PHÁC ĐỒ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ CHO NGƯỜI DƯƠNG TÍNH VỚI SARS-COV-2 BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Bài đăng Sức khỏe cộng đồng ngày 11/03/2020
Thuốc y học cổ truyền không chỉ giúp nâng cao đề kháng, tăng cường miễn dịch mà còn giúp hỗ trợ điều trị cho người dương tính với Sars-cov-2.
Với sự gia tăng các ca nhiễm mới Sars-cov-2 cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ y tế đã có những khuyến cáo để bệnh nhân phòng bệnh chủ động cũng như có các phương pháp điều trị tích cực cho người mắc bệnh. Thuốc y học cổ truyền không chỉ giúp nâng cao đề kháng, tăng cường miễn dịch mà còn giúp hỗ trợ điều trị cho người dương tính với Sars-cov-2. Vừa qua, cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền Trung Quốc cũng đã đóng góp vai trò không nhỏ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân phối hợp phòng và điều trị bệnh bằng thuốc y học cổ truyền là rất lớn và cho hiệu quả rất tốt khi phối hợp đông tây y.
Tặng thuốc Thanh phế bài độc phù chính thang cho bệnh nhân
Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, người nhiễm Sars-cov-2 đều trải qua các giai đoạn bệnh từ ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Thời gian diễn biến của mỗi giai đoạn cũng như mức độ nặng của bệnh khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Ứng với mỗi giai đoạn bệnh, y học cổ truyền mô tả các chứng hậu, chứng trạng và đưa ra pháp phương điều trị riêng.
1. Giai đoạn đầu: Hàn thấp uất phế
• Biểu hiện lâm sàng
Bệnh nhân có những biểu hiện: Gai lạnh, sốt hoặc không sốt, ho khan, khô họng, mệt mỏi, tức ngực, nôn hoặc buồn nôn. Lưỡi nhạt hoặc hơi đỏ, rêu lưỡi màu trắng và nhờn. Mạch nhu.
• Pháp điều trị
Tán hàn giải phế uất
• Phương dược:
Thương truật 15g, Trần bì 10g, Hậu phác 10g, Hoắc hương 10g, Thảo quả 6g, Ma hoàng 6g, Khương hoạt 10g, Hạt cau 10g, Hạt tía tô 6g, Lá tre 5g, Hương nhu 10g, Cam thảo nam 5g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, tối. Khi sắc cho thêm 5 lát Gừng tươi
2. Giai đoạn giữa: Dịch độc bế phế
• Biểu hiện lâm sàng
Thân nhiệt bất thoái (sốt liên tục dai dẳng) hoặc hàn nhiệt vãng lai (lúc nóng lúc lạnh), ho ít đờm hoặc đờm màu vàng, trướng bụng và táo bón. Tức ngực, khó thở, ho, thở khò khè, khó thở nhiều khi vận động. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn hoặc vàng khô. Mạch hoạt sác.
• Pháp điều trị
Thanh phế bài độc
• Phương dược:
Hạnh nhân 10g, Thạch cao 30g, Qua lâu 30g, Đại hoàng 6g (sắc sau), Ma hoàng 6g, Đình lịch tử 10g, Đào nhân 10g, Thảo quả 6g, Hạt cau 10g, Thương truật 10g, Cỏ nhọ nồi 10g, Kim ngân hoa 10g, Rau má 10g, Cúc hoa 10g, Cát cánh 10g, Kinh giới tuệ 10g, Cam thảo nam 5g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, tối.
3. Giai đoạn trọng chứng: Nội bế ngoại thoát
• Biểu hiện lâm sàng
Khó thở, suy hô hấp hoặc thở máy phụ trợ, kèm theo ngất xỉu, khó chịu, chân tay ra mồ hôi lạnh, lưỡi tím sẫm, rêu dày hoặc khô. Mạch phù đại vô căn.
• Pháp điều trị
Hồi dương ích khí, cứu thoát
• Phương dược
Nhân sâm 12g, Hắc phụ tử 8g (sắc trước), Sơn thù du 15g, Bạch truật 15g, Thanh mộc hương 15g, Hương phụ 8g, Kha tử 10g, Bạch đàn hương 10g, Trầm hương 6g, Xạ hương 4g, Đinh hương 7g, Uất kim 10g.
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, tối.
4. Giai đoạn hồi phục: Phế tỳ khí hư
• Biểu hiện lâm sàng
Khó thở, mệt mỏi, uể oải, chán ăn, buồn nôn, đầy bụng, phân nát, đại tiện vô lực. Lưỡi phình nhợt, rêu lưỡi trắng nhờn.
• Pháp điều trị
Kiện tỳ bổ phế khí
• Phương dược
Bán hạ chế 9g, Trần bì 10g, Đảng sâm nam 15g, Sa sâm 10g, Thạch hộc 10g, Ngọc trúc 10g, Bạch truật 10g, Hoàng kỳ chích 30g, Phục linh 15g, Hoắc hương 10g, Sa nhân 6g (sắc sau).
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, tối.
Trong quá trình theo dõi, điều trị, bệnh nhân nhất thiết phải được cách ly, thực hiện hồi sức cấp cứu y học hiện đại khi cần, ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng, đẩy lùi bệnh tật. Bệnh nhân không được tự ý cắt thuốc sử dụng, khi điều trị theo phác đồ này nhất thiết phải được khám và có chỉ định của thầy thuốc.
Tiến sỹ - Lương Y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam