NAM Y CHỮA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 189 (3542) thứ 6 ngày 22/09/2023
Trong 30 quốc gia có mật độ lưu hành sốt xuất huyết cao nhất thế giới thì Việt Nam đang đứng thứ ba. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, đặc biệt là người NCT và trẻ nhỏ.
Với NCT, sức đề kháng suy giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là khi nằm trong vùng có dịch. Hiện nay, bệnh sốt xuất huỵết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị... Trước tình hình sốt xuất huyết đang gia tăng trong cộng đồng, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam - Chủ Tịch Viện nghiên Cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, tư vấn về cách phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết theo y học cổ truyền.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xảy ra đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị...
Sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng là sốt và xuất huyết, nặng có thể sốc, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng vào các tháng mùa mưa. Muỗi Aedes (thường ở nơi tối trong nhà và lùm cây) sau khi hút máu người mang virus Dengue, muỗi cái có thể ngay sau đó hút máu người lành nên làm lây truyền bệnh. Muỗi bị nhiễm virus Dengue có thể truyền bệnh suốt vòng đời của nó (khoảng 174 ngày).
Theo Y học cổ truyền, Sốt xuất huyết Dengue thuộc phạm vi chứng Ôn dịch, thời độc. Bệnh do nhiệt độc gây ra. Ở độ I, nhiệt độc xâm nhập vào phần vệ. Độ II, nhiệt độc truyền vào phần dinh, huyết, lạc, mạch. Độ III, IV nhiệt độc ứ kết ở phần dinh, huyết.
Y học cổ truyền có thể điều trị sốt xuất huyết như thế nào?
Y học cổ truyền trị tốt các trường hợp sốt xuất huyết độ I và II. Với độ III, IV cần sự kết hợp hồi sức cấp cứu của y học hiện đại.
Trong độ I: Sử dụng Phương trị: Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Với phương dược là các bài thuốc cổ phương gia giảm như Tang cúc ẩm, Ngân kiều tán, Lục nhất tán (độ I); Thanh dinh thang, Tê giác Địa hoàng thang (độ II).
Theo Nam y sẽ điều trị bằng các vị thuốc Nam sau: Cỏ nhọ nồi 20g, Hoa hòe 20g, Trắc bách diệp (sao đen) 20g, Kim ngân hoa 20g, Liên kiều 12g, Lá tre tươi 12g, Rễ có tranh 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, sau ăn (trẻ em 1-5 tuổi dùng liều bằng 1/3 người lớn, 6-13 tuổi bằng 1/2 người lớn). Dùng tối đa 3 ngày, ngừng khi bệnh nhân hết sốt. Sau đó, chỉ cần uống có nhọ nồi sao đen, trắc bách diệp sao đen, hoa hòe sao đen mỗi vị 20g. Có thể kết hợp thêm bột địa long (đã qua bào chế) 6-8g mỗi ngày, chia 2 lần. Các vị thuốc này dùng cho bệnh ở độ I, II và giai đoạn có sốt).
Nếu không có đủ các vị thuốc trên, ngay ngày đầu đang sốt cao có thể dùng 40g cỏ nhọ nồi tươi rửa sạch, giã, uống, ngày thứ 3 khi hạ sốt thì sao đen tồn tính cỏ nhọ nồi sắc uống.
Giai đoạn này châm cứu rất quan trọng, nếu châm đúng huyệt và đúng kĩ thuật thì sau 1 ngày có thể thấy xuất huyết nhẹ dưới da, 3 ngày khỏi bệnh. Châm tả các huyệt: Khúc trì, hợp cốc, nội đình, đại chùy…
Bài thuốc trên có thể dùng để phòng bệnh cho người chưa mắc bệnh sống trong vùng dịch, nên uống từ 7 ~ 10 ngày.
Đề phòng nguy cơ trụy mạch ở giai đoạn hậu sốt xuất huyết
Giai đoạn hết sốt, có sốc do giảm lưu lượng tuần hoàn, trụy mạch (độ III, IV) thì điều trị như sau: Pháp điều trị: Bổ khí, sinh tân. Phương dược: Sinh mạch tán: Nhân sâm 12g; mạch môn 10g; ngũ vị tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kết hợp châm cứu: Cứu hoặc ôn châm các huyệt: quan nguyên, khí hải, nội quan, túc tam lí.
Nếu bệnh nhân bị trụy mạch cần kết hợp y học hiện đại: Truyền dịch, trợ tim mạch, truyền tiểu cầu, truyền máu...
Giai đoạn phục hồi: Giai đoạn này bệnh nhân hết sốt, nốt xuất huyết mờ dần, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ăn ngủ kém, đại tiện lỏng nát. Cần điều trị Tư âm, bổ khí huyết. Có thể dùng các bài thuốc cổ phương gia giảm như: Bổ trung ích khí, Bát trân thang, Thập toàn đại bổ, Quy tỳ thang… tùy vào chứng cụ thể mà lựa chọn và gia giảm cho thích hợp. Kết hợp châm cứu: Châm bố các huyệt: Thận du, cách du, tì du, túc tam lí, tam âm giao.
Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng: “Sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt trong 2 tháng đầu tiên sau khi mắc bệnh”. Đột quỵ là một biến chứng thần kinh nghiêm trọng của sốt xuất huyết.
Khi mới mắc bệnh, cần có sự tư vấn của các thầy thuốc hướng dẫn cách điều trị tại nhà, chưa cần đến bệnh viện, tránh tình trạng quá tải hoặc lây nhiễm chéo.
Nếu nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: Nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước ép trái cây, rau má, rau diếp cá... hay dung dịch Oresol); Ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa và điều trị theo phương pháp Nam y phù hợp với từng giai đoạn như nói trên. Đặc biệt bệnh nhân bị sốt xuất huyết không tự ý mua thuốc tây uống, có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Những lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, cũng có thể phải tới viện điều trị nếu không sẽ gặp nguy hiểm.
- Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, khi có các dấu hiệu sau cần phải đưa bệnh nhân đi nhập viện:
Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết, hoặc những người đang mắc bệnh mạn tính đái tháo đường, bệnh tim mạch…
Sốt cao liên tục không hạ dù dùng thuốc hạ sốt
Bệnh nhân kích thích vật vã, mê sảng hoặc li bì, mê mệt
Thiểu niệu: đi tiểu ít cả về số lần và số lượng
Xuất huyết: đi ngoài phân đen, ra máu âm đạo nhiều, xuất huyết dưới da nhiều…
Đau hạ sườn phải, đau bụng nhiều, bụng chướng lên
Các biểu hiện bất thường khác
- Khi điều trị tại nhà cần chú ý một số điều sau:
Cần hạ sốt đúng cách
Khi bị sốt > 38.5 độ có thể dùng thuốc hạ sốt, thường dùng paracetamol 10-15mg/kg/ngày, cách 6h mới uống 1 lần. Ngoài ra cần kết hợp với chườm ấm để hạ thân nhiệt
Uống nhiều nước
Khi sốt cao sẽ gây mất nước, vì vậy cần bổ sung nước càng nhiều càng tốt theo đường uống. Tốt nhất là dùng oresol, ngoài ra có thể uống nước dừa tươi, nước ép hoa quả, nước rau luộc để bổ sung nước cho cơ thể.
Không nên lạm dụng truyền dịch, vì nếu truyền dịch quá nhiều vào cơ thể có thể gây quá tải dịch truyền, phù phổi cấp… nguy hiểm sức khỏe và tính mạng.
Ăn uống đủ dinh dưỡng
Bệnh nhân sốt xuất huyết rất cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Cần nấu các món dễ tiêu như cháo, súp, canh hầm ấm nóng để bệnh nhân có thể bổ sung dinh dưỡng và cải thiện tiêu hóa.
Nghỉ ngơi hợp lý
Bệnh nhân sốt xuất huyết nên được ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc hay lao động nặng, rất dễ khiến xuất huyết nặng thêm.
Nhập viện khi có dấu hiệu nguy hiểm
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được theo dõi và đưa đi nhập viện khi có dấu hiệu nguy hiểm.
“Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, nhưng cần theo dõi sát để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Chăm sóc sau sốt cũng cần được chú trọng, trong YHCT có nhiều bài thuốc bổ trợ để cơ thể nhanh hồi phục” – TS. Giang nhấn mạnh.
Link báo chí:
https://ngaymoionline.com.vn/nam-y-chua-benh-sot-xuat-huyet-o-nguoi-cao-tuoi-46862.html
Tình Vũ (ghi chép)