CON TRÂU "KHO THUỐC" TRONG ĐÔNG Y
BÀI ĐĂNG BÁO XUÂN TÂN SỬU 2021 TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Trong 12 con giáp thì trâu (Sửu) đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác. Người Việt Nam xem con trâu là một tài sản vô cùng quý giá: "con trâu là đầu cơ nghiệp". Trong y học, nhiều bộ phận của loài vật này được dùng làm thuốc trị bệnh.
Vị trí và ý nghĩa của con trâu
Theo cách phân chia thời gian của người Trung Hoa xưa, trong 12 địa chi (thập nhị chi), trâu mang pháp danh là Sửu, đứng hàng thứ hai sau Tý và đứng trước 10 con vật khác, 12 con vật được đứng trong sách lịch pháp trên nay là đại diện cho các loài. Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm.
Trong nhân tướng học, người có tướng miệng trâu, hai môi dày mà nở, là tướng phú quý, trường thọ, khôn ngoan. Người có răng trâu, dài đều thẳng hàng, thì vinh hoa bổng lộc. Người có dáng đi đủng đỉnh như trâu là tướng giàu có nhàn nhã. Có người bênh Trâu, viện lí do to xác, nên đi chậm. Nhưng heo cũng to xác, phục phịch, mà sao đánh hơi thấy có thức ăn lại chạy nhanh thế. Đúng ra trâu cũng có chạy, nhưng chỉ khi nào thật cần thiết, hay nguy cơ đến tánh mạng. Cho nên tục ngữ ta có câu: "Trâu chậm uống nước đục", thật không có gì hay bằng, vừa gợi hình, vừa gợi ý, vừa nghĩa bóng, vừa nghĩa đen, ai nghe qua cũng hiểu liền..
Cuộc khủng hoảng covid 19 làm kinh tế toàn cầu ngày càng thê thảm, sa lầy trầm trọng thì Xuân năm Sửu đã bắt đầu lấp ló ở cuối đường hầm. Con trâu biểu hiệu cho no đủ, đất ruộng màu mỡ, gạo thóc đầy kho.
Con trâu “kho thuốc” trong đông y
Theo Đông y, tất cả các bộ phận của con trâu đều có thể dùng chữa bệnh như thịt, da, xương, lông, móng, sỏi mật, răng...
Thịt trâu là nguyên liệu chính để chế biến những món đặc sản như thịt trâu nấu với rau cần, lá lốt, rau sưng, ngổ điếc. Thịt trâu luộc, kho, quay, nướng, xào, hầm, nấu cháo, nấu cari, hấp gừng... đều có tính bổ dưỡng cao, tăng lực, mạnh gân cốt.
Theo các nhà dinh dưỡng, thịt trâu có ưu điểm là ít mỡ hơn thịt bò. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, những người làm việc bằng trí óc, người béo phì, huyết áp cao hoặc xơ vữa động mạch hay có nhiều cholesterol trong máu thì thịt trâu là món ăn rất thích hợp.
Theo Đông y, tất cả các bộ phận của con trâu đều có thể dùng chữa bệnh như thịt, da, xương, lông, móng, sỏi mật, răng...
Khi trâu bị bệnh sỏi mật sẽ sinh ra một chất gọi là "ngưu hoàng" tức là sỏi mật của trâu. Ngưu hoàng được các thầy thuốc xem như là một loại biệt dược có tác dụng vào hai kinh "tâm" và "can" có tác dụng thanh tâm, khai đờm, giải độc và chữa hồi hộp.
Đây là loại thuốc mà thời xưa chuyên trị các chứng trúng phong bất tỉnh, nhiệt quá hóa cuồng, thần trí hôn mê… Ngưu hoàng có tác dụng làm tăng huyết sắc tố, tăng lượng hồng cầu và tăng mạch đập của tim. Ngoài ra còn trị các chứng cổ họng sưng đau, nhọt và thậm chí là ung thư.
Tuy nhiên, ngưu hoàng có vị đắng và hơi độc "kỵ" với phụ nữ mang thai nên có thể làm trụy thai cho nên phụ nữ mang thai không nên dùng.
Răng trâu: Còn gọi là Ngưu xỉ. Người ta “bào chế” ngưu xỉ bằng cách tán bột sau khi đốt cho cháy và nhúng dấm. Bột ngưu xỉ có tác dụng điều trị chốc đầu trẻ con, răng long ở người già và chống động kinh.
Da trâu: Nấu da trâu rồi cô lại cho đặc gọi là a dao. Khi chỉ định chữa bệnh, a dao có tên là "ngưu dao ẩm". Người ta dùng "ngưu dao ẩm" sắc với rượu để trị các chứng bệnh như ghẻ ngứa, nhọt độc...
Cao xương trâu: Dùng xương trâu nấu cao đơn thuần hoặc phối hợp với các loại xương khác gà, heo, chó, dê, trăn, khỉ... thành cao xương hỗn hợp. Dùng để làm thuốc bổ gân xương, bồi bổ canxi, chất keo cho các đối tượng già yếu, trẻ em chậm biết đi.
Lấy cao xương hỗn hợp phối hợp thêm các vị thảo dược như ngũ gia bì, đảng sâm, thục địa, cẩu tích sẽ cho tác dụng tăng dược tính của bài thuốc cần dùng.
Xương trâu: Dùng xương tươi mới, chặt đoạn nhỏ (cả tủy) ninh với bí đỏ, cà rốt, măng, khoai tây… để bồi bổ sức khoẻ. Sữa trâu: Uống sữa trâu như các loại sữa khác sau khi đã nấu chín để bồi bổ cơ thể.
Dưới đây là một số bài thuốc từ con trâu:
- Chữa phù, đái ít: Thịt trâu 200g bóp dấm thanh và gừng rồi hấp chín. Hoặc phối hợp thêm các vị thuốc lợi tiểu như rễ cỏ tranh (ăn lạt). Mỗi tuần ăn 3-4 lần.
- Phát sốt, hồi hộp, váng đầu, móng tay chân nhợt, dùng bài thuốc sau: Thịt trâu 500g; câu kỷ 30g; sinh khương 10g; muối tinh 10g; nước gừng 200ml; dầu lạc 10g; hoài sơn 30g; củ hành 10g; rượu nhạt 20ml. Rửa sạch thịt trâu nhúng vào nước sôi 3 phút, thái ngang thớ thịt từng lát nhỏ, bỏ vào nồi lẫn với các vị thuốc và gia vị, đậy kín, đem hầm hai giờ, lấy ra ăn vài lần, ngày 2 lần.
- Huyết hư, nóng trong xương, mồ hôi trộm: Thịt trâu hoặc xương trâu hầm làm món ăn hằng ngày với các loại khoai khoai tây, cà rốt, củ cải, ngó sen, củ súng cùng các loại rau thơm.
- Phù thũng: Lấy bàn chân cẳng trước đốt lột móng, cạo lông luộc mềm róc lấy thịt gân để nấu lạt với rau cải, bí bầu hoặc với các vị thuốc lợi tiểu như rễ cỏ tranh, rau mã đề.
- Trúng phong méo miệng: Thịt mũi trâu tươi hay khô nướng cho nóng đắp lên bên bị lệch. Hết méo bỏ ra ngay.
- Tay chân sưng đau: Thịt trâu tươi mới, thái mỏng đắp lên. Khi khô thay thịt mới.
- Chữa đầy bụng, trướng hơi không muốn ăn, người nóng: Hoà sữa trâu với bột hạt cau và mộc hương (lượng bằng nhau) ngày uống 2 lần.
- Tắc tia sữa: Thịt mũi trâu (phần láng bóng quanh 2 lỗ mũi), nấu canh với mướp khía và hành hoa (cả củ và lá tươi) hoặc nấu canh với đu đủ, mít non…
- Chống suy nhược thần kinh và thể lực: Nấu cao thịt trâu bằng cách ninh lấy nước cô cao có màu hổ phách, bảo quản kỹ để ăn dần ngày 1-2 thìa nhất là về mùa đông giá rét cho khỏi tê mỏi đau nhức chân tay và bồi bổ cơ thể.
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang