VĂN HÓA TÂM LINH VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI
Bài đăng Tạp chí Sức khoẻ Cộng đồng số 11+12 ngày 20/06/2022
Định nghĩa về “sức khỏe” theo tổ chức y tế thế giới (WHO): Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Đây là định nghĩa được sử dụng nhiều nhất, từ đó, giúp chúng ta ý thức được việc chăm sóc sức khỏe cần phải chú ý đến cả thể chất, tinh thần và đời sống tâm linh.
Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rời
“Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rời” hiểu một cách đơn giản: Cơ thể là một khối thống nhất nên ý nghĩ và cơ thể liên quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau.
Khi ý nghĩ biến thành hành động thì có nghĩa là ý nghĩ đã tác động lên cơ thể. Sự chán nản, bi quan, suy nghĩ tiêu cực thì cơ thể tiết ra hormone gây căng thẳng, mệt mỏi sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây rối loạn chuyển hóa và dễ mắc các loại bệnh trong đó có ung thư. Ngược lại, sự vui vẻ, lạc quan, suy nghĩ tích cực cơ thể bạn sẽ tiết các hormone có lợi giúp bạn minh mẫn, tự tin, tăng cường sức khỏe. Biểu hiện khuôn mặt tươi tắn, rạng rỡ và khi đó có thể lan tỏa những điều tích cực đến mọi người. Biểu tượng đẹp nhất của suy nghĩ tích cực là nụ cười, mọi người thường chỉ biết nụ cười là thể hiện của tâm trạng vui vẻ mà ít ai biết được tác dụng y học của nó. Theo nhiều nghiên cứu khi cười giúp giảm thiểu các loại hormone khiến căng thẳng mệt mỏi và giúp kích thích cơ thể sản sinh ra các hormone hạnh phúc và các tế bào miễn dịch làm cơ thể khỏe mạnh, vui vẻ, giảm đau và phòng chống bệnh tật.
Khi bình tĩnh, vui vẻ, hạnh phúc có thể tiết ra hormone có thể chữa lành bệnh. Điều này chứng minh rằng “Bác sĩ tốt nhất chính là bạn, tinh thần là loại thuốc mạnh nhất, tự nhiên nhất cho sức khỏe, đều có thể trị liệu mọi chứng bệnh của cơ thể”.
Hành động của cơ thể cũng có tác động ngược trở lại tới suy nghĩ. Khi ăn các loại thực phẩm như sữa, ngô, đắm mình trong ánh nắng mặt trời, hay luyện tập thể thao đều đặn sẽ giúp cơ thể sinh ra hormone Serotonin. Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng, ngăn ngừa trầm cảm, cản trở sự kích động, khiến chúng ta thấy hạnh phúc và hòa đồng.
Điều đó chứng tỏ suy nghĩ và cơ thể liên quan mật thiết đến nhau không thể tách rời, thiếu đi một yếu tố thì không thể tạo ra một con người hoàn thiện. Những suy nghĩ tích cực có thể giúp con người vui vẻ, phòng chống bệnh tật. Vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ và hành động tích cực để tạo ra kết quả tích cực mang đến cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc cho bản thân mình và mọi người xung quanh.
Văn hóa tâm linh với sức khỏe
Mức độ cao hơn tâm trí là tâm linh. Tâm linh có thể được hiểu là thứ cao cả nhất, sâu sắc nhất trong tâm trí con người.
Hoạt động tâm linh là những phong tục gắn liền với đời sống văn hoá của mỗi con người. Khi tham gia các hoạt động tâm linh có thể cải thiện cảm xúc và có những tác dụng hữu ích đối với sức khỏe. Dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học, tâm linh được cho là một thói quen tinh thần lành mạnh. Những người tham gia hoạt động tâm linh có xu hướng lạc quan yêu đời. Từ đó giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm lo âu, huyết áp hay đột quỵ. Sau một thời gian dài gắn bó, họ sẽ cảm nhận sức khỏe tăng lên và tràn đầy sức sống cùng năng lượng cho mọi việc.
Tôn giáo là văn hóa tín ngưỡng tồn lâu đời cũng được coi là nét đặc sắc của từng dân tộc quốc gia. Do vậy, hoạt động tâm linh đúng mực không mê tín dị đoan luôn được khuyến khích vì chúng lưu giữ được những phong tục cổ truyền tổ tiên để lại. Đôi khi, đó cũng được coi như mô hình xã hội thu nhỏ mà nơi đây không tấp nập chen chúc áp lực bộn bề. Hoạt động tâm linh sẽ cho phép mọi người tham gia không phân biệt giai cấp xuất thân. Tất cả những gì chúng ta cần là một trái tim yêu thương và tâm hồn trong lành.
Giá trị hoạt động tâm linh không chỉ dừng lại ở việc chăm chỉ đi lễ tại đền chùa. Tâm linh còn trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức tác động lớn đến hành vi và cư xử giữa con người với nhau và con người với xã hội. Hoạt động tâm linh luôn tồn tại dù vô hình hay hữu hình thì chúng cũng được gửi gắm từ sâu bên trong mỗi con người. Đó là sự tồn tại song song với tuổi thọ của mỗi con người cho đến khi họ ra đi thì những vấn đề tâm linh vẫn không ngừng tiếp diễn. Niệm phật, ngồi thiền, ăn chay ngày Rằm, mồng Một sẽ giúp thanh tẩy và đón nhận năng lượng, chữa lành thân tâm trí ...
Chúng ta mắc bệnh đa số là từ suy nghĩ người ta gọi đó là tâm bệnh. Trong tâm linh, cải thiện tinh thần là phương pháp được dùng để ngăn chặn bệnh tật. Tâm trí, tinh thần thoải mái, có niềm tin vào điều tốt và suy nghĩ tích cực có được từ các hoạt động tâm linh như tôn giáo, thiền định và cầu nguyện có thể góp phần chữa bệnh và đem đến cảm giác hạnh phúc.
Việt Nam - Điểm đến của văn hóa tâm linh và sức khỏe
Với văn hoá tâm linh đầy bản sắc, Việt Nam đã được lựa chọn là điểm đến của du lịch tâm linh và du lịch sức khoẻ.
Chúng ta cần phải có các sản phẩm văn hoá tâm linh gắn với sức khoẻ:
- Thực dưỡng chay tốt cho sức khỏe: Các món ăn bài thuốc từ rau, củ, quả, các loại thảo dược hữu cơ;
- Các sản phẩm văn hoá tâm linh bảo vệ môi trường và tốt cho sức khỏe như trầm hương, hương tháp từ thảo dược không ngâm tẩm hóa chất, hương liệu; túi thơm, dầu thơm từ thảo dược tự nhiên…
- Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh từ thảo dược được lấy từ những vùng núi tâm linh như: Yên Tử, Bái Đính, Thất Sơn, ...
Ngoài ra, chúng ta cần mở thêm các phòng khám, phòng khám từ thiện, điểm tư vấn và giới thiệu các sức khỏe tốt cho sk ở các khu tâm linh, tôn vinh văn hoá tâm linh và văn hoá chữa bệnh 54 dân tộc của Việt Nam. Xuất bản những đầu sách về chăm sóc sức khoẻ chủ động chữa lành cả thân - tâm - trí gắn với văn hóa và tâm linh. Học tập Đài Loan, ta có thể thành lập bệnh viện Phật Giáo gắn việc chữa bệnh và tu tập cầu nguyện giải quyết yếu tố tinh thần tốt nhất cho người bệnh. Ngoài bác sĩ chữa bệnh theo các phác đồ khoa học, còn có các nhà sư giảng giải về cuộc đời, sự luân hồi, luật nhân quả, sức mạnh của tình yêu thương. Yêu thương, tha thứ, buông bỏ, từ bỏ tam độc (tham, sân, si) sống và hành động trong chính niệm, hóa giải được nghiệp bệnh, khiến tinh thần người bệnh được thoải mái, tâm thế mạnh lên người bệnh quên đi những sợ hãi, lo lắng, oán thù, bực bội sẽ giúp tâm trí và nội môi ngày càng trở nên trong lành, bình an.
Thân thể, tâm trí, tinh thần là tổ hợp không thể tách rời. Cùng với việc nâng cao sức khỏe, điều trị bệnh tật bằng thuốc thang, các phương pháp trị liệu, ẩm thực; việc cải thiện tinh thần và đời sống tâm linh cũng chính là yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Chủ tịch Tổ chức Quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam