KÝ SỰ SÂM NGỌC LINH: CHEO LEO TRÀ CANG
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng Số 36 (86) ngày 13/11/2019
Kỳ I: Cheo Leo Trà Cang
Những ngày mưa mà đi rừng sâm thì chỉ có mà mang “họa” vào người – đó là câu “dọa” của một cán bộ ngân hàng chính sách huyện Nam Trà My đối với đoàn chúng tôi.
Biết là thử thách, gian truân nhưng với ý chí quyết tâm của toàn đoàn sau hơn 5 giờ vật vã leo rừng vượt núi đoàn chúng tôi cũng đã đến Trạm sâm Trà Cang tỉnh Quảng Nam ở độ cao gần 2000m an toàn và hoan hỷ.
Sau hai lần gửi dung dịch bảo vệ thực vật đặc chế cho cây sâm từ Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam (Hà Nội) vào Nam Trà My để cứu một số vườn sâm ở Trà Cang đang bị dịch bệnh thành công và cũng nhân dịp tham dự lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3, chúng tôi quyết định leo lên vùng sâm Trà Cang để “thực mục sở thị” những vườn sâm đã từng bị dịch bệnh ở nơi đây và ghi nhận những chuyển biến của cây sâm sau khi dùng chế phẩm đặc biệt của Viện.
Lúc 5 giờ sáng - khi mà trung tâm huyện lị Nam Trà My còn đang được bao trùm bởi màn sương dày kín và lạnh giá thì tiếng hò kéo nhau dậy “hành quân” vang lên. Lúc này đồng chí Quang - một thành viên chủ chốt trong đoàn vẫn hỏi lại một lần nữa: “sẽ vất vả lắm đấy, chị Liên và em Tình có đi được hay không? Hay ở nhà chứ nửa đường mà đòi về là chết cả đoàn đấy?”. Lúc đó tôi chưa nghĩ ra viễn cảnh sắp tới mà chỉ nghĩ đơn thuần: cứ quyết tâm đi ắt sẽ thành và tôi cũng muốn trải nghiệm nên nhanh nhảu: “em đi chứ, phải đi chứ? Phải đi để lên vùng tiền tỷ chứ vô tới đây rồi?”. Đồng chí Quang cười nhưng ánh mắt toát lên sự lo lắng vì chúng tôi là nữ, hai người phụ nữ duy nhất của đoàn.
Sau khi ăn no cái bụng, xe bắt đầu di chuyển lúc trời còn tờ mờ sương. Xe chạy đường núi quanh co làm tôi lờ đờ, không dám mở mắt. Sau 45 phút di chuyển bằng xe chuyên dụng chúng tôi đến tới chân núi Ngọc Linh điểm trạm xã Trà Cang. Do được khuyến cáo từ trước nên đoàn chúng tôi chỉ mang những dụng cụ cần thiết để tác nghiệp, còn lương thực và quần áo thì bỏ vào giỏ gùi do một bác dân tộc Xê đăng đã đợi đoàn từ hôm trước. Với kinh nghiệm đi rừng sâm nhiều nên Phó giáo sư – Tiến sỹ Lê Hùng Lĩnh chuẩn bị sẵn mấy đôi tất dài lên tận đùi phát cho chúng tôi. Anh bảo: “đi vào không vắt nó chui vào quần đấy”. Tôi hoài nghi nhưng thấy mọi người đi cả nên làm theo.
7 giờ sáng, khi sương mù còn giăng như tơ nhện phủ kín rừng già, mỗi người được phát hai chai nước, mì tôm sống và thuốc DEP bôi chống muỗi vắt, về phần mình tôi thủ thêm một ít kẹo phòng tụt huyết áp. Theo kế hoạch chặng một sẽ vượt qua cánh đồng lớn và nghỉ chân ở điểm dừng dưới chân rừng già, chuẩn bị lấy sức cho cuộc “vượt độ cao”, vì bắt đầu từ đây rừng sẽ tăng độ dốc, có những chỗ dốc tới 90 độ… Lúc này cơ thể vẫn còn sung sức, những bước đi rất mạnh mẽ, cánh đồng cũng thoai thoải và có mạng 3G nên tôi cũng check in được một ít ảnh sôi động. Đi qua đoạn dài toàn bưởi rừng, quả rụng lăn lóc dưới đất rất nhiều, trong sương sớm bảng lảng trông cũng “liêu trai” ra phết. Đến rừng tre, những thân cây tre trong gió sớm cọ vào nhau cọt kẹt, lá đung đưa xào xạc, y như trong phim kiếm hiệp vậy. Rồi mặt trời cũng bắt đầu ló lên.
Di chuyển qua rừng lau lách là cánh đồng lúa bậc thang của bà con, bé bé xinh xinh, con nước chảy róc rách mà chúng tôi không có chỗ đặt chân, buộc phải lội nước bì bõm. Một số bà con lên nương họ chào chúng tôi bằng tiếng dân tộc, nụ cười trong sáng sau làn da ngăm đen nhánh. Qua cánh đồng lúa mọi người tranh thủ hái rau dấp cá và bạc hà rừng bỏ đầy túi. Tôi bắt đầu có triệu chứng mỏi, từ một người đi hung hăng nhất đoàn tôi dần tụt lại phía sau. May thay thầy giáo Hướng làm nhiệm vụ chốt đoàn nên anh ấy đã mang giúp tôi cái máy ảnh mà tôi cố mang theo để chụp choẹt… Nói thì đơn giản thế, nhưng để vượt qua được những cánh đồng và rừng lúp xúp này trong tình trạng không hề có đường đi, phải tự rẽ cây, rẽ đá ra mà đặt chân thì cung đường số 1 này cũng đã vắt của chúng tôi vô khối sức lực và thời gian…
Vừa đi vừa nói chuyện mới biết anh Hướng là người Bắc Giang trước học đại học Huế, học xong anh xin lên trên huyện miền núi Nam Trà My để dạy cho con em “cái chữ”. Anh nên duyên vợ chồng với một cô giáo quê Quảng Bình. Hai vợ chồng anh xác định gắn bó với mảnh đất này. Anh Hướng nghe nhiều câu chuyện về sâm Ngọc Linh rồi thành đam mê, anh cũng đang tập tành trồng sâm, những ngày nghỉ anh tranh thủ leo lên khu trồng sâm Trà Cang để học hỏi thêm kinh nghiệm. Hôm nay biết đoàn ngoài Bắc vào, tranh thủ ngày nghỉ hè cuối cùng anh đã phụ đoàn chúng tôi leo lên vườn sâm. May mà có anh, không thì đoàn chúng tôi … chỉ có nước méo mặt !!!
Kỳ tới: Chạm mặt "Bảo vật" Quốc gia
Tình Vũ
Quý độc giả quan tâm đến phương pháp nam dược cổ truyền có thể liên hệ:
Nhà thuốc Thọ Xuân Đường: Số 5-7 ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại : 024.85874711 - Hotline: 0943406995/0937638282/0943986986