CÂY VỐI RỪNG – DƯỢC LIỆU QUÝ CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG, TIÊU CHẢY
Cây vối rừng hay còn gọi là cây trâm mốc có tên khoa học là Syzygium cumini, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Ở Việt Nam, vối rừng được trồng nhiều ở vùng rừng núi, núi đá ở khu vực Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Lâm Đồng. Cây vối rừng ưa đất ẩm thoát nước, ưa sáng ở độ cao từ thấp đến 1100m. Ra hoa tháng 4-5, có quả tháng 7-9.
Mô tả thực vật
Vối rừng là cây gỗ to. Lá hình bầu dục mọc đối, mềm bóng, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới xám nhạt, mỏng nhưng cứng và có điểm tuyến; lá già mỏng, màu nâu. Hoa thành cụm hoa dạng tháp, gần như không cuống, dày 5cm, màu trắng. Quả thuôn hay hơi cong, dài 13-15mm, dày 10mm, thắt lại dưới chỗ lõm ở đỉnh, màu tím tối, nạc màu xanh, vàng tới tím, thường không mùi, hơi se, chua.
Thành phần hóa học trong cây vối rừng
Bộ phận dùng chủ yếu là quả, vỏ, thân lá. Theo nghiên cứu, trong lá vối rừng rất giàu flavonoid glycosid, quercetin, myricitin, tanin.
- Trong 100g phần ăn được của quả chứa 84-86g nước; 0,2-0,4g protein; 0,3g lipid; 14-16g carbohydrat; 0,3-0,9g chất xơ. Ngoài ra, trong quả còn chứa các nguyên tố vi lượng như Calcium 8-15mg; phosphor 15mg; sắt 1,2mg; riboflavin 0,01mg, vitamin C 5-18mg
- Vỏ chứa Tanin (10-12%), acid gallic, nhựa, tinh bột và protein nhưng không có alcaloid và glucosid.
- Hạt chứa glucosid jambolin, acid ellagic và tanin (19%), acid gallic, chlorophyll, dầu béo, tinh dầu, nhựa đường. Hạt khô chứa 95% alcohol cho một chất có tác dụng làm giảm glucoza huyết.
Tác dụng trong y học cổ truyền
Vối rừng có vị đắng, chát, tính bình.Theo y học cổ truyền dùng vỏ vối rừng thay vị hậu phác (thuốc bắc) và đặt tên là hậu phác nam. Vỏ thu hái vào mùa hè thu, ở phần gốc và những cành to, cạo sạch, phơi khô. Khi dùng thái mỏng, dùng sống hoặc tẩm ướp nước gừng, sao qua. Dược liệu có vị cay, đắng, mùi thơm, tính ấm, không độc, chữa đau bụng. Đầy trướng, ăn không tiêu, táo bón, nôn mửa. Ngày dùng 8-12g dưới dạng thuốc sắc.
- Hạt dùng dưới dạng bột để trị bệnh tiểu đường. Bột vối rừng làm giảm lượng nước tiểu, làm tiêu hao đường trong nước tiểu sau 18 giờ và trong thời gian điều trị. Người tỳ vị hư nhược và phụ nữ có thai không được dùng.
- Lá nấu nước uống như lá vối giúp tiêu hóa tốt. Nước ép lá dùng riêng hay dùng phối hợp với các dược liệu khác dùng để trị lỵ
- Quả có vị chát, ngọt, tính mát và làm se ruột, khử mùi hôi miệng, đái buốt, lợi tiểu, tiểu đường.
Bài thuốc có chứa cây vối rừng
1. Chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, táo bón:
- Vỏ vối rừng 8 – 12 g sắc uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác như bán hạ chế, chỉ thực hoặc chỉ xác, ô dược hoặc hương phụ, trần bì, cát sâm, lượng mỗi thứ 4 – 8 g, sắc uống.
- Vỏ vối rừng 12 g, bán hạ chế 8g, cát sâm sao 8g, cam thảo 4g, sắc uống.
- Vỏ vối rừng, hoàng cầm, mỗi vị 12g, sài hồ 16g, chỉ thực 8g, bán hạ chế 6g, đại hoàng sống 0,4g. sắc uống.
2. Chữa tiêu chảy, nôn mửa:
- Vỏ vối rừng, hoắc hương, vỏ rụt, sa nhân, củ riềng già, mỗi vị 4 – 8g, sắc đặc uống.
- Vỏ vối rừng 12g, nhục đậu khấu, bán hạ chế, hoắc hương, trần bì, mỗi vị 8 g; kha tử 4g, sắc uống.
3. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ:
Vỏ vối rừng tươi, cạo bỏ vỏ đen, dùng riêng, hoặc phối hợp với hạt quả vối rừng, lượng bằng nhau, giã nát, ép lấy nước. Người lớn mỗi lần 2 thìa cà phê, trẻ em 1/2 – 1 thìa, ngày 4-5 lần, cách nhau 3-4 giờ. Trẻ nhỏ dùng nửa thìa trộn với sữa cho dễ uống.
4. Chữa tiểu đường
Hạt quả vối rừng, phơi khô, tán thành bột mịn, ngày 4 – 8 g, dùng nhiều ngày. Có thể dùng cả quả có hạt, phơi khô, tán dập, nấu cao. Một phòng thí nghiệm ở Pháp đã sản xuất một loại thuốc làm hạ đường huyết chế từ cao nước của hạt quả vối rừng và giới thiệu là có tác dụng hạ đường huyết mạnh. Có thể dùng lá, hãm hoặc sắc uống thay chè, ngày 4 – 8g.
DS. Nguyễn Thị Thanh Xuân