TOP NHỮNG VỊ THUỐC NAM CÓ TÁC DỤNG GIẢI CẢM PHONG NHIỆT
Cảm mạo phong nhiệt là chứng bệnh khá thường gặp mỗi khi thay đổi thời tiết, thời điểm giao mùa. Căn bệnh này thường khiến bệnh nhân phát sốt, người khó chịu đau nhức đầu và mình mẩy, khát nước họng khô. Cùng tìm hiểu những vị thuốc nam giản dị có tác dụng giải cảm phong nhiệt hiệu quả nhé!
1. Cát căn
- Bộ phận dùng: Rễ cây sẵn dây, thuộc họ Đậu cánh bướm
- Thu hái và chế biến: Cây sắn dây trồng đến khi dây bắt đầu cằn và có xu hướng héo thì đào lấy củ mang về. Rửa sạch rồi thái thành các lát mỏng đem sấy khô
- Tính vị quy kinh: Cát căn có vị ngọt, hơi cay, tính bình. Quy kinh Tỳ Vị
- Tác dụng: Thăng dương khí tán nhiệt, sinh tân dịch chỉ khát
- Ứng dụng lâm sàng: Cát căn dùng điều trị các chứng cảm mạo có sốt, không có mồ hôi, miệng khô họng khát. Do có tác dụng sinh tân chỉ khát nên còn dùng trong các chứng tiêu chảy nhiễm trùng, các chứng sốt cao gây mất tân dịch. Tác dụng thư cân giải cơ của cát căn cũng giúp chữa các chứng co cơ gây đau nhức mình mẩy khi bị cảm mạo phong nhiệt.
Ngoài ra cát căn còn được sử dụng để thúc ban chẩn mọc trong sởi, thủy đậu, sốt phát ban để bệnh nhanh khỏi:
- Liều dùng: 4-12g/ngày tùy bệnh lý
- Cách dùng: sắc uống.
2. Tang diệp
- Bộ phận dùng: Lá của cây dâu tằm, thuộc họ dâu tằm
- Thu hái: Tốt nhất là thu hái lúc cây chưa ra hoa quả sẽ có hoạt chất cao. Có thể dùng tươi hoặc đem về phơi sấy khô dùng dần
- Tính vị quy kinh: Vị ngọt, đắng, lạnh quy kinh Phế, Can
- Tác dụng: Phát tán phong nhiệt, lương huyết, nhuận phế
- Ứng dụng lâm sàng: Dùng điều trị các chứng cảm mạo có sốt, chữa ho, viêm họng. Tang diệp còn dùng trong điều trị viêm màng tiếp hợp cấp, giải dị ứng khi nổi ban. Khi sao cháy tang diệp còn có tác dụng cầm máu.
- Liều dùng: 8-18g/ngày
- Cách dùng: sắc uống
3. Phù bình
- Bộ phận dùng: Toàn bộ thân cây bèo cái bỏ rễ, thuộc họ ráy
- Thu hái và chế biến: bèo cái mang về rửa sạch, cắt bỏ rễ, đem phơi sấy khô
- Tính vị quy kinh: vị cay, tính Hàn vào kinh Can, Phế
- Tác dụng: Phát tán phong nhiệt, lợi niệu giải độc, giải dị ứng
- Ứng dụng lâm sàng: Chữa cảm mạo có sốt, phù thũng, giải dị ứng, giải độc chữa mụn nhọt, làm mọc ban chẩn
- Liều dùng: 4-8g/ngày
- Cách dùng: sắc uống
4. Bạc hà
- Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ phơi khô của cây bạc hà, thuộc họ Hoa Môi
- Tính vị: vị cay tính mát quy kinh Phế, Can
- Tác dụng: Phát tán phong nhiệt, mát họng, làm mọc ban chẩn
- Ứng dụng lâm sàng: điều trị các chứng cảm mạo có sốt, chữa viêm màng tiếp hợp cấp dị ứng, điều trị viêm họng, đau họng, làm mọc các nốt ban chẩn trong bệnh sởi, thủy đậu, sốt phát ban.
- Liều dùng: 4-12g/ngày
- Cách dùng: sắc uống
5. Cúc hoa
- Bộ phận dùng: hoa phơi khô của cây cúc hoa trắng và cúc hoa vàng
- Tính vị: vị đắng, ngọt, tính Hàn quy kinh Phế, Can, Thận
- Tác dụng: phát tán phong nhiệt, giải độc, giáng áp
- Ứng dụng lâm sàng: điều trị các chứng cảm mạo phong nhiệt, bệnh truyền nhiễm thời kì đầu. Chữa các chứng đau đầu, cao huyết áp, mụn nhọt
- Liều dùng: 8-16g/ ngày
- Cách dùng: Sắc uống, pha trà
- Kiêng kị: Tỳ vị hư hàn, tiêu chảy mạn tính
Ngoài ra điều trị cảm mạo phong nhiệt còn có màn kinh tử, Mộc tặc, Cúc tần, Đạm trúc diệp, Lá đại bi… để xông hơi giải cảm và sắc uống cũng rất hiệu quả.