THUỐC HAY CHO NGƯỜI ĐAU MẮT ĐỎ
Bài đăng báo Đời sống gia đình số 42 ngày 18/10/2018
Vào thời điểm thời tiết giao mùa, nhiều người, nhất là người già, do sức đề kháng kém nên rất dễ mắc các bệnh do vi khuẩn, virus gây nên, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Với căn bệnh này, theo các chuyên gia y tế, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống kết hợp chế độ luyện tập thể lực rất quan trọng.
Đông y gọi bệnh đau mắt đỏ là bệnh “Xích nhãn”, hay “Hỏa nhãn" (Xích nhãn nghĩa là mắt đỏ, còn Hỏa nhân là mắt có…nhiều nhiệt). Các thứ phong hỏa nhiệt phát bệnh ở kinh Can gây ra đau mắt đỏ. Bệnh mang tính truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch.
Khi mắc phải chứng này người bệnh thường có triệu chứng: Mắt đỏ, sung huyết, chảy nước mắt, nhiều dử, mắt cộm, khó mở, sợ ánh sáng, có thể bị một mắt rồi lây sang mắt thứ hai, hoặc đồng thời cả hai mắt đều bị, một số trường hợp thị lực suy giảm làm mắt mờ, khả năng nhìn kém…
Để chữa đau mắt đỏ, Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, với căn bệnh đau mặt đó người xưa vẫn thường phối hợp các loại lá: rau bồ ngót tươi (50g); rau má (30g); lá tre (30g); lá chanh (10g); cỏ xước (30g); lá dâu tằm (30g); cà gai (30g). Tất cả mang nấu chung với nhau cho sắc lại, uống hàng ngày thay cho nước. Hoặc người bệnh có thể dùng củ sả (10 lát); gừng sống (3 lát); dâu tằm (6 đọt); bông cúc trắng (3 bông); đậu xanh (1 muỗng giã nát), mang nấu chung và uống thay nước để chữa đau mắt đỏ. Hay cây sống đời (cây bỏng), cây diếp cá. Rửa sạch lá, giã nhỏ đặt nó lên mắt cũng có thể làm dịu nỗi đau mắt đỏ và có thể khỏi nếu làm kiên trì.
Y học cổ truyền chữa đau mặt đỏ, theo Tiến sĩ, Lương y Phùng Tuấn Giang là sử dụng các bài thuốc chữa theo từng thể bệnh nặng - nhẹ dưới đây:
Ở thể nhẹ (với biểu hiện mắt ngứa cộm, nước mắt chảy nhiều, phần lòng trắng chuyển sang màu hung sau đỏ tươi, đau đầu, đau mắt, sợ ánh sáng…) thì dùng các bài thuốc dong y sau:
Bài 1: Kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, hoàng đằng 8g, chút chít 12g, kinh giới 12g, bạc hà (cho saụ) 6g, lá dâu 16g, cúc hoa 12g. Sắc uống.
Bài 2: Kim ngân 10g, Liên kiều 12g, chi tử 8g, hoàng cầm 12g, bạc hà (cho sau) 6g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 6g. Sắc uống.
Bài 3:Tang điệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g, hãm với nước sôi thêm chút đường uống thay trà.
Ở thể nặng (thêm hiện tượng bệnh phát nhanh, hai mắt sưng to, đau nhức, nước mắt mũi đâm đìa, sợ lạnh, sốt, nằm ngồi không yên). Nếu bệnh nặng hơn thì người bệnh không nguủ được, ăn không ngon có bài thuốc Bát chính tán: Đại hoàng 10g, mộc thông 12g, xa tiền tử 12g, cù mạch 12g, chi tử 12g, cam thảo chích 8g, Sấy khô tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g, uống với nước sắc đăng tâm thảo. Nếu có biểu hiện toàn thân (sốt nhẹ, người mệt mỏi, viêm họng nhẹ, nuốt thấy vướng, hạch trước tai sờ nắn thấy đau. . .) có thể xông cả người bằng nồi nước xông có thêm trầu không.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuõc thì các loại thực phẩm mà người đau mắt đỏ nên kiêng là tỏi, ớt, hành, hẹ hay thịt chó. .. vì những thực phẩm này sẽ làm tăng cảm giác nóng, rát cho mắt, hoặc tình trạng đỏ hơn. Ngoài ra nên ăn kiêng đồ tanh như: cá, mực, tôm, cua. .. vì có thể tác động xấu vào tình trạng của viêm kết mạc, làm cho tình trạng đau mắt đỏ nặng thêm. Cũng không nên uống rượu bia vì các chất kích thích làm giảm tầm nhìn, giảm khả năng nhận biết nhạy bén của mắt xuống một cách đáng kể và khiến cho bệnh càng nặng hơn.
Người bệnh nên ăn các loại rau có mau xanh đậm như: rau bina, rau cải... Các loại trái cây và rau củ quả có màu cam như bí ngô, cam, cà rốt, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó có thể ăn thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, gan lợn. Uống nhiều nước, khoảng 6-8 cốc nước/ngày để giữ độ âm cần thiết cho mắt.
THÀNH VŨ