HỌC THUYẾT THIÊN NHÂN HỢP NHẤT
Con người với tự nhiên và xã hội luôn mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau, thông qua sự thích nghi, cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội con người sẽ sinh tồn và phát triển. Trong y học cổ truyền, ứng dụng học thuyết này để chỉ đạo các phương pháp dưỡng sinh phòng bệnh giữ sức khoẻ, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đề ra phương pháp chữa bệnh toàn diện.
1. Khái niệm cơ bản
Học thuyết thiên nhân hợp nhất nói lên sự mâu thuẫn và thống nhất giữa con người với hoàn cảnh tự nhiên và xã hội. Con người thích nghi, cải tạo hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội sẽ tồn tại và phát triển.
Cổ nhân ứng dụng học thuyết này để nắm rõ các quy luật tự nhiên và chỉ đạo các phương pháp dưỡng sinh phòng bệnh giữ sức khoẻ, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và đề ra phương pháp chữa bệnh toàn diện.
2. Mối quan hệ giữa hoàn cảnh tự nhiên và con người
• Con người luôn chịu tác động từ hoàn cảnh tự nhiên và xã hội
Hoàn cảnh tự nhiên: hoàn cảnh tự nhiên bao gồm khí hậu, thời tiết, địa lý, thói quen sinh hoạt
- Khí hậu, thời tiết là bốn mùa với 6 thứ khí (lục khí): phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hoả (nóng), luôn luôn có mặt theo mùa tác động đến sức khoẻ con người. Khi sức khoẻ yếu (chính khí hư suy) chúng sẽ trở thành những tác nhân gây bệnh bên ngoài gọi là tà khí… Khi sáu thứ khí này quá mạnh, gây bệnh chúng còn được gọi là lục dâm.
- Hoàn cảnh địa lý: vùng đồng bằng, rừng núi, miền Nam, miền Bắc, thói quen sinh hoạt, phong tục, tập quán,tín ngưỡng… sẽ gây nên những bệnh mang tính chất địa phương và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Hoàn cảnh xã hội: là những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá của xã hội luôn luôn tác động đến tư tưởng tình cảm, đạo đức của con người.
Xã hội chính trị không ổn định, chiến tranh, khủng bố, chia rẽ bè phái chính trị ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, tinh thần con người. Điều kiện kinh tế còn thấp kém, mức sống con người chưa cao là yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tập quán sinh hoạt không lành mạnh, những tập tục, những tư tưởng lạc hậu luôn tác động đến tư duy con người… Tất cả những yếu tố tiêu cực trên là điều kiện gây ra các bệnh nội thương mà đông y thường nói tới.
• Sự thích ứng của con người trước hoàn cảnh tự nhiên và xã hội
Thời tiết, khí hậu và những điều kiện xã hội luôn tác động đến đời sống con người, có những yếu tố tích cực cần thiết cho sự sống của con người, ngược lại có những yếu tố không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Con người cần thích nghi hoàn cảnh, chế ngự và cải tạo tự nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển.
Muốn vậy con người cần có sức khoẻ, tinh thần phải vững vàng biểu hiện ở chính khí và các cơ năng thích ứng của cơ thể luôn luôn quân bình giữa các mặt âm, dương, khí huyết, tinh thần, tân dịch…
3. Sự vận dụng trong y học
a. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung phương pháp phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ của con người
• Phòng bệnh chủ động:
- Cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ đời sống
- Chủ động rèn luyện thân thể
- Thể dục, thể thao: thái cực quyền, khí công, dưỡng sinh…vv
- Chống dục vọng cá nhân, rèn ý chí, cải tạo bản thân và xã hội, xây dựng tinh thần lạc quan…
- Cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh…
• Phòng bệnh thụ động:
- Ăn tốt, mặc ấm, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường
- Điều độ về sinh hoạt, tình dục, lao động
Có thể kết luận phương pháp rèn luyện sức khoẻ của con người trước hoàn cảnh tự nhiên và xã hội bằng câu thơ bất hủ của Tuệ Tĩnh:
“Bế tinh, dưỡng khí, tôn thần,
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
b. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung của các nguyên nhân gây bệnh và vai trò quyết định của cơ thể đối với việc phát sinh ra bệnh tật.
• Nguyên nhân gây bệnh:
- Hoàn cảnh tự nhiên, địa lý với 6 khí, phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa là nguyên nhân gây ra các bệnh ngoại cảm. Khi trở thành tác nhân gây bệnh, lục khí được gọi là lục tà hay lục dâm.
- Hoàn cảnh xã hội gây ra những yếu tố về tâm lý xã hội gọi là thất tình (vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) là nguyên nhân gây các bệnh nội thương.
• Vai trò cơ thể quyết định trong việc phát sinh ra bệnh tật
- Hoàn cảnh tự nhiên và xã hội luôn luôn tồn tại tác động vào con người nhưng bệnh tật chỉ xảy ra do sự thay đổi nội tại của con người, đó là sự giảm sút sức đề kháng còn gọi là chính khí hư làm cơ thể không thích ứng được với ngoại cảnh. Chính khí hư thì tà khí mới xâm hại được, giống như vắng bảo vệ thì trộm mới lộng hành vậy.
c. Học thuyết thiên nhân hợp nhất chỉ đạo nội dung phương pháp chữa bệnh toàn diện của y học cổ truyền
Phải nâng cao chính khí con người bằng các phương pháp như sau:
- Dự phòng trong điều trị: dưỡng sinh, khí công, thái cực quyền…
- Ăn uống bồi dưỡng
- Tâm lý liệu pháp
- Dùng châm cứu, xoa bóp, thuốc hỗ trợ…
Khi dùng thuốc bao giờ cũng chú trọng đến việc chính khí của bệnh nhân, âm dương, khí huyết phải cân bằng, điều hòa… rồi mới đến các thuốc tấn công vào tác nhân gây bệnh.
Y học cổ truyền lấy 3 học thuyết Âm dương, Ngũ hành, Thiên nhân hợp nhất làm căn bản để giải thích cho tất cả các sự vật, hiện tượng xảy ra và mối liên quan giữa con người với thiên nhiên. Từ đó đưa ra các phương án dưỡng sinh, phòng bệnh và điều trị bệnh phù hợp với nguyên nhân gây ra.
Bác sĩ: Minh Nguyễn (Thọ Xuân Đường)