VỊ THUỐC TỪ CẢI MA LÙN HAY CÒN GỌI LÀ CẢI HOANG
Cải ma lùn hay còn gọi là cải hoang, cải cột xôi (tên khoa học Rorippa indica (L.) Hiern) là một loài rau mọc hoang ở hầu hết các vùng trên đất nước ta, tập trung chủ yếu ở các nương rẫy, bãi đất hoang hóa, bờ ruộng, nơi ẩm ướt và khe tường.
1. Mô tả
Theo Đông Y, dược liệu Cải hoang vị cay, tính ấm; có tác dụng làm long đờm, ngừng ho, hoạt huyết, lợi tiểu, giúp tiêu hoá, tiêu tích. Thường dùng trị: Cảm mạo phát sốt, đau họng; Ho, viêm khí quản mạn tính; Phong thấp cấp; Viêm gan, giảm niệu; Tiêu hoá không bình thường. Cũng dùng chữa huyết hư kinh bế, mụn nhọt ung thũng và rắn cắn.
Cây thảo, cao 10 – 30 cm, có khi hơn. Rễ là một nhánh duy nhất. Ở cây sống hàng năm và cây sống dai, thân phân nhánh ngay từ gốc, có khía, nhẵn hoặc có lông. Lá mọc so le, lá ở gốc có cuống với 2 – 4 tai nhỏ, các lá khác đơn và thuôn thành cuống ngắn; tất cả đều nhẵn hoặc có lông, dài 1,3 – 3 cm, rộng 2 – 4 cm, mép khía răng.
Cụm hoa mọc thành ngù sau biến thành chùm quả, dài 4 – 10 cm với một lá bắc duy nhất tồn tại ở gốc; hoa nhỏ màu vàng; đài 4 răng thuôn, màu vàng ở mép, màu lục ở giữa; tràng 0; nhị 6, 2 cái ngắn hơn, chỉ nhị dài hơn bao phấn; bầu hình trụ, 2 ô, mang 6 tuyến không đều ở gốc, noãn nhiều. Quả cải, hình sợi chỉ, dài 2 cm, rộng 1mm; hạt xếp thành hai dãy, hình tim dẹt. Mùa hoa từ tháng 8 đến tháng 11 hoặc gần như quanh năm.
Cải ma lùn là cây sống 1 năm, ưa ẩm và chịu bóng. Cây thường mọc thành đám nhỏ trên đất ẩm, lẫn với một số loài cây khác, ở trong vườn, ven đường đường đi, bãi bồi ven sông suối hay trên nương rẫy và ruộng trồng hoa màu. Hàng năm, cây con mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 – 5; sau gần 2 tháng đã thấy hoa và sau khi quả già toàn cây sẽ bị tàn lụi.
2. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc từ cải hoang (cải ma lùn):
Bài 1: Cải hoang 20 - 30g nấu canh ăn hoặc hãm trà uống 5 - 7 ngày, bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, giải thử, bù tân dịch. Thích dụng cho những người cảm sốt, háo khát, mất nhiều mồ hôi... Có thể cho thêm lá sen non để nâng cao hiệu quả.
Bài 2: Cải hoang, sài đất, tất cả đồng lượng 20 - 30g đem xào hoặc nấu canh ăn 5 - 10 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm tán kết. Thích dụng trị các chứng rôm sảy, lở ngứa, viêm họng cấp và mạn tính, ho, viêm phổi, mụn nhọt...
Bài 3: Cải hoang, lá sen non, mã đề, tất cả đồng lượng 15 - 20g đem nấu canh ăn hoặc sắc uống hằng ngày, có tác dụng thanh can, giáng hỏa, lợi niệu, tiêu phù, phá báng tích. Thích dụng cho các trường hợp gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa gan, xơ gan cổ trướng, viêm nhiễm đường tiết niệu...
Bài 4: Cải hoang 20 - 30g, hoàng kỳ 15 - 20g, chân giò lợn 20 - 30g. Hoàng kỳ sắc kiệt lọc lấy nước bỏ bã, sau đó cho chân giò vào ninh nhừ, tiếp đó cho rau cải hoang vào nấu canh ăn 2 - 3 bữa trên tuần. Bài thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, thích dụng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, thiếu máu, sau phẫu thuật, phụ nữ mới sinh nở, thời kỳ kinh nguyệt...
Bài 5: Cải hoang 20g, củ cải 10g, mã đề 20g, tất cả đem xào hoặc nấu canh ăn 5 - 7 ngày, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp tiêu phù. Thích dụng trong các trường hợp viêm gan thể ứ nước, suy tim, tràn dịch màng phổi, viêm thận cấp và mạn tính, tiểu ít, tiểu khó, tiểu rắt...
Bài 6: Cải hoang 5 - 10g, hoa bưởi 3 - 5g đem hãm trà uống hằng ngày có tác dụng ích khí, cường vị, tiêu thực. Thích dụng trong các trường hợp ăn uống khó tiêu, đầy bụng sinh hơi, viêm loét dạ dày, nôn nấc, ngáp vặt...
Mai Thanh