SỰ LIÊN QUAN GIỮA UNG THƯ VÀ HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH
Bài đăng Tạp chí Người Cao tuổi số 64 (3417) ngày 31/3/2023
Nguyên nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh nhân ung thư. heo thống kê, có đến 20% số lượng bệnh nhân được chẩn đoán ung thư có nguy cơ bị biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Chúng ta cùng tìm hiểu liên quan giữa ung thư và huyết khối tĩnh mạch.
Quá trình đông máu và cơ chế hình thành huyết khối
Quá trình đông máu trong cơ thể diễn ra dựa trên cơ sở của 3 yếu tố: Mạch máu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu trong huyết tương. Mỗi yếu tố lại giữ một chức năng trong quá trình đông máu.
Chức năng của mạch máu trong quá trình cầm máu là co mạch, dồn máu vào mô xung quanh phản xạ co mạch có thể được kích thích bởi yếu tố đau. Bình thường, nội mô mạch máu có khả năng tiết Oxit nitơ và Prostacyclin để thúc đẩy dòng chảy và giảm sự kết dính của tiểu cầu, giãn mạch máu, làm cho máu lưu thông dễ dàng trong lòng mạch, khi tế bào nội mô bị tổn thương nó sẽ không tiết ra chất này nữa. Khi nội mạc mạch máu bị tổn thương để lộ ra lớp collagen, tiểu cầu sẽ đến và bán dính vào lớp collagen này. Sau sự bám dính này, nó sẽ kích hoạt tiểu cầu tiết ra ADP và Thromboxan A2, những yếu tố này sẽ thu hút những tiểu cầu khác đến tập kết để tạo thành nút tiểu cầu. Song song với đó là sự kích hoạt con đường đông máu nội sinh và ngoại sinh thành lập sợi Fibrin, mạng lưới này sẽ bắt giữ hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương để tạo nên cục máu đông. Trong điều kiện bình thường thì hoạt động này hoàn toàn có lợi cho cơ thể, nhưng khi cơ thể rơi vào hoàn cảnh bệnh lý sẽ làm kích hoạt quá trình đông máu và hình thành cục máu đông, lưu trú ở những vị trí không phù hợp thì có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thuyên tắc huyết khối mạch máu thường gồm 2 bệnh lý: Một là thuyên tắc tĩnh mạch sâu, hai là thuyên tắc động mạch phổi. Trong đó thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu thường gặp và là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong.
Ung thư và nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch
Đây là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 ở nhóm bệnh nhân ung thư. Theo thống kê, có đến 20% số lượng bệnh nhân được chẩn đoán ung thư có nguy cơ bị biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Và bệnh nhân ung thư đã từng có huyết khối tĩnh mạch sẽ có tỷ lệ tái phát cao sau này. Nếu bệnh nhân ngừng thuốc sau khi đã được điều trị bằng thuốc chống đông thì tỷ lệ tái phát lại là 15%, phụ thuộc vào tình trạng bệnh (đã di căn hay chưa, có điều trị hóa chất hay không, tốc độ tiến triển của bệnh).
Tại sao ung thư lại tăng khả năng gây huyết khối tĩnh mạch?
Như bên trên đã nói, để hình thành được cục máu đông trong máu cần phải có sự liên quan của các yếu tố căn bản đó là mạch máu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu. Khi một trong số những yếu tố khởi phát nhu cầu đông máu xuất hiện như tổn thương tế bào nội mô mạch máu, trạng thái tăng đông, ứ trệ tuần hoàn thì nó sẽ kích hoạt cả một quá trình đông máu diễn ra. Trên nền bệnh nhân ung thư chúng ta có thể xét đến các yếu tố nguy cơ như: Bệnh nhân nằm tại giường lâu ngày, tăng độ nhớt của máu, ứ trệ tuần hoàn, tuổi tác, giãn tĩnh mạch, gây mê, gây tê; các can thiệp xâm lấn làm tổn thương nội mạc mạch máu (đặt đường truyền trung tâm tĩnh mạch dưới đòn), phẫu thuật, sự phát triển của tế bào ung thư, chấn thương, các hoạt chất được tiết ra từ tế bào ung thư gây ảnh hưởng chức năng tiểu cầu, nhiễm trùng, có thai, thừa cân, hội chứng thận hư, tiền sử gia đình, tiền sử đã từng có huyết khối, thiếu protein C, S, antithrombin III, giảm tiểu cầu do Heparin, không hoạt hóa protein C, kháng thể kháng phospholipid, sau sinh, tăng nồng độ hormone Estrogen trong máu,… Ngoài các yếu tố trên thì việc can thiệp các thủ thuật hoặc phương pháp điều trị trong ung thư cũng sẽ mang lại hậu quả hình thành cục huyết khối như việc điều trị ung thư bằng các hóa chất như Bevacizumab, Sorafenib, Thalidomide, Sunitinib, Lenalidomide để làm giảm sự hình thành mạch máu. Khi điều trị hóa trị liệu sẽ làm tổn thương mạch máu cấp tính hoặc không cấp tính, làm ức chế các chất chống đông máu và kích hoạt tiểu cầu.
Nhóm bệnh nhân ung thư nào dễ bị huyết khối tĩnh mạch?
Tuy nguyên nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh nhân ung thư nhưng tỷ lệ tử đó cũng được xếp loại theo từng nhóm bệnh nhân ung thư. Xếp thứ tự cao nhất phải kể đến ung thư ống tiêu hóa như ung thư tụy, dạ dày, tiếp đó là đến ung thư não, ung thư phổi, u Lympho, ung thư vùng tiểu khung.
Làm thế nào để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch?
Để dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có 2 phương án kết hợp đó là dùng thuốc và không dùng thuốc.
Phương pháp không dùng thuốc:
- Dùng tất chun;
- Dùng bơm hơi áp lực gián đoạn;
- Dùng Filter tĩnh mạch chủ dưới.
Phương pháp dùng thuốc:
- Thuốc chống đông đường uống (kháng vitamin K) tuy nhiên việc sử dụng vitamin K có thể không phải là lựa chọn tối ưu ở bệnh nhân ung thư do nó có khả năng tương tác với một số hóa chất điều trị bệnh lý ung thư;
- Thuốc chống đông đường tiêm (Heparin trọng lượng phân tử thấp, Heparin không phân đoạn).
Việc lựa chọn điều trị chống đông và loại thuốc chống đông vẫn đang còn nhiều thử thách ở nhóm bệnh nhân ung thư khi họ có rất nhiều nguy cơ, chưa kể những bệnh lý nền mà bệnh nhân đang mắc. Khi quyết định lựa chọn phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ phải cân nhắc toàn diện để đưa ra chỉ định phù hợp trong từng ca bệnh lâm sàng.
Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm điều trị các bệnh lý khó trong đó có bệnh lý ung thư, cùng với nhiều năm nghiên cứu và áp dụng lâm sàng, nhà thuốc gia truyền Thọ Xuân Đường đã hoàn thiện phương pháp hỗ trợ điều trị toàn diện cho bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn và dự phòng việc hình thành huyết khối bằng các vị thuốc y học cổ truyền đem lại hiệu quả điều trị tích cực, giảm đau đớn, kéo dài sự sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viên Nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường