độc, thoát mủ (đối với mụn nhọt làm mủ), thông tiểu tiện, giảm phù thũng, sát khuẩn, chống viêm, rau diếp cá còn là một trong những vị thuốc kháng sinh tự nhiên trị ho rất hiệu quả.
Cách dùng: Một nắm lá diếp cá, rửa sạch, giã nhuyễn. Sau đó, lấy một bát nước vo gạo trộn đều với diếp cá đã giã nhuyễn, đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút, để nguội và lọc lấy nước uống. Uống 2-3 lần một ngày, mỗi lần 1 chén nhỏ khoảng 1 giờ sau ăn.
Bài thuốc trị ho từ củ cải trắng, gừng, mật ong
Củ cải trắng có tên khoa học là Raphanus sativus. Đây là loại loại củ có vị cay nồng, hơi đắng, tính bình, không độc. Bài thuốc từ củ cải có tác dụng long đờm, tiêu tích, tán phong tà.
Cách dùng: Củ cải trắng, gừng xay nhuyễn bỏ vào bát sứ, thêm một ít nước lọc và một ít mật ong đem hấp cách thủy cỡ 10-15 phút đưa ra cho bé uống, mỗi lần 2-3 thìa cà phê, uống 3 lần/ một ngày.
Bài thuốc trị ho bằng hoa đu đủ đực, hoa khế
Hoa đu đủ đực và hoa khế là những vị thuốc được dùng điều trị nhiều bệnh lý viêm nhiễm khác nhau, trong đó phổ biến nhất là chữa kho và viêm họng.
Cách dùng: Lấy hoa khế, hoa đu đủ đực, lá tía tô mỗi thứ 10g đen rửa sạch, cho vào chén thêm 5g đường phèn và chút nước vào nồi đun cách thủy trong 15 phút. Để nguội, mỗi ngày nên uống thuốc 2 lần sau khi ăn, áp dụng liên tục trong khoảng 2 – 3 ngày để giảm ho và viêm họng, đối với trẻ nhỏ uống khoảng ½ muỗng cà phê, nuốt từ từ cho nước thuốc thấm vào lưỡi.
Bài thuốc trị ho từ vỏ quýt
Vỏ quýt là vị thuốc có khả năng lưu thông khí huyết, cung cấp độ ẩm, trị ho, tiêu đờm. Hơn nữa, quýt còn chứa nhiều Vitamin C giúp cơ thể kháng viêm và tăng cường sức đề kháng rất tốt.
Cách dùng: Sắc 12g vỏ quýt cùng 200ml nước cho đến khi lượng nước còn lại ½, sau thêm một chút đường phèn hoặc mật ong khuấy đều rồi uống dần trong ngày. Áp dụng đều đặn từ 5-7 ngày. Lưu ý nếu trẻ dưới 1 tuổi ba mẹ không nên dùng mật ong.
Bài thuốc trị ho bằng lá tía tô
Lá tía tô được biết đến với công dụng chính là giải cảm, trừ phong, làm ấm cơ thể khi nhiễm lạnh. Trong Đông Y, tía tô là thảo dược có vị cay, tính ấm, mùi thơm nhẹ, tác dụng của tía tô đi vào kinh phế,tâm, tỳ.
Cách dùng: Sử dụng 20 gram lá tía tô tán mịn hòa với nước nóng cho uống hoặc nấu chung với cháo để ăn hàng ngày.
Bài thuốc từ hoa hồng bạch
Theo Đông y, hoa hồng trắng hay hồng bạch là một vị thuốc vị ngọt, không độc, mùi thơm mát, tính mát. Trong thành phần có chứa nhiều đường, vitamin, tinh dầu có thể chữa ho và nhuận tràng hiệu quả. Để làm thuốc, hoa được hái phải là những đóa mới nở.
Cách dùng: Lấy 15g hoa hồng bạch và một lượng vừa đủ đường phèn sắc hoặc hấp cách thủy, sau khi chín thì nghiền nát, trộn đều, gạn lấy nước để uống nhiều lần trong ngày. Sử dụng khi còn nóng, liên tục trong 1 tuần. Hoặc lấy 1 bông hoa hồng bạch, chỉ sử dụng cánh, rửa sạch, vò nát, cho thêm mật ong hoặc đường phèn vào hấp cách thủy. Để nguội chắt lấy nước uống mỗi ngày 1 thìa với trẻ em, 2 thìa với người lớn, ngày uống 2 – 3 lần sử dụng liên tục trong 1 tuần.
Bài thuốc trị ho từ cây húng chanh
Húng chanh còn gọi là rau thơm lông. Theo Đông y, húng chanh vị cay the, hơi chua, mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng thanh nhiệt, bổ phổi, giải độc, điều hòa hô hấp, lợi phế, giải cảm, chữa ho và viêm họng. Tinh dầu húng chanh có tác dụng ức chế vi khuẩn gây bệnh và các trực khuẩn E.coli, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn…
Cách dùng: Lấy 15 – 16 lá húng chanh và 4 – 5 quả quất xanh rửa sạch, xay nhuyễn, thêm đường phèn, hấp cách thủy trong 20 phút. Uống liên tục 1 – 2 lần mỗi ngày cho đến khi giảm ho thì ngưng sử dụng.
Bài thuốc trị ho từ gừng
Theo Đông y, gừng tính ấm, vị cay có tác dụng tán phong hàn, làm ấm tỳ vị. Gừng được sử dụng trong trường hợp ho do cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thay đổi.
Cách dùng: Lấy 60g gừng già tươi rửa sạch, giã nhuyễn, đun với nửa lít nước trong 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho thêm ít mật ong vào khuấy đều để uống. Chia làm 2 lần uống, mỗi lần 50ml đều đặn vào hai buổi sáng tối cho đến khi cơn ho dứt hẳn.
Lưu ý: Không nên sử dụng gừng trong thời gian dài với người viêm dạ dày, viêm gan, viêm thận, nhiệt trong, âm hư hỏa vượng, đái tháo đường, hạch phổi…
Bài thuốc từ lá hẹ
Lá hẹ tính ôn, vị hơi cay là bài thuốc nam trị ho thường được sử dụng vừa an toàn, hiệu quả.
Cách dùng: Lấy 1 nắm lá hẹ tươi cắt nhỏ cho vào tô, trộn mật ong sao cho ngập hết phần lá hẹ. Hấp cách thủy cho đến khi hỗn hợp mềm nhuyễn dễ nuốt. Ăn 3 – 4 lần trong ngày, mỗi lần 2 – 3 thìa cà phê liên tục 7 ngày.
Bài thuốc trị ho bằng tỏi
Tỏi tính ấm, vị hăng, phát huy tác dụng tốt trong việc làm ấm cơ thể, đào thải độc tố, kháng viêm, kháng khuẩn, tiêu diệt các tác nhân gây ho hiệu quả.
Cách dùng: Lấy vài nhánh tỏi giã dập, cho vào bát thêm mật ong để hấp cách thủy trong 20 phút. Để ấm thì uống 3 lần, mỗi lần 2 thìa mật ong.
Bài thuốc trị ho từ rễ dâu
Trong Đông y, vỏ rễ dâu được gọi là tang bạch bì, là lớp vỏ lụa màu trắng bên trong lớp bần màu nâu đất bên ngoài. Tang bạch bì có vị ngọt, tính bình, quy vào phế, tỳ,vị, tâm, đại tràng, có tác dụng chữa ho hiệu quả.
Cách dùng: Lấy 12g tang bạch bì, sắc với nước uống như trà sau bữa ăn. Có thể thay thế bằng vỏ rễ cây, tách từ thân dâu để sắc uống.
Lưu ý:
- Bài thuốc chữa ho từ dân gian lấy nguyên liệu sẵn có, dễ thực hiện nhưng hiệu quả tùy theo tình trạng cũng như cơ địa của mỗi người bệnh.
- Người bệnh có thể sử dụng bài thuốc chữa ho trong thời gian đầu bệnh mới khởi phát, các chứng như đau họng hay ho chỉ ở mức bình thường.
- Khi bệnh đã chuyển sang thể mãn, nặng hơn người bệnh cần đi thăm khám, điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
- Một số trường hợp người bệnh có cơ địa nhạy cảm có thể bị kích ứng với thành phần của nguyên liệu. Vì vậy khi thấy dấu hiệu lạ như đi ngoài hay đau bụng, người bệnh cần dừng ngay và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiếp tục sử dụng thuốc dân gian.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282