NAM Y ĐIỀU TRỊ PHÌ ĐẠI LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT
VÀ UNG THƯ TUYẾN TIỀN LIỆT
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 34 (3387) ngày 17/2/2023
Nam giới từ 50 tuổi trở đi luôn phải đối diện trước nguy cơ mắc bệnh phì đại lành tính tiền tuyến và ung thư tuyến tiền liệt. Khối u ở tuyến tiền liệt không chỉ làm cho bàng quang không tống hết được nước tiểu gây ra rối loạn tiểu tiện cho nam giới mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Với liệu pháp chữa bệnh bằng thiên nhiên, Nam y đã có nhiều thành công trong việc điều trị căn bệnh này.
Tìm hiểu về tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến dưới bàng quang và bọc quanh niệu đạo sau. Tuyến tiền liệt có chức năng ngoại tiết (tiết ra tinh dịch đổ vào niệu đạo) và có chức năng nột tiết.
Tuyến tiền liệt có hình nón hoặc hình trứng. Có 4 mặt: Trước, sau và hai mặt dưới bên. Tuyến tiền liệt chia làm 3 thùy là phải, trái ngăn cách nhau bởi một rãnh ở mặt sau và thùy thứ 3 gọi là eo tuyến tiền liệt hay thùy giữa. Thùy giữa nằm giữa niệu đạo và ống phóng tinh. Tuyến tiền liệt có kích thước khoảng: Rộng 4cm, cao 3cm, dày 2cm và có trọng lượng khoảng 15 - 25g.
Giải phẫu vi thể của tuyến tiền liệt bao gồm: 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Lớp đệm liên kết với vỏ và bao gồm các sợi collagen và sợi cơ trơn, bao quanh các tuyến và co bóp trong lúc phóng tinh đổ tinh dịch vào niệu đạo.
Tinh dịch tiết ra từ tuyến tiền liệt chiếm khoảng 25% toàn bộ lượng tinh dịch được phóng ra trong mỗi lần xuất tinh. Nó có vai trò rất quan trọng cho đời sống của tinh trùng, duy trì chức năng sinh sản, bảo toàn nòi giống và nâng cao chất lượng của đời sống tình dục của con người.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt hay gặp ở nam giới trên 65 tuổi. Ung thư tuyến tiền liệt thường là ung thư biểu mô tuyến, rất biệt hóa, có dấu hiệu ác tính chắc chắn nhất là khi bao tuyến bị xâm nhiễm. Khối ung thư lan tỏa tại chỗ vào các túi tinh, đáy bàng quang và lỗ niệu quản, vào hệ thống mô liên kết và hạch bạch huyết ở vùng tiểu khung. Ít khi gặp khối ung thư lan sang niệu đạo và trực tràng. Giai đoạn cuối thường di căn chủ yếu là vào xương chậu, cột sống thắt lưng, xương đùi, thường gây ra tạo xương hơn là hủy xương. Rất hiếm khi di căn vào tạng.
Triệu chứng
Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Rối loạn tiểu tiện (giống u xơ tuyến tiền liệt) và đau quanh hậu môn. Sự tắc nghẽn này nặng lên nhanh cho thấy có thể là khối u ác tính.;
- Ung thư tuyến tiền liệt có thể có tiểu tiện ra máu, lẫn máu trong tinh dịch và viêm đường tiết niệu;
- Thăm dò trực tràng: Ở tuyến tiền liệt có nhân rắn, không đồng đều hoặc tuyến tiền liệt to lên, rắn, không đều, không đau, không rõ ranh giới và dính vào các phần sâu;
- Di căn xương: Trong nhiều trường hợp người bệnh đi khám vì triệu chứng đau thắt lưng, đau dây thần kinh tọa, đau vùng xương chậu hay do gãy xương bệnh lý. Chẩn đoán hình ảnh (x-quang, CT–scanner, MRI) xác định được ung thư tuyến tiền liệt di căn xương;
- Suy thận: Thiểu niệu, do xâm nhiễm và do tắc nghẽn;
Cận lâm sàng:
- Phosphatase acid của tuyến tiền liệt: Nếu tăng chứng tỏ khối ung thư to lên hay có di căn;
- Kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA): Nồng độ trên 20µg/l hay gặp trong ung thư tuyến tiền liệt, nhưng đôi khi cũng thấy trong phì đại lành tính tuyến tiền liệt, nồng độ trên 100 µg/l rất có thể là ung thư tuyến tiền liệt đã di căn. Xét nghiệm này rất hữu ích trong việc phát hiện ung thư tái phát sau điều trị;
- Hội chứng thiếu máu do ung thư di căn vào tủy xương;
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: Là xét nghiệm chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt;
- Chẩn đoán hình ảnh: Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh phép đánh giá vị trí, kích thước khối ung thư. Chụp đường niệu, mạch bạch huyết, x-quang, xạ hình xương cũng cho phép đánh giá mức độ xâm lấn, di căn của ung thư tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán
Bệnh được chẩn đoán khi thăm dò trực tràng và siêu âm qua đường trực tràng. Việc định lượng PSA không phải lúc nào cũng phân biệt được ung thư với u xơ tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh sau: Tuyến tiền liệt rắn do viêm, u xơ tuyến tiền liệt có viêm hay sỏi tuyến tiền liệt.
Tiên lượng và tiến triển
- Giai đoạn A (ung thư tuyến tiền liệt vi thể tại kẽ tuyến, tiềm tàng, thành ổ nhỏ hay lan tỏa): 10 – 40% trường hợp người bệnh sẽ có triệu chứng trong nhiều năm;
- Giai đoạn B: Khoảng 85 -90% người bệnh ở giai đoạn B1 (nhân < 1,5cm, vẫn còn ở trong vỏ bao), sống sót được sau 5 năm sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm sau phẫu thuật ở người bệnh giai đoạn B2 là <10%;
- Giai đoạn C: Khối ung thư xâm lấn ra khỏi bao, không có di căn xa;
- Giai đoạn D: Khối ung thư xâm lấn vượt ra khỏi bao, có di căn hạch, xương hoặc một số cơ quan khác.
Khoảng 75% trường hợp người bệnh ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán ở giai đoạn C, D với tỉ lệ sống sót trên 5 năm <10%.
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền sự rối loạn tiểu tiện tiểu tiện khó, bí tiểu tiện ... thuộc phạm vi vào chứng lung bế. Tiểu tiện không thông, nhỏ ra từng giọt ngắn ít, thể bệnh mãn gọi là lung. Tiểu tiện đóng lại, bí kết, không thông, thể bệnh cấp gọi là bế.
Nguyên nhân là do rối loạn khí hóa nước ở tam tiêu, bàng quang. Y học cổ truyền chia ra thành những thể sau:
Bàng quang hư hàn, thận dương hư
Do thận dương hư suy không chưng nóng thủy ở thận từ phế tỳ đưa xuống, làm bàng quang hư lạnh không điều hòa được thủy dịch.
Rối loạn tiểu tiện: Tiểu đêm một hoặc nhiều lần, thậm chí tiểu nhiều lần ban ngày nặng thì tiểu tiện vặt, tiểu không tự chủ, tiểu nhỏ giọt khó đi không có sức bài tiết, tiểu tiện són. Bệnh diễn biến đã lâu, có xu hướng dần.
Thận dương hư: lưng đau, chân lạnh, tinh thần uể oải, sợ lạnh, mặt trắng nhạt, tiểu có lẫn chất đục, liệt dương, tảo tinh, lưỡi nhạt bệu, mạch trầm nhược.
Pháp điều trị: Ôn thận hóa khí hành thủy.
Thể can khí uất kết
Do tình chí không thư sướng làm mất đi sự sơ tiết của tạng can, lâu ngày làm khí trệ, huyết ứ, vì vậy kết tụ và ứ trệ ở trong cơ thể ảnh hưởng đến khí hóa của tam tiêu mà sinh bí tiểu tiện. Can khí uất kết lâu ngày làm chức năng sơ tiết rối loạn có thể sơ tiết thái quá ảnh hưởng đến thận, làm tinh quan không bền, thận hư nên tiểu són, tiểu đêm.
Triệu chứng: Tiểu khó, nhỏ giọt hoặc không ra lúc nặng lúc nhẹ, tiểu són hoặc di niệu, đau tức chướng bụng dưới khi có khi không, kèm tinh thần uất ức, hay nổi cáu hoặc đa phiền, choáng đầu, mất ngủ, miệng đắng, họng khô, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền sác hoặc sáp.
Pháp điều trị: Hành khí tiêu tích, hoạt huyết thông lạc.
Niệu lộ ứ tắc
Khí huyết ứ trở, huyết ứ, ứ trở bàng quang, đàm ngưng ứ trở...
Triệu chứng: Bị rối loạn tiểu tiện đã lâu, tiểu ra nhỏ giọt, tia nước tiểu yếu hoặc không thành tia hoặc thành nhiều tia, phải đứng lâu mới tiểu tiện hết, khi tiểu phải rặn. Nặng thì bí tiểu tiện, tiểu đau, đầy chướng bụng dưới, đau chói không di chuyển. Miệng lưỡi tím có điểm ứ huyết, mạch sáp.
Pháp điều trị: Hành ứ tán kết, lợi niệu.
Tỳ khí hư (tỳ hư khí hãm)
Triệu chứng: Bệnh phát trì hoãn, không có sức đẩy nước tiểu ra, hoặc tiểu tiện phải gắng sức, ra nhỏ giọt, sót rớt dầm dề, lao động quá sức thì bệnh nặng hơn, bụng dưới chướng trệ. Sắc mặt không tươi, tinh thần mệt mỏi, hơi thở ngắn, tiếng nói nhỏ yếu, ăn không ngon miệng, tay chân lạnh, tự ra mồ hôi, lưỡi nhạt hoặc nhạt bệu, rìa lưỡi có nếp hằn răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch nhược vô lực.
Pháp điều trị: Ích khí, kiện tỳ, lợi niệu.
Thể thận âm hư
Triệu chứng: Mót tiểu mà đi tiểu tiện không ra, lưng đau, chân mỏi, đầu váng, hoa mắt, ngũ tâm phiền nhiệt, di tinh, rối loạn sinh dục, vùng hội âm có cảm giác nặng tức, ngũ tâm phiền nhiệt, lưỡi đỏ, mạch trầm tế sác.
Pháp điều trị: Ích thận tư âm, thanh tiết tướng hỏa.
Bàng quang thấp nhiệt
Triệu chứng: Tiểu nhiều, tiếu dắt, tiểu buốt, tiểu đục, tiểu ra máu, đường tiểu nóng, đau, vùng hội âm chướng đau, đau lan đến bụng dưới, xuống xương cùng, âm hành và đùi, toàn thân lúc nóng lúc lạnh, nước tiểu vàng, đỏ hoặc đau, táo bón, miệng khô, đắng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng bệu, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi niệu.
Chữa phì đại lành tính tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt bằng Nam Y
Với nền y học thuần Việt – Nam y (y học cổ truyền Việt Nam), đã điều trị bệnh ung thư nói chung và phì đại lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt nói riêng bằng những liệu pháp tự nhiên đã cho nhiều kết quả tốt. Với chẩn đoán tỉ mỉ từ triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, tứ chẩn để phân tích cụ thể trên từng người bệnh mà đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất:
- Dùng thuốc sắc theo phương Kỳ Môn y pháp, có gia giảm phù hợp cho từng thể bệnh, từng đối tượng người bệnh;
- Dùng các loại thuốc viên, linh đan có tác dụng giải độc cơ thể, khí huyết, tạng phủ, tiêu khối bất thường;
- Châm cứu hoặc cấy chỉ để tập trung năng lượng nội sinh để tiêu u, chống co thắt niệu đạo, giải quyết tình trạng tiểu khó;
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi sống, uống nước hydrogen ion kiềm để kiềm hóa cơ thể và điều hòa các rối loạn chuyển hóa, tốt cho người bệnh mắc các bệnh chuyển hóa, ung thư, miễn dịch;
- Hướng dẫn người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh: Luyện ý, luyện hình để tinh thần, hình thể khỏe mạnh để tăng thêm sức chống đỡ bệnh tật.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang