CÁCH TRỊ ĐAU MẮT ĐỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài đăng báo Người cao tuổi số 145 ngày 11/9/2018
Vào thời khắc giao mùa, NCT do sức đề kháng kém nên rất dễ mắc các bệnh do vi khuẩn, virus gây nên. Nhiều căn bệnh tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng gây không ít phiền toái cho NCT như cúm mùa, đau mắt, đau răng lợi, mẩn ngứa… TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường – Nhà thuốc Đông y gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam tư vấn cho độc giả về cách phòng và điều trị đau mắt đỏ.
Bà Ngô Phương Thảo, 65 tuổi, ở Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội hỏi: Dạo này có nhiều người đau mắt đỏ, tối rất sợ vì năm ngoái vào thời điểm này cả nhà tôi cũng bị đau mắt. Xin Lương y cung cấp những kiến thức về y học cổ truyền trong việc phòng và trị bệnh đau mắt đỏ cho NCT.
TS Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ nhiệm Nhà thuốc dong y Thọ Xuân Đường:
Hiện tại, tiết trời giao mùa từ Hè sang Thu, da cơ thường bó lại, nhiệt tà từ mùa Hè chưa kịp thoát ra nên cơ thể rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, huyết áp, tim mạch, phổi… Nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn.
Y học cổ truyền gọi bệnh đau mắt đỏ là bệnh “Xích nhãn” hay “Hỏa nhãn” (Xích nhãn nghĩa là mắt đỏ, còn Hỏa nhãn là mắt có nhiều nhiệt). Các thứ phong hỏa nhiệt phát bệnh ở kinh Can gây ra đau mắt đỏ. Bệnh mang tính truyền nhiễm, dễ lây lan thành dịch. Khi mắc phải chứng này người bệnh thường có triệu chứng: Mắt đỏ, xung huyết, chảy nước mắt, nhiều dử, mắt cộm, khó mở, sợ ánh sáng, có thể bị một mắt rồi lây sang mắt thứ hai hoặc đồng thời cả hai mắt đều bị, một số trường hợp thị lực suy giảm làm mắt mờ, khả năng nhìn kém…Với NCT, khả năng nhiễm bệnh thấp hơn các lứa tuổi khác vì mô liên kết mặc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển, tuy nhiên cũng không thể coi thường khi bệnh lây lan thành dịch. Việc giữ cho cơ thể thanh mát, môi trường sống xing quanh cũng như môi trường sống trong cơ thể (nội môi) sạch sẽ không nhiễm độc thì khả năng mắc bệnh sẽ hạn chế và có mắc bệnh cũng nhanh chóng khỏi bệnh.
Dinh dưỡng và các bài thuốc nguồn gốc thiên nhiên cho người đau mắt đỏ
Người xưa vẫn thường phối hợp các loại lá: Rau bồ ngót tươi (50g); rau má (30g); lá tre (30g); lá chanh (10g); cỏ xước (30g); lá dâu tằm (30g); cà gai (30g). Tất cả mang nấu chung với nhau cho sắc lại, uống hằng ngày thay cho nước. Hoặc người bệnh có thể dùng củ sả (10 lát); gừng sống (3 lát); dâu tằm (6 đọt); bông cúc trắng (3 bông); đậu xanh (1 muỗng giã nát) mang nấu chung và uống thay nước để chữa đau mắt đỏ. Hay cây sống đời (cây bỏng), cây diếp cá. Rửa sạch lá, giã nhỏ đặt nó lên mắt cũng có thể làm dịu nỗi đau mắt đỏ và có thể khỏi nếu làm kiên trì.
Y học cổ truyền sử dụng các bài thuốc điều trị đau mắt đỏ theo từng thể bệnh:
- Ở thể nhẹ (mắt ngứa cộm, nước mắt chảy nhiều, phần lòng trắng chuyển sang màu hung sau đỏ tươi, đau đầu, đau mắt, sợ ánh sáng,…).
Bài 1: Kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, hoàng đằng 8g, chút chít 12g, kinh giới 12g, bạc hà (cho sau) 6g, lá dâu 16g, cúc hóa 12g. Sắc uống.
Bài 2: Kim ngân 16g, liên kiều 12g, chi tử 8g, hoàng cầm 12g, bạc hà (cho sau) 6g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 6g. Sắc uống.
Bài 3: Tang điệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc điệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g, hãm với nước sôi thêm chút đường uống thay trà.
- Ở thể nặng: Thêm hiện tượng bệnh phát nhanh, hai mắt sưng to, đau nhức, nước mắt mũi đầm đìa, sợ lạnh, sốt, nằm ngồi không yên. Nếu bệnh nặng hơn thì người bệnh không ngủ được, ăn không ngon có bài thuốc Bát chính tán: Đại hoàng 10g, mộc thông 12g, xa tiền tử 12g, cù mạch 12g, chi tử 12g, cam thảo chích 8g. Sấy khô tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g, uống với nước sắc đăng tâm thảo. Nếu có biểu hiện toàn thân (sốt nhẹ, người mệt mỏi, viêm họng nhẹ, nuốt thấy vướng, hạch trước tai sờ nắn thấy đau…) có thể công cả người bằng nồi nước xông có thêm trầu không.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn uống cũng rất quan trọng. Các loại thực phẩm mà người đau mắt đỏ nên kiêng là tỏi, ớt , hành, hẹ hay thịt chó… vì những thực phẩm này sẽ làm tăng cảm giác nóng, rát cho mắt hoặc tình trạng đỏ hơn. Ngoài ra nên ăn kiêng đồ tanh như cá, mực, tôm, cua… vì có thể tác động xấu vào tình trạng của viêm kết mạc, làm cho tình trạng đau mắt đỏ nặng thêm. Cũng không nên uống rượu bia vì các chất kích thích làm giảm tầm nhìn, giảm khả năng nhận biết nhạy bén của mắt xuống một cách đáng kể và khiến cho bệnh càng nặng hơn.
Người bệnh nên ăn các loại rau có màu xanh đạm như: Rau bina, rau cải,… Các loại trái cây và rau củ quả có màu cam như bí ngô, bí, cam, cà rốt, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó có thể ăn thị nạc, lòng đỏ trứng gà, gan lợn. Uống nhiều nước, khoảng 6-8 li nước/ngày để giữ độ ẩm cần thiết cho mắt. Trong sinh hoạt nên dùng riêng khăn mặt, chậu rửa mặt và đeo khẩu trang trong thời kì mang bệnh để tránh lây lan sang người khác.
Cuối cùng, dù là bệnh gì cũng nên kết hợp chế độ luyện tập thể lực, giữ gìn sức khỏe bản thân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Áp dụng dưỡng sinh hợp tứ thời (bốn mùa) chính là đạo của trời đất. Có như vậy khi thiên nhiên giao mùa thì con người mới dễ dàng thích ứng, không lo mắc bệnh.
Để được tư vấn về sức khỏe mời quý vị liên hệ nhà thuốc Thọ Xuân Đường:
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282